Sử dụng tro xỉ làm VLXD: Tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường

10/06/2016 00:00

(TN&MT) - Ở Việt Nam, cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tái chế tro bay làm phụ gia cho công nghệ bê tông đầm lăn, sản xuất gạch tuynel, xi măng, thạch cao, than tái chế và đã được áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan nhà nước và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.

Hàng triệu tấn tro bay mỗi năm

Theo các tài liệu khoa học, trong quá trình đốt cháy than để sản xuất điện, khoảng 20% chất vô cơ không cháy và cả lượng than chưa cháy hết bị dính vón thành các hạt lớn và rơi xuống đáy lò gọi là xỉ than hay tro đáy và 80% chất vô cơ không cháy còn lại sẽ bay theo khói lò thoát ra ngoài thành tro bay với khối lượng hàng triệu tấn mỗi năm. Tro bay thường được thu hồi bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện.

 Hiện cả nước có 18 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động sử dụng nguồn than trong nước khoảng 20 triệu tấn mỗi năm, và theo một ước tính, các nhà máy này thải ra trên ba triệu tấn xỉ than hàng năm, bên cạnh một lượng tro bay lớn gấp vài ba lần.

Tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện Phả lại được xử lý tại Cty CP Sông Đà Cao Cường
Tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện Phả lại được xử lý tại Cty CP Sông Đà Cao Cường

 Theo Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia năm 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7), các nhà máy nhiệt điện chuẩn bị đưa vào vận hành sắp tới sẽ sử dụng tối đa nguồn than khai thác trong nước, bên cạnh nguồn than nhập khẩu. Theo quy hoạch này, để sản xuất được 156 tỷ kWh điện mỗi năm vào năm 2020 (tổng công suất nhiệt điện than khoảng 36.000 MW) thì phải tiêu thụ hơn 67 triệu tấn than và đến năm 2030 khi tổng công suất nhiệt điện than tăng lên 75.000 MW thì phải cần đến 171 triệu tấn than. Điều đó đồng nghĩa với lượng xỉ than tro đáy lên đến 14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, và gần 35 triệu tấn tro đáy hàng năm vào năm 2030, cùng hàng chục triệu tấn tro bay.

Trên thế giới, các quốc gia phát triển luôn khuyến khích sử dụng tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện trong xây dựng đường sá và đôi khi là điều kiện bắt buộc. Đơn cử như tại Pháp có đến 99% lượng tro xỉ than thải ra được tái sử dụng, tại Nhật Bản, con số này là 80%, tại Hàn Quốc là 85%. Ở nhiều nước khác, tro bay chủ yếu được sử dụng để sản xuất gạch không nung. Sản xuất gạch từ nguyên liệu này tiết kiệm năng lượng đến hơn 85% so với việc sản xuất gạch nung truyền thống từ đất sét.

 Ở Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tái chế tro bay làm phụ gia cho công nghệ bê tông đầm lăn, sản xuất gạch tuynel, xi măng, thạch cao, than tái chế và cũng đã được áp dụng vào sản xuất.  Bằng nguồn nguyên liệu chính là tro xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng, ccó dây chuyền sản xuất gạch AAC của Công ty CP Sông Đà Cao Cường với công suất 200.000m3/năm và dây chuyền vữa khô trộn sẵn công suất 60.000m3/năm. Nhà máy sản xuất gạch không nung 3 triệu viên/năm của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn; Hay ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn sử dụng phụ gia tro xỉ (RCC) trong xây dựng đập thuỷ điện, đã được áp dụng cho các công trình đập thuỷ điện, đã thực hiện ở thuỷ điện Sơn La.

 Cần chung tay hành động

 Chính phủ đã ban hành quyết định số 121/2008/QĐ-TTg, phê duyệt tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến 2020, trong đó yêu cầu vật liệu không nung đến 2020 phải chiếm từ 30 - 40% tổng số vật liệu xây dựng trong cả nước, và đây là một tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển vật liệu không nung sử dụng tro bay từ các nhà máy nhiệt điện chạy than trong các năm tới. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng tro bay và tro đáy làm nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng, sản xuất xi-măng, bê-tông, như đã đề cập ở trên, là khá lớn. Chẳng hạn, một nhà máy sản xuất xi măng cỡ vừa như xi măng Kansai Ninh Bình có công suất 1,4 triệu tấn/năm, có thể sử dụng khoảng 280.000 tấn phụ gia/năm. Như vậy, với tổng công suất của các nhà máy xi măng ở Việt Nam khoảng 75 triệu tấn thì nhu cầu tro tuyển dùng làm phụ gia là rất lớn, có thể lên đến 14 triệu tấn tro bay.

 Như vậy, đầu ra đối với tro đáy và tro bay là đã có, vấn đề còn lại là sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan nhà nước và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.

Theo kết quả điều tra đánh giá nguồn tro xỉ và các giải pháp sử dụng của Trung tâm Xi măng, Viện VLXD, Bộ Xây dựng, được xây dựng trên cơ sở của quy hoạch điện VII, khối lượng tro xỉ thải trong năm 2015 khoảng 12,8 triệu tấn, đến năm 2020 khoảng 25,4 triệu tấn và đến năm 2030 khoảng trên 30 triệu tấn. Với khối lượng thể tích của xỉ là 0,8 tấn/m3, bãi chứa xỉ có độ sâu trung bình 2m thì trong năm 2015, nhu cầu của diện tích bãi chứa mỗi năm là 127,4 ha và sẽ còn tăng nhiều hơn nữa theo quy hoạch điện VII nếu không có giải pháp sử dụng.

Trước thực trạng đó, vào cuối tháng 9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD, đến năm 2020, chỉ cấp diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón với dung lượng chứa tối đa cho 2 năm sản xuất tương đương với quy mô, công suất của dự án.

 Bên cạnh đó, QĐ 1696 cũng đưa ra 7 giải pháp thực hiện quyết định này, trong đó quy định thiết kế cơ sở các dự án nhiệt điện, hóa chất phải hoàn chỉnh từ đến khâu xử lý tro, xỉ, thạch cao và phương án thu hồi, xử lý các chất thải này. Đặc biệt, quyết định cũng nêu rõ, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phải có trách nhiệm trả chi phí xử lý tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp không tự đầu tư dây chuyền thiết bị xử lý chất thải cho sản xuất VLXD.

 Như vậy, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất. Và kỳ vọng chúng ta có thể sử dụng các loại phế phẩm này làm phụ gia cho sản xuất các loại VLXD để không phải đi nhập phế phẩm từ các nước khác trên thế giới và đặc biệt không phải khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, là có cơ sở.

Tùng Lâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng tro xỉ làm VLXD: Tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO