Môi trường

Sức sống mới nơi vùng đất ngập lũ

Bạch Thanh 05/09/2023 - 20:28

(TN&MT) - Tân Thạnh (Long An) mỗi mùa nước về là ngập lụt liên miên, cuộc sống khó khăn, không một loại cây nông sản giá trị cao nào có thể trụ lâu trên mảnh đất này. Vậy mà thời gian gần đây, nhờ tích cực đổi mới mô hình sản xuất, cùng với sự "vào cuộc" của chính quyền địa phương trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đã góp phần đưa địa phương này trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, giúp nâng cao đời sống cho người dân.

h1.jpg
Cây sầu riêng hiện đang giúp người dân Tân Thạnh có thu nhập cao

Chúng tôi vừa trở lại Tân Thạnh để tìm hiểu về giải pháp trong phát triển sản xuất, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Những ngày này, chúng tôi cảm nhận nơi đây thật sự “thay da, đổi thịt”, đang bừng lên sức sống mới, diện mạo mới. Ấn tượng nhất trước mắt chúng tôi là những con đường giao thông bê-tông sạch sẽ, nhiều ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên san sát, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động nhộn nhịp,... báo hiệu sự no ấm, đủ đầy ở chính nơi vùng đất đã từng ngập lũ.

Như đã hẹn từ trước, một anh bạn là cán bộ tại địa phương đã hướng dẫn chúng tôi tiếp cận từng mô hình hay, những cá nhân điển hình trong sản xuất của xứ sở này. Hướng mắt vào những vườn sầu riêng xanh tốt, anh bạn bộc bạch: “Thời gian qua, huyện Tân Thạnh luôn quan tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao".

Theo anh bạn, với cây sầu riêng là loại cây trồng đặc sản cho thu nhập cao nên nông dân các địa bàn vùng kiểm soát lũ vùng Đồng Tháp Mười này đã và đang mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa hoặc các cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng chuyên canh sầu riêng. Đây cũng là hướng đi tất yếu hướng đến làm giàu cho nông dân và đổi mới nông nghiệp theo hướng xanh, an toàn, bền vững.

Điển hình trong số ấy là gia đình của chị Đỗ Thị Bay ở xã Tân Lập. Với diện tích 2ha, chi Bay trồng 300 gốc sầu riêng với loại giống Ri6 và Mong Thong, hiện vườn sầu riêng đang cho hiệu quả kinh tế rất cao, với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Vườn sầu riêng này cũng là một trong diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn huyện Tân Thạnh hiện nay.

h2.jpg
Cây sen vẫn là lựa chọn của nhiều nông dân trong phát triển kinh tế gia đình

Còn tại vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, sau khi nghiên cứu học hỏi kỹ thuật trồng, gia đình anh Ngô Văn Bảy ở xã Nhơn Ninh cũng đã mạnh dạn đầu tư 270 triệu đồng để thực hiện 02 nhà màng trên diện tích khoảng 1.000m2 trồng dây dưa lưới kết hợp hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Sản xuất có hiệu quả, đến nay gia đình anh Bảy đã đầu tư 9 nhà màng với gần 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả và trồng xen canh giữa các giai đoạn phát triển của dưa để có nguồn thu hoạch liên tiếp. Anh Bảy cho hay: “Sau khi thu hoạch và cấn trừ chi phí, cứ bình quân 1.000m2, mỗi năm tôi mang về lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng”.

Không chỉ có vậy, cây sen vẫn là lựa chọn của nhiều nông dân huyện Tân Thạnh để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập bởi có đặc tính dễ trồng, ít bị sâu bệnh, phù hợp với những vùng đất trũng thấp, nhất là vùng ngập lũ. Hiện nay, nhiều hộ gia đình và một số cơ sở sản xuất, tổ hợp tác đã sơ chế ngó sen và chế biến các sản phẩm từ sen nhằm từng bước tiếp cận được người tiêu dùng, góp tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Đây cũng là động lực để người dân nơi này duy trì và phát triển cây sen thành những sản phẩm đặc trưng của vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười.

Ngoài ra, qua tìm hiểu chúng tôi được biết rằng, để người nông dân tích cực tham gia vào các mô hình, ngành chuyên môn địa phương đã tăng cường vận động nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, như: lắp đặt các hệ thống phun tưới tự động theo công nghệ mới; áp dụng công nghệ sinh học, trồng cây trong nhà màng nhà lưới, sử dụng túi để bao trái và sản xuất theo hướng hữu cơ từ đó cho ra sản phẩm an toàn và hướng tới xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.

h3.jpg
Cảnh quang, đường giao thông được bê-tông hóa và sạch - đẹp

Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện Tân Thạnh, vùng đất này được xem là cái nôi của cách mạng, sau ngày hòa bình thì đời sống người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thạnh luôn nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Và chính nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực sản xuất, kinh tế của huyện đã có nhiều khởi sắc.

Năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp – lâm – thủy sản đạt hơn 3.800 tỷ đồng, chiếm gần 80% tỷ trọng sản xuất toàn huyện. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt trên 61 triệu đồng/người/năm. Trong năm nay, địa phương phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp – lâm – thủy sản đạt trên 4.000 tỷ đồng và giá trị sản xuất bình quân đầu người của huyện đạt 64,4 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh Hà Thanh Chì cho biết, là huyện thuần nông, những năm qua, địa phương luôn xác định sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh và tập trung lãnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Trong câu chuyện, ông Hà Thanh Chì cho rằng, để nâng cao nhận thức và hành động cụ thể bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, các cấp, các ngành và địa phương đã tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Từ đó, giúp người nông dân thay đổi hướng sản xuất theo hướng gắn với bảo vệ môi trường như: thay đổi lề lối canh tác, sản xuất an toàn; nhân rộng mô hình quản lý, sử dụng hiệu quả các loại chất thải trồng trọt, giảm ô nhiễm môi trường và tác động về sức khỏe nhằm bảo vệ bền vững môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển về kinh tế, xanh - sạch - đẹp.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch huyện Tân Thạnh cho rằng địa phương sẽ tập trung phát triển vùng sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Cùng với đó, chú trọng đến việc quản lý, bảo vệ môi trường hiệu quả và vừa tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định và nâng cao cuộc sống lâu dài cho người dân.

Giờ đây, cảnh quang, đường làng của Tân Thạnh đang khoác lên mình chiếc áo mới, bộ mặt nông thôn đã từng bước đổi thay. Hiện, địa phương này cũng đang tập trung phát triển nông - lâm - thủy sản theo hướng ổn định và bền vững, đồng thời tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Trong tương lai không xa, quê hương Tân Thạnh sẽ bừng lên sức sống mới, diện mạo mới, và rồi đây đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi vùng đất ngập lũ này sẽ thêm no ấm, giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới nơi vùng đất ngập lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO