Nhiều nhóm ngành cần chuyển đổi sử dụng hóa học xanh
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP của ngành công nghiệp. Hóa chất có vai trò quan trọng và là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong mọi lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, việc sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất công nghiệp đã và đang gây ra những tác động rất lớn và nguy hiểm tới môi trường và sức khoẻ con người.
Hiện Việt Nam có rất nhiều ngành chủ chốt cần thực hiện Hóa học xanh (HHX) để cải thiện một cách đáng kể quy trình sản xuất và giảm thiểu những tác động do hóa chất thải ra môi trường các ngành này mang lại như: Công nghiệp mạ điện; sản xuất nhựa; ngành Dệt và thuộc da. Đặc biệt là ngành Giấy và bột giấy do những ngành này có nhiều khả năng phát thải ra những hợp chất chứa clo vào nước, qua đó dẫn đến sự hình thành không chủ định các chất PCDD/Fs; Các ngành có sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; ngành sản xuất Dung môi và sơn; Đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong tất cả các ngành sản xuất sẽ giúp giảm thiểu trực tiếp (VD: trong ngành giấy và bột giấy), và gián tiếp, mức độ phát thải Thủy ngân do tiêu thụ than đá.
Để từng bước “xanh hóa” các ngành công nghiệp có sử dụng hóa chất độc hại thải ra môi trường, Dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại” được thực hiện từ năm 2017 tới 2021 do UNDP phối hợp với Bộ Công Thương triển khai cũng đã hỗ trợ áp dụng hóa học xanh trong ngành sơn và ngành mạ điện. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ 4 dây chuyền công nghệ mới gồm 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm trao crom 3+ thụ động, 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm quay crom 3+ thụ động, dây chuyền sơn phủ kẽm, hệ thống thiết bị sản xuất sơn hiệu năng cao. Tổng năng lượng tiết kiệm được là 1.134.000GJ tương đương 42.000 tấn than.
Đã có 65 doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án. Ba trường đại học tham gia trực tiếp vào dự án Hóa học xanh với sự tham gia của hơn 210 sinh viên tham gia các khóa đào tạo. Ngoài ra, dự án cũng đóng góp vào việc rà soát, kiến nghị lồng ghép các nguyên tắc của HHX vào Luật hóa chất sửa đổi và dự thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Dự án đã thành lập Mạng lưới chuyên gia HHX được đặt tại Hội hóa học Việt Nam.
Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hóa học xanh
Tại Tọa đoàm “Hóa học xanh trong sản xuất công nghiệp: Thách thức và giải pháp”, do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức vào sáng ngày 01/11, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết: “Phát triển Hóa học xanh là một xu hướng tất yếu đối với công nghiệp hóa chất tại Việt Nam, nó sẽ được cụ thể hoá bởi các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoá chất 2007 trong thời gian tới. Phát triển hóa học xanh vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam”.
Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang tiên phong trong chuyển đổi hóa chất xanh cho rằng, chúng ta chưa có tiêu chí rõ ràng và các quy định về loại hóa chất gọi là “xanh” trong nền công nghiệp nên rất khó cho các nhà đầu tư, sản xuất. Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Quang Sang – Phụ trách an toàn sức khỏe môi trường Công ty TNHH Việt Nam PaiHo cho biết, là doanh nghiệp chuyên gia công các sản phẩm liên quan đến may mặc tại TP Hồ Chí Minh. Với quy mô sản xuất lớn và chủ yếu phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình dệt nhuộm. Hiện công ty đang áp dụng các quy chuẩn của nước ngoài về các loại hóa chất thân thiện môi trường, doanh nghiệp cho rằng: hiện quy định của Việt Nam về danh mục hóa chất xanh chưa được rõ ràng.
Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, Luật Hóa chất hiện nay đã có những nội dung liên quan đến các nguyên tắc hóa học xanh như nguyên tắc giảm sử dụng hóa chất nguy hiểm, ngăn ngừa chất thải (đặc biệt là chất thải nguy hiểm). Tuy nhiên, Luật lại chưa có quy định riêng về khái niệm "Hóa học xanh" (tại Điều 4). Để có cơ sở pháp lý đầy đủ để ban hành các quy định, hướng dẫn liên quan đến các tiêu chí của các công ước quốc tế và hóa học xanh, cần bổ sung khái niệm này trong Luật Hóa chất.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên tắc trong số "12 nguyên tắc" của hóa học xanh mang tính quá kỹ thuật nên chỉ quy định trong Luật chỉ là những tiêu chí, nguyên tắc chung, mang tính định hướng, là cơ sở cho việc ban hành các tiêu chí cụ thể trong các quy chuẩn kỹ thuật hoặc trong các quyết định cụ thể như các tiêu chuẩn kỹ thuật của một ngành cụ thể, hoặc trong các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật áp dụng cho các ngành công nghiệp, bảo vệ môi trường (như EIA, sơ đồ mitigation, hệ thống quản lý môi trường).
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, các tài liệu hướng dẫn chi tiết được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước đang phát triển và được coi là "luật mềm". Khi các mục tiêu, nguyên tắc chung đã được quy định trong Luật, cơ quan quản lý có thể sử dụng các nguồn “luật mềm” làm công cụ trong việc giải thích Luật và xây dựng những yêu cầu cụ thể trong quyết định phê duyệt dự án.
Để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tiếp cận các quy chuẩn hóa học xanh, bà Lê Thị Thanh Thảo Đại diện Quốc gia Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc UNIDO tại Việt Nam cho biết: “Trong khuôn khổ dự án Bộ công cụ Quản lý Hóa chất gọi tắt là IOMC, trong năm 2021 và 2022, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương và UNIDO đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các đối tượng liên quan bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam. Tại đây, các học viên được tiếp cận với các bộ công cụ do UNIDO phát triển cùng đại học Yale, Mỹ, về Hoá học xanh dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu”.
“Các bộ công cụ này cung cấp một hệ thống thông tin cập nhật và toàn diện, bao gồm cả các bài học về áp dụng công nghệ hoá học xanh trên thế giới mà các doanh nghiệp có thể học hỏi, hay các bước cụ thể để áp dụng mô hình HHX trong kinh doanh. Các hội thảo tập huấn đã được đón nhận tốt và tạo động lực để bắt đầu quá trình chuyển đổi sang hóa học xanh”, bà Thảo cho biết thêm.
Cũng theo bà Thảo, bên cạnh hoạt động nâng cao năng lực, UNIDO cũng đang nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của hóa chất không an toàn đối với sức khỏe con người, đối với môi trường, đối với thế hệ con cháu của chúng ta. Người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách nâng cao tiêu chuẩn hoặc thúc đẩy các nhà sản xuất ngừng sử dụng các chất độc hại trong sản xuất.“Hiện UNIDO đã và đang hỗ trợ các công ty tại một số khu công nghiệp từ Bắc vào Nam ở Việt Nam nhằm thúc đẩy các công nghệ xanh và sạch hơn”, bà Thảo chia sẻ.