Phát triển Xanh

Sứ giả của tương lai bền vững

Việt Hải 22/04/2024 - 15:38

(TN&MT) - Đến thời điểm này, kinh tế tuần hoàn (KTTH) vẫn là đáp số được mong chờ nhất để giải bài toán phát triển bền vững...

ktth-1-.png

Đến thời điểm này, kinh tế tuần hoàn (KTTH) vẫn là đáp số được mong chờ nhất để giải bài toán phát triển bền vững trong điều kiện cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa sự sống còn của Trái đất. Vậy KTTH là gì, thực trạng ra sao, những cái tên như Tân Hiệp Phát, Nestle, Lagom, Tuynel Tuyên Quang… đóng vai trò gì trên lộ trình phát triển? Câu trả lời có trong cuốn sách “Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong”…

1.png

Từ rất lâu, con người đã nhận ra bầu sữa mẹ thiên nhiên dẫu dồi dào nhưng không phải là vô hạn, vì thế, những khái niệm tiết kiệm tài nguyên, tôn trọng thiên nhiên từng sớm xuất hiện. Tuy nhiên, nhận diện về sự cạn kiệt tài nguyên trong tương lai và nhu cầu phát triển như trò trêu ngươi, đã đẩy con người rơi vào sự mâu thuẫn của chính mình.

Trong rất nhiều thiên niên kỷ, một mặt trượt dài trên con đường phát triển bằng mô hình kinh tế tuyến tính đơn thuần, đầu vào là tài nguyên thiên nhiên, đầu ra là sản phẩm sử dụng cho con người, vòng đời cuối là sự thải bỏ, mặt khác, người ta vẫn loay hoay đi tìm lời giải kiềm chế sự sa sút, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên nhưng lại thả trôi những lo lắng đó mà chưa sẵn sàng biến nó thành hành động hàng loạt, kể cả những quốc gia được cho là phát triển, văn minh.

Nhiều kỷ nguyên trôi qua, chỉ đến khi biến đổi khí hậu như cỗ xe không phanh gây ra những cơn giận dữ tác động lên môi trường toàn cầu và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống thì những thức nhận trong con người mới đồng loạt bung tỏa. Người ta tìm cách hạ nhiệt môi trường, hãm tốc độ tan của các sông băng, kiềm chế phát thải, hạn chế khai thác tài nguyên và hạn chế thải bỏ… Những yêu cầu không thể trì hoãn đó cùng với nhu cầu phát triển là lực đẩy cho mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) chính thức bước vào vũ đài.

ktth.png

Bằng việc tái sử dụng, tăng thêm vòng đời cho tài nguyên, biến sản phẩm thải bỏ của vòng đời này thành nguyên liệu đầu vào của một vòng đời khác, KTTH có tác dụng như chiếc phanh hãm khối lượng, tốc độ khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu phát triển của con người.

1.2-bieu-do-so-sanh-khai-quat-giua-kinh-te-tuyen-tinh-va-kinh-te-tuan-hoan.png
Biểu đồ so sánh khái quát giữa Kinh tế tuyến tính và Kinh tế tuần hoàn

Kiềm chế khai thác tài nguyên thiên nhiên dù không mang lại tác dụng cải lão hoàn đồng nhưng nó được cho là phương cách hữu hiệu hạn chế gây thêm vết thương cho thiên nhiên trong bối cảnh con người không thể quay về với cách sống của thời nguyên thủy. Đứng vào thế đó, KTTH được xem như sứ giả hòa giải thiên nhiên với con người, hợp nhất mâu thuẫn vừa phát triển vừa bảo tồn thiên nhiên…

Để đạt được đích cuối cùng trong việc bảo tồn thiên nhiên, cho đến thời điểm này, mọi sáng kiến vẫn xoay quanh giải pháp hạn chế khai thác khiến cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái. Ở góc nhìn này, KTTH còn đóng vai trò trung gian điều tiết, duy trì cán cân sinh thái giữa bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trên nguyên tắc sản phẩm thải bỏ của vòng đời này là nguyên liệu đầu vào của một vòng đời tiếp theo, KTTH cũng đồng thời hạn chế sự gia tăng chất thải một cách khoa học, đồng bộ, ràng buộc giữa các ngành nghề sản xuất và theo một chuỗi liên hoàn tự động. Việc hạn chế thải bỏ, thu hồi chất thải làm năng lượng đầu vào cho một quy trình sản xuất khác (bao gồm cả chất thải rắn, lỏng, khí) là tác nhân kiềm chế phát thải khí nhà kính - một trong những “nhân vật chính” làm gia tăng nhiệt độ trái đất khiến biến đổi khí hậu ngày càng trỗi dậy bạo liệt hơn.

2.png

Sự hiện hữu cực đoan của biến đổi khí hậu đã đẩy tần suất xuất hiện KTTH ngày càng dầy hơn trên các nghiên cứu, báo cáo, các phương tiện truyền thông và trong vận hành nền kinh tế, triển khai sản xuất, kinh doanh...

Nhưng, như TS Nguyễn Anh Tuấn từng phát biểu trong Lễ ra mắt giới thiệu cuốn sách “Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong” và Hội thảo về KTTH, chúng ta còn chưa thiết lập thể chế toàn diện cho KTTH, việc nghiên cứu về nó cũng còn chừng mực và chưa hệ thống. Khái niệm KTTH còn mơ hồ với nhiều người, với cả những cơ sở sản xuất. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã và đang xây dựng chiến lược sản xuất và vận hành, triển khai theo mô hình KTTH, họ rất cần khơi thông nguồn lực từ hành lang pháp lý, cung cấp vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn...

Đó cũng là lý do để nhóm các nhà khoa học biên soạn cuốn sách “Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong” mà TS Nguyễn Anh Tuấn là Chủ biên. Lý do để xuất bản cuốn sách, theo ông, không gì khác ngoài mong muốn góp thêm cho bạn đọc và xã hội, cộng đồng một cái nhìn khoa học, khách quan, hệ thống về KTTH, cũng đồng thời đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề sống còn của trái đất mà mô hình KTTH là một phần quan trọng trong câu chuyện này.

ktth-1-(1).png

Với việc tập hợp chọn lọc 24 bài viết, công trình nghiên cứu của các tác giả là nhà quản lý, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sách cung cấp cho bạn đọc một hệ thống kiến thức nền, cơ bản về KTTH, và một cái nhìn toàn cảnh về KTTH - thực trạng, chính sách, giải pháp và những mô hình tiên phong. Ở đây, có sự kết hợp lý tưởng giữa nghiên cứu, quản lý, quản trị, triển khai chính sách; giữa khoa học và thực tiễn; giữa nhận thức và hành động, vì thế sách vừa mang tính cung cấp tri thức cho phát triển nền móng vừa cung cấp mô hình mẫu để một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể tham khảo, áp dụng phương thức đi tắt đón đầu, bỏ qua giai đoạn.

Vì vậy, có thể khẳng định, “Kinh tế tuần hoàn & Những mô hình tiên phong” là một sáng kiến và nỗ lực tiếp theo nhằm phổ biến kiến thức, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, KTTH ở nước ta. Các tác giả và những người biên soạn mong muốn thông qua sách, báo và truyền thông, đẩy mạnh nhận thức toàn diện và căn cốt hơn nữa về mô hình kinh tế, góp phần làm nên chuyển biến trong cộng đồng và toàn xã hội, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ KTTH, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

2.2.-sach-kinh-te-tuan-hoan-va-nhung-mo-hinh-tien-phong-tap-hop-nhieu-bai-viet-va-cong-trinh-nghien-cuu.png
Sách Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong tập hợp nhiều bài viết và công trình nghiên cứu

Nội dung cuốn sách nêu lên những vấn đề cơ bản về KTTH, thực trạng phát triển KTTH ở Việt Nam, kinh nghiệm các nước và giải pháp phát triển kinh tế xanh, KTTH ở nước ta. Đặc biệt, sách giới thiệu những doanh nghiệp đi đầu, những mô hình tiên phong trong phát triển KTTH tại Việt Nam như Tân Hiệp Phát, KCN Nam Cầu Kiền, Vinamilk, TH True milk, Lagom, Tuynel Tuyên Quang… - những mô hình đang nhận được sự quan tâm chú ý của cộng đồng, tạo nên thiện cảm lớn đối với đông đảo người tiêu dùng và hy vọng sẽ được biết đến nhiều hơn, chia sẻ rộng rãi hơn thông qua cuốn sách.

3.png

Lý giải thêm vì sao trong số đông doanh nghiệp, chỉ một số gương mặt được chọn đưa vào sách, TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, một phần trong khuôn khổ giới hạn số trang, phần quan trọng nhất, ông cùng đồng nghiệp không lấy thước đo bằng cảm tính bởi các giá trị đều đã được kiểm chứng thông qua hệ thống quản lý nhà nước với số liệu giám sát, thống kê từ thực tiễn mà các doanh nghiệp là những điển hình, thậm chí là những điển hình thú vị, đơn cử như Tân Hiệp Phát.

Là một doanh nghiệp liên kết đa quốc gia, có cơ sở tại Việt Nam, Tân Hiệp Phát sớm tiếp cận nền KTTH từ các nước phát triển, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trong phát triển KTTH như Boost, Waitrose, McDonalds, Estee Lauder Companies, Hilton… Sự tiếp cận đó cung cấp cho Tân Hiệp Phát những bài học kinh nghiệm quý vừa có thể đúc kết xây dựng hệ thống lý thuyết vừa có thể áp dụng triển khai thực tiễn.

ktth-6-.png

Ghi dấu ấn trong thực hiện Zero Waste (không rác thải nhựa), Tân Hiệp Phát tạo sự khác biệt với nhiều doanh nghiệp nổi tiếng khác bằng việc tiên phong áp dụng 3R (Reducing waste: Giảm thiểu chất thải; Reusing: Tái sử dụng; Recycling: Tái chế) như một phần trong chiến lược phát triển bền vững của mình. Lời tựa trong bài viết “Mô hình 3R của Tân Hiệp Phát trong phát triển KTTH” của tác giả David Riddle - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát được chọn in trong cuốn sách nêu trên cho thấy: “Việc áp dụng mô hình 3R trong sản xuất kinh doanh đã mang lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm nguồn lực, đổi mới quy trình, phát triển sáng tạo, mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp và lợi thế cạnh tranh”.

3.1-tan-hiep-phat-da-bat-dau-ap-dung-va-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-vao-kinh-doanh-tu-nam-2013..png
Tân Hiệp Phát đã bắt đầu áp dụng và phát triển kinh tế tuần hoàn vào kinh doanh từ năm 2013.

Dấn thân vào chiến lược 3R, Tân Hiệp Phát đã mạnh dạn đầu tư công nghệ vô trùng Aseptic - công nghệ tiên tiến nhất toàn cầu (của Đức), mục tiêu hướng tới đảm bảo chất lượng sản phẩm cao nhất đồng thời với đảm bảo lợi ích dinh dưỡng và sức khoẻ người tiêu dùng. Không chỉ vậy, sự đầu tư còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực trong giảm thiểu lượng nhựa sử dụng bằng cách giảm trọng lượng chai nhựa xuống gần 20%, giảm tiêu hao, giảm điện, nước trong quá trình sản xuất. Một con số khá ấn tượng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường đó là, chỉ 5 năm sau thực hiện 3R (2013 - 2018), doanh nghiệp ghi nhận giảm 34.000 tấn rác thải nhựa. Trong 4 năm tiếp theo, mức giảm tăng lên 44.000 tấn. Tổng số rác thải nhựa được tiết giảm trong 9 năm (tính đến 2023) là 78.000 tấn.

3.2-va-dat-duoc-nhung-ket-qua-nhat-dinh-sau-10-nam-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan.png
Và đạt được những kết quả nhất định sau 10 năm phát triển kinh tế tuần hoàn
3.3-san-pham-cua-tan-hiep-phat-da-phu-rong-khap-63-tinh-thanh-viet-nam-va-xuat-khau-sang-hon-20-quoc-gia-tren-the-gioi.png
Sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã phủ rộng khắp 63 tỉnh thành Việt Nam và xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia trên thế giới
3.4-san-pham-cua-tan-hiep-phat-duoc-nguoi-tieu-dung-nuoc-ngoai-yeu-thich.png
Sản phẩm của Tân Hiệp Phát được người tiêu dùng nước ngoài yêu thích

Một sáng kiến “kinh tế” không kém phần ấn tượng là tái chế và tái sử dụng màng co và túi nhựa làm túi đa năng (đựng phôi và nắp), không dùng hộp carton. Năm 2021, doanh nghiệp lắp đặt, vận hành dây chuyền tái chế nhựa mà trọng tâm là sản xuất pallet và viên nén từ nhựa thải để sử dụng trong các nhà máy của mình. Tương lai, Tân Hiệp Phát sẽ cung ứng, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nào muốn thay thế nguyên liệu đầu vào bằng nguyên liệu tái chế. Mục tiêu đến năm 2027, sẽ cắt giảm hơn 112.000 tấn nhựa và mở rộng KTTH cùng các doanh nghiệp tái chế nhựa khác. Với David Riddle, “triển khai mô hình 3R còn giúp tăng cường sự gắn kết, sự tự hào của cán bộ nhân viên về một Tập đoàn đã luôn đặt trách nhiệm xã hội là một phần trong các giá trị cốt lõi, cũng là một cách biết ơn tự nhiên, tử tế với thiên nhiên”.

Là người nghiên cứu rất kỹ cuốn sách này, trong một trao đổi nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4/2024, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú cho rằng: “Luận về điều này từ góc nhìn Phật giáo, đó chính là một khía cạnh nền tảng của phát triển bền vững mang tính đạo lý, nhân văn được diễn giải trong các thuyết “luân hồi”, “nhân quả” bởi bản chất của “luân hồi” là xoay tròn, tiếp nối lên xuống của chúng sinh, tái sinh ở cõi này, đầu thai ở cõi khác, tiếp nối tử sinh, sinh tử không ngừng. Sự liên tưởng thú vị này cũng là một “cú hích” tác động tới nhân loại cùng chung tay tôn trọng thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy KTTH vì một tương lai bền vững”…

Cũng theo ông, trong khi chờ đợi sự hoàn thiện ở các vấn đề mang tính nền tảng, đồng bộ, toàn diện và quy mô lớn thì sự vận động của mỗi cá thể là vô cùng quan trọng và trước mắt vẫn là một hành trình gian nan, đầy rẫy khó khăn. Tuy nhiên, KTTH là không thể đảo ngược, không có điểm dừng; cũng như việc không thể đảo chiều biến đổi khí hậu và suy kiệt tài nguyên nếu chúng ta không cùng hành động mà KTTH là một sự chuyển dịch với vai trò mang tính then chốt, quyết định. Ở đây, rõ ràng KTTH không còn là chuyện “kinh tế” mà là vấn đề sống còn của nhân loại, do vậy nó vươn tới phạm trù nguyên lý, chân lý và đạo lý!

Vì những lẽ trên, chúng ta đang cần rất nhiều những Tân Hiệp Phát!

ktth-4-(1).png
ktth-2-.png
ktth-3-.png
ktth-7-.png
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sứ giả của tương lai bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO