(TN&MT) - Cứ mỗi mùa mưa bão đến, nhiều hộ gia đình trên địa bàn các xã, phường của TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), nhất là các hộ dân sống hai bên khu vực sông Đăk Bla và các con suối có dòng chảy lớn luôn lo lắng bất an vì tình trạng sạt lở đất liên tiếp diễn ra.
Sông Đăk Bla đang xâm thực, gây nhiều nguy hiểm cho khu dân cư |
Người dân bất an
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Nguyễn Trãi (TP Kon Tum) đi dọc bờ sông Đăk Bla, khu vực đang bị sạt lở nghiêm trọng. Trước mắt chúng tôi, dọc theo chiều dài khoảng 500 mét của bờ sông Đăk Bla, hàng chục điểm sạt lở nham nhở gần nhau; đoạn ít khoảng 1 đến 1,5 mét, đoạn nhiều gần chục mét. Nhiều chỗ đã xảy ra những vết nứt, những nơi này nhiều tảng đất có nguy cơ đổ ụp xuống sông bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, cách đây mấy năm, dòng sông Đăk Bla cách khu dân cư từ 100 đến 150 mét, ở đó có những rặng tre mọc um tùm dọc bờ sông ngăn chặn tình trạng sạt lở. Năm 2009, cơn lũ lịch sử đã cuốn phăng những rặng tre này, từ đó đến nay nước sông thường xuyên xâm thực cuốn trôi đất đai và hoa màu của nhân dân.
Đặc biệt, mỗi khi mùa mưa đến, nước sông cuốn trôi vài chục mét, khiến ruộng rẫy của bà con tan hoang. Hiện tại, hơn 20 hộ dân sống dọc đường Nguyễn Lữ (phường Nguyễn Trãi), đặc biệt là hơn 10 hộ dân sống dọc bờ sông Đăk Bla bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, nhà ở của ông Nguyễn Văn Dũng cách các điểm sạt lở chỉ vài chục mét.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Kể từ ngày xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông thường xuyên, ngoài việc cuốn trôi đất đai, hoa màu của bà con nhân dân, các điểm sạt lở còn đe dọa đến tính mạng và tài sản của chúng tôi mỗi khi mùa mưa đến. Điều mong muốn nhất của bà con nhân dân tổ dân phố 2 hiện nay là các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương sớm đầu tư kinh phí xây dựng bờ kè, để nhân dân yên tâm ổn định cuộc sống”.
Cùng chung cảnh ngộ, tại khu vực trước nhà thờ Phương Hòa thuộc tổ dân phố 1, phường Nguyễn Trãi và khu vực cầu Hnor thuộc tổ dân phố 1, phường Lê Lợi (TP Kon Tum), cũng có hàng chục hộ gia đình rơi vào cảnh nơm nớp lo âu vì nước sông Đăk Bla gây sạt lở và có khả năng làm sập nhà lúc nào không biết.
Gia đình bà Lê Thị Lan, sinh sống gần cầu Hnor hơn 40 năm qua, là một trong những hộ gia đình chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ việc sạt lở. Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Lan, ngày ấy con suối Hnor có dòng chảy hẹp, chỉ chừng 4-5 mét bề ngang, cách đất ở và vườn đất nhà bà vài chục mét. Thời gian gần đây, con suối cứ lở dần, khiến hơn cả trăm mét đất vườn của bà cũng bị sạt lở theo.
Không những vậy, cả ngôi nhà bà đang sinh sống cũng đứng trước nguy cơ đổ sụp. “Trong cơn bão lũ lịch sử vào tháng 9/2009, nước suối dâng cao tới nóc nhà, khiến căn nhà của tôi bị xiêu vẹo. Sau khi lũ rút, đất đai cũng bắt đầu sạt lở theo. Mặc dù được chính quyền địa phương hỗ trợ mấy chục triệu đồng và gia đình vay mượn thêm để xây móng vững chắc, đổ nền cao ráo và gia cố bờ kè, thế nhưng vẫn “như muối bỏ biển. Mấy năm nay, suối Hnor vẫn tiếp tục lở, lấn sâu vào cách móng nhà tôi khoảng chừng 7 mét”, bà Nguyễn Thị Lan than thở.
Nhẩm tính, gia đình bà Lan đã đầu tư gần 300 triệu đồng, nhưng chỉ kè được một đoạn dọc suối chừng 30 mét ở điểm sạt lở sâu nhất, những đoạn còn lại, bà không đủ khả năng để đầu tư tiếp. Vì vậy, những đoạn chưa được kè gia cố dọc theo khu vực nhà bà tiếp tục sạt lở khi mới bắt đầu vào mùa mưa.
Khai thác cát trái phép trên sông Đăk Bla là nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông |
Chính quyền bó tay?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, nhu cầu về cát xây dựng trên địa bàn TP Kon Tum đang ngày một tăng cao. Sông Đăk Bla là nơi cung cấp cát phục vụ nhu cầu xây dựng của các công trình trên địa bàn, kể cả cung ứng cho cả thị trường TP Pleiku (tỉnh Gia Lai). Việc khai thác cát trên dòng sông Đăk Bla với số lượng lớn và không có kiểm soát trong suốt những năm qua đã gây ra nhiều hậu quả hết sức nguy hại đến môi trường, là nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở đất, đá hai bên bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân sống dọc bờ sông.
Chính quyền TP Kon Tum đã ngừng cấp phép việc khai thác cát, sỏi để thực hiện đấu thầu theo Nghị định 22/2012/NĐ-CP (ngày 26/3/2012 của Chính phủ), quy định về quyền đấu giá khai thác khoáng sản. Như vậy không có đơn vị, cá nhân nào được cấp phép khai thác cát sỏi, tuy nhiên việc khai thác cát trái phép vẫn diễn ra trên sông Đăk Bla, dù đã bị nghiêm cấm. Các đối tượng khai thác cát trái phép dùng nhiều thủ đoạn như: sử dụng các máy móc chuyên dụng (máy hút, ghe hút cát…) để khai thác, tiến hành khai thác cát trong đêm hoặc vào lúc sáng sớm, khai thác ít nhưng chia làm nhiều đợt vận chuyển đi liên tục.
Trở lại với tình trạng sạt lở bờ sông, chia sẻ về trách nhiệm của chính quyền địa phương sở tại, ông Nguyễn Hạnh, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Trãi (TP Kon Tum), cho biết: Ngoài đoạn bờ sông ở khu vực tổ dân phố 2, phường Nguyễn Trãi vừa bị sạt lở, khiến hơn chục hộ dân lo lắng bất an. Hiện nay, trên địa bàn phường còn có nhiều khu vực khác có nguy cơ sạt lở cao, nhất là những căn nhà mé sông Đăk Bla. Có những nơi đã sạt lở thành những vách dựng đứng, nếu mưa bão xảy ra, nhiều ngôi nhà ở đây khó mà giữ được. Trước tình trạng này, trong các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND các cấp, bà con cũng đã kiến nghị lên trên.
Bên cạnh đó, UBND phường Nguyễn Trãi cũng đã có văn bản báo cáo lên UBND thành phố và ngành chức năng, đề nghị đầu tư kinh phí xây dựng kè sông, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì! Vì vậy, khi có mưa bão, chính quyền địa phương cũng chỉ có thể vận động bà con tạm thời di dời mà thôi.
Trong khi đó, nói về phương án khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Bla để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân địa phương, ông Hồ Văn Đà, Phó Chủ tịch UBND TP Kon Tum cho biết: “Do quy mô sạt lở hai bên sông Đăk Bla quá lớn, nằm ngoài khả năng đầu tư khắc phục của địa phương, nên chúng tôi chỉ biết tuyên truyền, vận động người dân ở đây chủ động ứng phó với sự cố xảy ra”.
Trong khi mùa mưa lũ đang đến, nước sông Đăk Bla từ thượng nguồn đang đổ về và ngày một dâng cao, thì các hộ dân sinh sống, canh tác dọc hai bên sông Đăk Bla đang phải đối mặt với nguy cơ mất tài sản, tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Chính quyền các cấp và ngành chức năng ở tỉnh Kon Tum cần sớm có biện pháp phòng, chống thích hợp để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Bài & ảnh: Thục Vy