Sống là để sẻ chia

Phan Phụng - Ngô Huê| 28/03/2020 17:19

(TN&MT) - Với hy vọng mang lại niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư, nhóm bạn trẻ tại TP. Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động như: ca hát, vẽ tranh, đọc sách, báo… tới bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Đây là những hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa nằm trong Dự án “Một bức tranh - Nhiều hy vọng”.

Niềm vui của bệnh nhân tham gia chương trình văn nghệ

Được khởi điểm từ tháng 9/2014 bởi giảng viên Hồ Dương Đông (Khoa quản lý Dự án, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng). Dự án “Một bức tranh - Nhiều hy vọng” kêu gọi sinh viên Đại học Bách khoa dự thi những bức tranh tự vẽ, những bức hình tự chụp để treo ở một số phòng, khoa của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng như một liệu pháp trị liệu tâm lý đến những bệnh nhân giúp họ thư giãn, tránh những suy nghĩ tiêu cực, bi quan, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.

Ngay từ khi phát động, Dự án nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ mọi sinh viên Bách khoa và nhanh chóng lan tỏa đến nhiều trường đại học trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Hàng trăm bức tranh, ảnh đầy màu sắc được gửi tặng đến các bệnh nhân ung thư. Những bức tranh, hình vẽ với nội dung phong phú màu sắc vui tươi được treo ở các dãy hành lang, phòng bệnh tạo ra không gian tươi đẹp, đầy sức sống; chuyển tải những thông điệp về tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống… Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, từ khi dự án được triển khai, các bác sĩ đã có thêm một phương pháp trị liệu tâm lý hữu hiệu cho bệnh nhân ung thư, giúp họ giải tỏa lo âu, trầm cảm; tiếp thêm niềm tin, động lực sống để họ can đảm đối mặt, chiến đấu với bệnh tật. Đồng thời, liệu pháp này còn giúp đội ngũ y bác sĩ bớt căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Với nhiều ý nghĩa thiết thực, hoạt động này sau đó lan rộng và được áp dụng ở nhiều nơi khác như: Hà Nội, Hà Tĩnh, Huế, Nha Trang… góp phần giúp đỡ ngày càng nhiều bệnh nhân trong hành trình chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.

Chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” là phong trào cùng hát, cùng múa giữa người bệnh và tình nguyện viên của dự án. Tại sảnh bệnh viện vào chiều chủ nhật hàng tuần, các bệnh nhân, người nhà và các tình nguyện viên cùng quây quần bên nhau ca hát, chuyện trò. Không chỉ các tình nguyện viên “hát cho bệnh nhân”  nghe mà chính các bệnh nhân là những “nghệ sĩ” trình diễn những bài ca, câu hát chứa chan cảm xúc. Tại đây, họ được hát ca, giao lưu, được tâm sự trải lòng về cuộc sống, tâm tư chất chứa, được lắng nghe, chia sẻ và cảm thông. Những niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt san sẻ yêu thương đã khiến những người xa lạ nay trở nên thân thiết và gần gũi hơn bao giờ hết. Chính những phút giây ấm áp tình người ấy đã trở thành niềm khích lệ, niềm mong mỏi của các bệnh nhân vào mỗi chiều chủ nhật - buổi chiều của tình yêu thương. Trong khi đó, những bệnh nhân bị bệnh nặng, không thể di chuyển xuống sảnh để góp vui cũng không phải chịu sự cô đơn khi nhóm Dự án sẽ đến từng phòng, mang từng cuốn sách, tờ báo đến đọc cho họ nghe, hay ca hát, góp vui tại phòng.

“Xe sách” với đủ thể loại được đưa đến tận phòng người bệnh để san sẻ thời gian rảnh rỗi nằm ở phòng của bệnh nhân và người nhà

Giảng viên Hồ Dương Đông cho biết: “Sự đón nhận của bệnh nhân, sự tham gia tích cực của đội ngũ tình nguyện viên và các nhà hảo tâm đã giúp cho phong trào ngày càng lớn mạnh.”

Cô Trần Thị Vân 60 tuổi, quê ở Quảng Nam cho biết: “Vài tháng trước khi phát hiện bản thân bị bệnh ung thư dạ dày, tinh thần cô suy sụp, không muốn ăn uống, cũng chẳng muốn nói chuyện cùng ai, suy nghĩ tiêu cực. Nhưng rồi ngày ngày có các hoạt động sách báo, văn nghệ, có các cháu trong đội tình nguyện trò chuyện, ca hát cô đã lấy lại được tinh thần, phấn chấn hơn, thấy bọn trẻ sức sống tràn đầy cô cũng mong mình có thể khỏe lại.”

Không chỉ những người lớn tuổi mà có nhiều em nhỏ kém may mắn mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Không thể đến trường đều đặn, không được chạy nhảy, vui đùa như những đứa trẻ bình thường, mà ngày ngày phải tiêm thuốc, phải chịu đau đớn về thể xác lẫn tâm hồn. Thầy Đông chia sẻ câu chuyện của em Thiêm đã điều trị ở bệnh viện được 5 năm, nhưng vì tính tình nhút nhát, hay khép mình nên em không có nhiều bạn. Điều đáng buồn hơn là dù đã cố gắng nhưng em vẫn phải đầu hàng trước số phận và Thiêm ra đi lúc trước Tết.

Đội ngũ tình nguyện viên mang nhiệt huyết tuổi trẻ đến với bệnh nhân

Định luật của tự nhiên ai rồi cũng phải về với đất mẹ, tuy nhiên có nhiều người vẫn chưa làm được điều mình muốn, vẫn còn nhiều dự định dở dang, đơn giản hơn hết vẫn chưa được hạnh phúc. Những bệnh nhân ở đây hàng ngày phải chịu đau đớn vì tiêm thuốc, chứng kiến người đến rồi lại đi, có người khỏi bệnh và tiếp tục cuộc sống, nhưng cũng có những người ra đi mãi mãi. Để xua đi không khí lạnh lẽo của bệnh viện, nhóm Dự án hoạt động bền bỉ với tiêu chí giúp bệnh nhân được sống trong vui vẻ, trong nụ cười và lưu lại từng khoảnh khoắctích cực của bệnh nhân.   

Anh Trần Đức Bản - tình nguyện viên của nhóm chia sẻ: “Nhóm dự án trải qua gần 6 năm rồi, tình nguyện viên tuy không cố định về thành viên nhưng Dự án vẫn hoạt động như tôn chỉ đặt ra là vì bệnh nhân. Nhiều lúc gặp khó khăn về kinh phí, nhưng tất cả thành viên đều rất tự tin vượt qua. Kế hoạch của nhóm trong tương lai chính là không có một kế hoạch nào cả, vì tình nguyện thì không cần kế hoạch”.

Dự án “Một bức tranh - Nhiều hy vọng” như một luồng không khí tươi mát vào không gian của bệnh viện, hy vọng rằng bệnh nhân sẽ cảm nhận được sự ấm áp từ những người trẻ để tiếp tục kiên cường chống chọi với bệnh tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống là để sẻ chia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO