Sương mù độc liên quan đến phát thải lớn ở đô thị

08/01/2015 00:00

(TN&MT) - Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc những ngày này, sáng sớm hoặc chiều tối có mưa phùn và sương dầy đặc.

(TN&MT) - Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc những ngày này, sáng sớm hoặc chiều tối có mưa phùn và sương dầy đặc. Các tòa nhà cao tầng, đường vào trung tâm thành phố mịt mù, khó nhìn thấy dù chỉ cách vài chục mét. Vì sao có hiện tượng này và sương mù ở Hà Nội sẽ kéo dài tới bao giờ? Phóng viên báo TN&MT có cuộc trao đổi với Ông Mai Văn Khiêm (ảnh), Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng – khí hậu thuộc Viện Khoa học KTTV – BĐKH về vấn đề này.
   
Pv: Sáng 5/1, Hà Nội bị bao phủ bởi một màn sương dầy đặc. Vậy xin ông cho biết vì sao hiện tượng sương mù xảy ra và sẽ kéo dài trong bao lâu?
   
Ông Mai Văn Khiêm: Các nguyên nhân hình thành sương mù là khi mặt đất lạnh do bức xạ vào ban đêm trời quang mây, lặng gió mà chúng ta hay gọi là sương mù bức xạ. Khi không khí nóng ẩm di chuyển ngang qua nơi có bề mặt lạnh sẽ bị lạnh đi nên hình thành sương mù bình lưu; không khí lạnh di chuyển qua vùng có mặt nước ấm hơn nhiều thì hơi nước bốc lên gặp lạnh nhanh chóng ngưng tụ thành sương mù bốc hơi. Ngoài ra còn sương mù do mưa, sương mù thung lũng... Sương mù ở nước ta thường xảy ra vào các tháng từ cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông.
   
Ông Mai Văn Khiêm, Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng – khí hậu thuộc Viện Khoa học KTTV – BĐKH
   
  Hiện tượng sương mù những ngày gần đây ở Hà Nội và ở nhiều tỉnh miền Bắc là dạng sương mù bình lưu, hình thành do ảnh hưởng của đới gió Đông Nam đưa không khí ẩm từ biển vào găp bề mặt lạnh. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, ở vùng ven biển như khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đã xuất hiện hiện tượng quá mù ra mưa.
   
  Hiện tượng sương mù này giảm dần khi gió Đông Nam yếu bớt đi và sẽ chấm dứt khi có gió mùa đông bắc tràn về.
   
  Ở Việt Nam, ô nhiễm không khí ở các đô thị đã trở nên nghiêm trọng bởi hiện nay lượng khí thải thải ra do xe cộ và hoạt động sản xuất công nghiệp của con người ngày càng nhiều hơn và tốc độ phát thải cũng nhanh hơn.  
   
  Nếu con người gây ra nhiều chất bụi ô nhiễm trong môi trường không khí thì càng thuận lợi cho hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt nước và hình thành sương mù.
   
Pv: Xin ông cho biết cách nhận biết sương mù do ô nhiễm không khí (sương mù axít) để người dân dễ nhận biết nhằm phòng tránh và bảo vệ sức khỏe?
   
Ông Mai Văn Khiêm: Khác với sương mù, hiện tượng “mù” do ô nhiễm không khí là hiện tượng tập hợp các hạ bụi, khói lơ lửng trong không khí, nồng độ ở lớp bề mặt tăng cao làm giảm tầm nhìn ngang (sương mù axít). Mù mạnh có thể làm giảm tầm nhìn ngang xuống vài trăm mét, thậm chí hàng chục mét như sương mù mạnh. Tuy nhiên, nếu độ ẩm của không khí ở khu vực xảy ra mù thấp, lại có nhiều gió thì khả năng khuếch tán khí thải độc hại sẽ tăng, nên thường khó thấy hiện tượng sương mù axít bằng mắt thường.
   
   
  Sương mù và sương mù axít đều là hiện tương khí tượng nguy hiểm. Ngoài việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông vận tải đường bộ, đường sông, đường biển và hàng không, sương mù và sương mù axít còn là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, mắt... cho người dân.
   
  Để bảo vệ môi trường và cũng là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, giải pháp tốt nhất là phải kiểm soát được việc phát khí thải vào môi trường không khí bằng cách hạn chế lượng xe cộ lưu thông và tăng cường công tác xử lý khói thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
   
Pv: Trân trọng cảm ơn ông!
   
Linh Nga (thực hiện)
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sương mù độc liên quan đến phát thải lớn ở đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO