Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong những ngày qua, ông luôn chăm chú lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết từ con tim của các đại biểu Quốc hội trước những thảm họa đau thương liên tiếp xảy ra ở miền Trung ruột thịt. Đồng thời. cũng ghi lại những đề xuất mà các đại biểu đưa ra để giải quyết các trăn trở đó, có những vấn đề mang tầm quốc tế cũng như là quốc gia và địa phương về những vấn đề trên.
Với trách nhiệm của người quản lý tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng được xin chia sẻ với những mất mát, cũng như khó khăn của người dân, chính quyền địa phương cũng như các cán bộ, chiến sĩ đang phải chống chọi, xẻ núi, mở đường để giải quyết những thảm họa này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm |
Công tác dự báo giảm thiệt hại về con người do thiên tai gây ra
Để Quốc hội, người dân và dư luận nắm được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cung cấp một số thông tin mang tính chất khoa học, khách quan để có những trao đổi, bàn bạc để đưa ra những giải pháp có tính khả thi, đảm bảo các lợi ích trước mắt cũng như lâu dài.
“Tôi vừa có trong tay báo cáo của Ủy ban về rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc phát đi, cho thấy do biến đổi khí hậu cực đoan và thời điểm này đã đến điểm mà con người rất khó kiểm soát được tính cực đoan, khi nồng độ khí nhà kính đã đạt trên 400 đơn vị phần trăm.” – Bộ trưởng cho biết.
Báo cáo cho thấy rằng, cường độ cũng như tần suất trong 40 năm qua đã tăng 4 lần, trong đó bão và lũ chiếm khoảng 40%. Giai đoạn 1980 - 1999 chỉ có 4.212 các thiên tai được xác định là thiên tai lớn nhưng cho đến nay, năm 2000 - 2019 đã có trên 7.348 thiên tai lớn, trong đó loại hình thiên tai xảy ra nhiều nhất là lũ 3.254 lượt chiếm 44%, bão 2.043 lượt 28%.
Việt Nam đứng ở trong vòng bão của Tây nam Thái Bình Dương - một trong trung tâm bão. Nước ta đứng thứ 7 trong những quốc gia có cực đoan và rủi ro thiên tai cao nhất và đứng thứ 16 trong số các nước liên quan đến khí hậu cực đoan. Theo thống kê, xu hướng của thế giới và khu vực cho thấy tính cực đoan của thời tiết tăng lên và điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá và thống kê 100 năm qua cho thấy, mặc dù là số lượng thiên tai tăng nhưng thiệt hại thiên tai về tài sản và nguy cơ ảnh hưởng đến con người có giảm đi. Điều này cũng được thống kê ở Việt Nam, điều đó cho thấy công tác dự báo, sự chủ động phòng, tránh thiên tai ở các cấp luôn được chủ động.
Xác định các vấn đề thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học
Giải trình cho các đại biểu Quốc hội về tình hình thiên tai, trượt lở trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng cung cấp một số thông tin, theo đó, từ năm 2009, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và chỉ đạo tiến hành 2 chương trình nghiên cứu:
Một là chương trình nghiên cứu về dự báo lũ ống, lũ quét các tỉnh miền núi và Tây Nguyên và miền Trung. Chương trình thứ hai liên quan đến chương trình điều tra tai biến, thực chất dự cảnh báo các sạt lở ở các khu vực vùng núi cũng như Tây Nguyên, Tây Bắc và miền Trung bắt đầu từ năm 2012.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu để xem xét các vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy rằng, hiện trạng của tất cả các điểm vừa rồi xảy ra là tổ hợp các dạng thiên tai.
Trong đó, liên tiếp đã có 4 cơn bão hướng về khu vực miền Trung, trong đó cơn bão số 9 là mạnh nhất trong 20 năm qua, hết sức nguy hiểm. Cùng với đó là, trạng thái vùng áp suất duy trì rất lâu ở miền Trung và đã tạo ra lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử.
Trong đó có những ngày lượng mưa ở Quảng Nam lên đến trên 500mm/1 ngày. “Chúng ta tưởng tượng là nửa mét và có những nơi trong suốt giai đoạn đó là lượng mưa được tính toán vượt qua con số từ 2.000 đến 4.000 mm, lượng mưa đấy có thể nói là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa.” – Bộ trưởng nói.
Liên quan đến vấn đề trượt lở ở khu vực miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất và các đứt gãy này trong thời gian vừa qua đã có sự cà sát và đứt gãy tạo ra độ phong hóa từ 9 đến 16m. (Trong đó khu kiểm lâm 67 Phong Điền, Cha Lo, Minh Hóa; khu vực Binh đoàn 337 Hướng Hóa, Trà Leng, Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam; Phước Lộc, Phước Sơn; vùng sạt lở Rào Trăng 3… là những khu vực ở độ cao từ 300 đến 900m.)
Cũng quá trình đó thì độ phong hóa này đã tạo ra đất, cát, sét, sỏi với độ gắn kết rất thấp và nằm trên địa hình đồi núi dốc, trọng lực trượt và độ dốc của sông, suối đều theo hình chữ V, vì thế luôn luôn nằm trong một động thái địa chất kiến tạo, đó là đứt gãy do tai biến địa chất đã hình thành.
Quá trình địa chất đó luôn làm cho đất đá bị nát vụn và thành phần đất đá đó cộng thêm vấn đề ngoại sinh là lượng mưa lớn mà theo tính toán, trong vòng khoảng 5 - 10 ngày lượng mưa 100mm thì tất cả những khu vực này đều dẫn đến nguy cơ sạt lở. Đồng thời, lượng mưa 500mm/ngày cũng làm gia tăng trọng lực trượt của đất và làm cho sự gắn kết của các mảng trượt, cộng với vấn đề địa chất nội sinh đang hoạt động.
Bộ trưởng cho biết thêm, ở đây, còn có thêm sự kết hợp của các yếu tố cấu thành tổ hợp các thiên tai, thiên tai từ sạt lở đất nhỏ gắn với đồi núi dốc và các sông suối hẹp tạo nên những biển hồ nước và kích hoạt các hoạt động địa chất nội sinh đó là hoạt động trượt khiến cho các vụ việc xẩy ra như chúng ta đã chứng kiến.
Bộ trưởng đề nghị, cần phải có nghiên cứu độc lập, đánh giá của các cơ quan khoa học và cơ quan quản lý để xác định một cách chính xác, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể và phù hợp. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị cần phải có nghiên cứu độc lập, đánh giá của các cơ quan khoa học và cơ quan quản lý để xác định một cách chính xác từ đó đưa ra giải pháp cụ thể và phù hợp.
Chuyển đổi rừng phải tính toán lợi ích bền vững
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi đất rừng mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho biết ở các khu vực có đồng bào sinh sống lâu đời thì chủ yếu là rừng lâm nghiệp và phát triển cây lâm nghiệp, trong đó độ che phủ từ 60 - 80%, còn ở khu vực trồng cây nông nghiệp thì độ che phủ là 50%.
Trước sự phát triển của đất nước như hiện nay dân số tăng trưởng trên 100 triệu dân, chúng ta không thể có không gian để phát triển đô thị, không thể có không gian bố trí dân cư. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác thì Bộ trưởng đề nghị cần phải có sự tính toán, cân bằng các lợi ích chung. “Tức là chúng ta cần phải xác định chức năng những khu vực cần phải giữ, phải bảo vệ. Đó là, các rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Vận hành hồ chứa miền Trung đã giảm lũ hạ lưu từ 30 - 70%
Nói thêm về vai trò của hồ chứa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng với việc vận hành các hồ điều tiết vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã làm tốt vai trò giảm lũ dưới hạ lưu.
“Hiện nay dự báo bão đã sớm được 5 ngày khi bão bắt đầu vào biển Đông, dự báo mưa trước khoảng 2 - 3 ngày thì mặc dù các hồ chứa miền Trung không có khả năng để cắt lũ nhưng sự điều tiết nhịp nhàng, chặt chẽ và khoa học đã giúp giảm được lũ ở hạ lưu từ 30 - 70%”. Bộ trưởng nói.
Theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường, ở hầu hết các hồ chứa lớn hiện nay, Bộ TN&MT đã đưa ra 11 quy trình điều tiết các hồ trên 11 lưu vực sông. Ngoài mục tiêu phát điện, các hồ điều tiết này đã thực hiện chức năng cung cấp nước trong mùa cạn.
Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết cực đoan, lượng nước trên các sông giảm 80 - 90% trong mùa cạn (nhất là khu vực miền Trung) thì các hồ này đã cấp được 30 - 50% lượng nước. Vai trò này của hồ điều tiết là không thể thay thế.
Lấy dẫn chứng ở Na Uy có rất nhiều thuỷ điện nhỏ, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, vấn đề không nằm ở các thuỷ điện nhỏ mà ở chỗ chúng ta chưa phân tích được lợi ích, các tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ.
“Nếu chúng ta tính toán, thiết kế được các công trình hài hòa được với tự nhiên thì có thể vừa duy trì được nguồn điện năng, nhưng không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng được những thách thức hiện nay
Trao đổi về những ý kiến về lựa chọn các mô hình phát triển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, có rất nhiều ý kiến hết sức tâm huyết, đã chỉ ra được các nguyên nhân cốt lõi, sâu xa và rất nhiều ý kiến đã nêu những vấn đề thách thức và hiện trạng trong vấn đề lựa chọn các mô hình phát triển. Nó đòi hỏi phải có sự thay đổi từ ý thức, chính sách, hành động để đưa ra những định hướng phát triển không dựa vào khai thác thiên nhiên.
Bộ trưởng khẳng định, với dự thảo luật Bảo vệ môi trường lần này, Chính phủ đã thực hiện một khâu, đó là thể chế hóa Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương, thể chế hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về con đường đi đến phát triển bền vững, về tăng trưởng xanh, thể chế hóa những mệnh lệnh mà người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng đã nhiều lần nêu lên, đó là không hy sinh để đánh đổi môi trường.
Trong đó, liên quan đến các quan ngại về vấn đề ô nhiễm, vấn đề rác thải, vấn đề an ninh tài nguyên nước hay vấn đề liên quan đến thay đổi tư duy giữa con người đang khai phá và chế ngự tự nhiên bằng sống hài hòa với tự nhiên. Giải quyết những vấn đề cần ưu tiên, xác định Nhà nước và xã hội cùng tham gia và nhân dân giám sát. Dựa trên những thành tựu của khoa học công nghệ để có thể đảm bảo được hiệu quả, đảm bảo được hiệu lực thay cho hình thức bấy lâu nay.
Tại Quốc hội, mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Bộ trưởng cho rằng, con đường và giải pháp mà Chính phủ đã lựa chọn là vô cùng đúng đắn. Đó là sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để đáp ứng được những thách thức hiện nay, những thách thức mà các đại biểu đã rất nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội đã nêu ra.