“Sống” lành mạnh trên mạng xã hội

Đại tá Nguyễn Văn Hải| 12/07/2022 11:21

(TN&MT) - Thời nay, rất nhiều người không chỉ sống trong cuộc đời thực, mà còn “sống” trên môi trường mạng xã hội. Gọi là “sống”, vì không ít người coi mạng xã hội như một phần tất yếu của cuộc đời mình, nghĩa là nó thiết thân như cơm ăn nước uống hằng ngày.

Tôi quen biết một người bạn am hiểu công nghệ thông tin, hằng ngày không bỏ quên thói quen “lang thang” trên mạng xã hội. Tôi từng hỏi bạn, “lang thang” trên “thế giới mạng vô cùng tận” như thế, đã bao giờ bạn “lạc lối” chưa?”, thì bạn bảo, dù chưa “lạc lối” nhưng đầu óc cũng có lúc gần như trở nên “mụ mị” bởi những thông tin “thượng vàng hạ cám” ở cái “chợ trời xuyên biên giới” này. Bạn cho rằng, một trong những mặt trái của mạng xã hội là dễ làm cho những người “nghiện” nó (trong đó có cả đảng viên) rất dễ sa đà vào những giá trị ảo mà sao nhãng, lãng quên bao điều thực tế xảy ra xung quanh mình. Khi đắm chìm vào những “ngôn từ mỹ miều” và những hình ảnh đã được “đánh bóng” trên mạng xã hội, không ít người tự ảo tưởng mình đang “nổi đình nổi đám” trong thiên hạ, mà không hề biết rằng, đó chỉ là cái thứ nổi tiếng hão huyền, viển vông.

mang-xa-hoi.png

Đáng nói hơn, không ít những thông tin trên mạng xã hội được ngụy tạo đúng - sai, thực - hư, thật - giả lẫn lộn khiến cho người dùng mạng bị “dắt mũi”, lan truyền theo cơ chế “tam sao thất bản” khiến cho cái sai, cái giả có khi càng trở nên trầm trọng hơn. Chỉ cần một cái sai trong vòng ít phút, với tốc độ lan tỏa cực nhanh trên mạng xã hội, cái sai ban đầu có thể trở thành hàng nghìn, thậm chí hàng vạn cái sai khiến cho nhiều cư dân mạng nếu không tỉnh táo, vững vàng, thận trọng thì dễ rơi vào tâm trạng dao động, chênh chao tư tưởng, thậm chí bị “nghiêng ngả” niềm tin vào những giá trị tích cực, tốt đẹp trong thực tế.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhóm người ở độ tuổi trung niên trở lên (trong đó có cả cán bộ, đảng viên) ít có kiến thức về công nghệ thông tin, song lại chịu sự tác động của tin giả, tin xấu nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Trong khi đó, một số cán bộ, đảng viên trẻ am tường về công nghệ số, có kỹ năng dùng mạng xã hội thành thạo nhưng lại hạn chế về nhận thức, bản lĩnh chính trị, thế nên cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên môi trường mạng. Đấy là chưa kể một số cán bộ, đảng viên “sống” trên mạng xã hội vẫn luôn “mũ ni che tai”, thấy thông tin đúng không bảo vệ, biết thông tin sai không phê phán, đấu tranh.

Sử dụng mạng xã hội là xu hướng không thể đảo ngược trong thời đại công nghệ số và là một trong những quyền chính đáng của con người. Cán bộ, đảng viên cũng không nằm ngoại lệ. Tuy vậy, cần nên nhớ rằng, công dân có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm; còn cán bộ, đảng viên chỉ được làm những điều luật pháp cho phép. Điều này là hiển nhiên, bởi cán bộ, đảng viên được Nhà nước, nhân dân ủy quyền làm nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, quản lý xã hội, do đó họ phải có bổn phận, nghĩa vụ tiên phong trong việc tạo ra và thực thi những quy ước, chuẩn mực đạo đức, pháp lý để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, thúc đẩy những giá trị tiến bộ, văn minh của xã hội.

Theo đó, cán bộ, đảng viên sống, ứng xử ở ngoài đời chuẩn mực như thế nào thì cũng phải giao tiếp, cư xử, tương tác trên mạng xã hội thể hiện ý thức chuẩn mực như thế. Bên cạnh việc giữ gìn lời ăn tiếng nói lành mạnh của bản thân trên mạng xã hội, cán bộ, đảng viên rất nên/cần cổ vũ, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn, những hình ảnh tràn đầy năng lượng tích cực để góp phần làm giàu những giá trị văn hóa trên môi trường mạng. Mặt khác, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện lập trường, quan điểm, chính kiến của mình để góp phần giữ gìn, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm cho hình ảnh văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam ngày càng rạng danh, tỏa sáng trong lòng bạn bè năm châu bốn biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sống” lành mạnh trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO