Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động Dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.
Đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ, chiều rộng cũng như chiều sâu. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã thực sự trở thành tập đoàn kinh tế lớn mạnh, đồng bộ, bền vững, có vị thế và uy tín cao ở trong và ngoài nước, giữ vị trí quan trọng, nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - có giai đoạn đóng góp đến 30% ngân sách quốc gia và ngay ở thời điểm hiện tại khi quy mô của nền tế lớn hơn rất nhiều thì ngành dầu khí tiếp tục đóng góp quan trọng, chiếm khoảng 10% ngân sách quốc gia.
Năm 2021, trong bối cảnh khủng hoảng kép của đại dịch Covid -19 và suy giảm giá dầu, tổng nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm và tăng 36% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2022, tổng nộp NSNN toàn Tập đoàn ước đạt 102,9 nghìn tỷ đồng, vượt 59% KH năm 2022 và tăng 51% so với cùng kỳ 2021. Giá trị thương hiệu Petrovietnam tăng lên qua từng năm, như năm 2020, 2021 đã được Brand Finance (công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới) định giá tăng hơn gấp đôi so với năm 2019; đến năm 2022, giá trị thương hiệu Petrovietnam đã đạt 1,3 tỷ USD tăng gần gấp rưỡi năm 2021, duy trì vị trí trong 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, chỉ số sức mạnh Thương hiệu Petrovietnam đạt 70,8 và duy trì xếp hạng sức mạnh thương hiệu ở mức AA.
Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành Dầu khí đã thực hiện được sứ mệnh của mình trong đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực và góp phần đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao vị thế khu vực và quốc tế của ngành Dầu khí Việt Nam, khẳng định vai trò của một ngành kinh tế - khoa học công nghệ chủ lực của Việt Nam.
“Phải xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả, là doanh nghiệp chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đắc lực, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất...”, là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong buổi làm việc với Tập đoàn vào tháng 9/2022 vừa qua. Qua đó, có thể khẳng định, trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ngành Dầu khí tiếp tục được xác định giữ vai trò quan trọng.
TS. Ngô Thường San - Chủ tịch danh dự Hội Dầu khí Việt Nam nhận định, thực trạng về tiềm năng tài nguyên và nhu cầu luôn cao về năng lượng cho thấy công nghiệp dầu khí vẫn sẽ giữ vị trí hàng đầu trong tỷ phần năng lượng sơ cấp. Hơn nữa sản phẩm dầu khí không chỉ là nguồn năng lượng mà còn là nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp như hóa dầu, nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng vật liệu mới, quốc phòng. Một khi chưa có nguồn tài nguyên mới đa dạng về công dụng có thể thay thế dầu khí, thì dầu khí vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Với tiềm năng trữ lượng còn lại được đánh giá còn khá lớn, dầu khí có đầy đủ cơ sở để tiếp tục đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia.
Để đưa nguồn tài nguyên Dầu khí còn nằm sâu dưới lòng đất vào phục vụ cho sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thì khung pháp lý đóng vai trò quyết định. Bởi thực tế trong những năm qua, bối cảnh trong nước và thế giới đã có những thay đổi lớn, chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ. Trong khi đó, ở nước ta các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp, thời gian khai thác ngắn,... Trong bối cảnh đó, Luật Dầu khí hiện hành đã không còn phù hợp, kìm hãm sự phát triển của ngành. Môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí ở nước ta trở nên kém hấp dẫn, thiếu sức cạnh tranh, không thể triển khai được các hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác để gia tăng trữ lượng trong khi nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng cho Petrovietnam như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Cá Ngừ Vàng, Lan Tây đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, đang ở vào giai đoạn cuối đời mỏ, sản lượng suy giảm tự nhiên lớn.
Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới. Giai đoạn 2009 - 2014 có khoảng 35 hợp đồng Dầu khí được ký, nhưng từ 2015 - 2019 mỗi năm chỉ ký được 1 hợp đồng; 2 năm gần nhất (2020, 2021) không có hợp đồng nào.
Ông Hoàng Ngọc Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết, từ 2011 - 2015, PVEP ký 27 dự án dầu khí. 5 năm sau cộng thêm 8 tháng đầu 2022, mới ký được 2 dự án. Không chỉ ký hợp đồng mới khó, số lượng dự án đang hoạt động cũng “giảm rất nhiều”. Theo ông Trung, giai đoạn trước, PVEP có 70 dự án, nhưng đến hiện tại, số dự án còn hoạt động chỉ 35, nghĩa là giảm một nửa, khi trữ lượng thăm dò không đạt như kỳ vọng.
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Dầu khí, có những chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, phù hợp với tình hình mới và hiện trạng tài nguyên Dầu khí còn lại của nước ta, qua đó thúc đẩy đầu tư, đưa được nguồn tài nguyên vào phục vụ cho sự phát triển của đất nước, góp phần thực hiện định hướng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ… Trong đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội…”.
TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí bởi từ lần sửa đổi mới nhất năm 2008 đến nay hệ thống pháp luật thay đổi rất nhiều, hàng loạt các luật mới ra đời, tạo ra sự chống chéo, mâu thuẫn, cũng như có những khoảng trống, gây khó khăn, tắc nghẽn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, thực tiễn quốc tế nói chung và với ngành Dầu khí thế giới cũng thay đổi rất nhiều; cộng với những đặc thù ngành dầu khí như đầu tư lớn, rủi ro cao, cần phải thể chế hóa để giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư…
Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022. Đến nay, qua nhiều lần góp ý, bổ sung, chỉnh sửa, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã hoàn thiện và được đánh giá cao không chỉ về nội dung chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, mà cả về kỹ thuật lập pháp mới.
Dự thảo Luật hiện có 11 chương, 69 điều, tăng 2 chương và 12 điều so với bản Dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022. Dự thảo sẽ được trình để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 đang diễn ra.
Để nguồn tài nguyên Dầu khí còn lại có thể đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thì công tác tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác cần được triển khai thuận lợi, thông suốt. Do đó, rất cần thiết điều chỉnh về cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí cho phù hợp với tình hình mới để làm động lực cho các nhà đầu tư, tăng cường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, qua đó tạo ra các nguồn thu mới cho đất nước.