Xã hội

Sông à sông ơi

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý 12/03/2024 - 13:01

(TN&MT) - Sông chiều. Gió thổi lên từ sông. Nắng hắt lên từ sông. Gió, nắng của miền sông đến rồi đi hồn nhiên, vô tư bốn mùa.

song-oi.png

Sông chiều.

Gió thổi lên từ sông. Nắng hắt lên từ sông. Gió, nắng của miền sông đến rồi đi hồn nhiên, vô tư bốn mùa. Trên ngọn cỏ may gần chỗ em ngồi có lấm tấm, li ti nắng sông, gió sông. Đôi mắt bồ câu đau đáu nhìn ra mặt sông lăn tăn sóng. Tôi chưa hình dung được em đang nghĩ gì thì đã nghe nhẹ nhàng một câu hỏi, có đời sông không anh nhỉ?

Đời sông! Em đặt cho tôi một câu hỏi mang hàm lượng thi ca quá. Phải chăng, sông cũng là một “sinh linh” trong vũ trụ bao la hơn cả bao la này. Nghĩa là cũng sinh lão bệnh tử giống con người. Nhìn em, nhìn sông, tôi nhớ, bất giác nhớ, có lần mình đã viết về sông Gianh quê mạ, đời sông thì dài, đời người quá ngắn nhưng cũng đều có những nông sâu, bồi lở cả. Lưu vực sông tương đối ổn định còn lưu vực người chẳng ai biết trước được dài rộng đến đâu. Đến lúc nào đó sông sẽ nói về người, ví dụ khi người đã thành hạt bụi trong cõi mung lung chẳng hạn, còn bây giờ người sẽ nói về sông như một sự tri ân chân chất...

unnamed.jpg

Đời sông, có phải như cổ nhân từng nói “Sông có khúc, người có lúc”... Sông nào chẳng khởi thủy từ nguồn; nguồn là mẹ, là u, là bầm, là mạ, là má của sông. Khi ra đời, sông không oa oa, tiếng khóc của sông róc ra róc rách, hòa khuất giữa lời rừng thăm thẳm, từ thời hồng hoang xa lắc xa lơ, không phải ai cũng hình dung nổi. Con sông gắn với cuộc đời tôi khởi nguyên từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía Tây Bắc Quảng Bình bây giờ, thao thác chảy hàng triệu năm rồi, quanh co uốn khúc qua năm huyện thị, đến hôm nay vẫn bát ngát sung sức như chưa đi hết tuổi thanh xuân. Tôi nghĩ, chắc ai cũng có một dòng sông quê, dù lớn dù bé đều là lưu vực thương nhớ khôn nguôi của mình. Cứ nhắc đến sông là nhớ tới xóm mạc, mẹ cha, anh em, thầy cô, bè bạn, đồng đội... Như sông đã sinh ra họ; những đầy vơi, mặn ngọt tạo dựng nên bao vóc dáng hình hài, tính nết, nét vui buồn, kiểu đứng dáng đi. Như sông đã và đang sống giữa họ; khi đục, khi trong, lúc thong dong, lúc dào dạt. Cả những thác ghềnh nữa, đời người như phiên bản của đời sông, làm sao tránh nổi thăng trầm. Như sông đã mớm cho họ những dìu dặt, níu náu huê tình, Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Còn nhiều lắm ca dao sông nước, tôi nghĩ đây là một trong những câu thơ hay nhất của nhân loại về tình yêu, Ước gì sông rộng tày gang/ Bắc cầu dải yếm cho nàng sang anh.

Đời sông, ngỡ mông lung mơ hồ nhưng cũng thật cụ thể. Đó là cuộc chuyển động một chiều mang những kích thước, tốc độ khác nhau, có giới hạn và không có giới hạn. Đôi bờ cũng chỉ là một quy ước tạm thời đối với dòng chảy tự do thôi. Sông bao nhiêu nước cho vừa. Tức nước vỡ bờ luôn là một ẩn dụ về thế thái nhân tình. Với sông, đời giản dị hơn rất nhiều, chảy, chảy và chảy trong sự đầy vơi hay cạn kiệt bởi mưa nắng của đất trời, đồng hành với lớp lớp phận người chìm nổi theo dòng lịch sử. Trong lịch sử có minh chủ và bạo chúa. Đất nước hưng thịnh khi minh chủ xuất hiện, giang sơn sẽ bết bát khi bạo chúa lên ngôi. Có những con sông gắn với thế cuộc như là chứng nhân của lịch sử do con người viết nên. Châu thổ sông Hồng là phần ký gửi phù sa màu mỡ của con sông lớn cùng tên; sông Cửu Long bồi đắp nên cù lao, thôn ấp, ruộng đồng phương Nam; cả hai đều vĩ đại. Vĩ đại không chỉ bởi sự dài rộng của sông mà đáng nói nhất là phẩm chất mẹ của Hồng Hà và Cửu Long. Chẳng phải ngẫu nhiên mà dân ta vẫn thích gọi sông Hồng là sông Cái. Sông Cái Lớn ở phương Nam cũng mang hàm nghĩa tương đồng chăng. Đời sông như đời mẹ chắt chiu, tảo tần bồi đắp, kết tụ phù sa, lặng lẽ làm nên cánh đồng thẳng cách cò bay, bờ xôi ruộng mật, vựa vườn sum suê cây trái. Ân nghĩa sông, ân nghĩa mẹ, thiết nghĩ nói bao nhiêu cũng không hết.

Có sông sẽ có bến. Cây đa, bến nước, con đò. Mạn nắng ban mai, vệt trăng khuya khoắt. Những dấu chân đi và về; chia ly và đoàn tụ. Đất nước này chiến tranh nối chiến tranh. Đã từng như thế, mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, em tiễn anh ra trận. Những cuộc chiến kéo dài đằng đẵng, bến nào cũng bến chia ly, bến nào cũng bến không chồng. Bởi, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Đời sông mặn mòi nước mắt Việt. Ai thấu chăng đời sông đã từng có những thời như thế.

Có sông mang trong mình bi kịch đất nước. Sông Gianh có hai trăm năm nhật thực, bóng đen trùm lấp đôi bờ thời Trịnh, Nguyễn phân chia đất nước thành Đàng trong, Đàng ngoài; sông Bến Hải cũng có gần hai mươi năm làm giới tuyến Bắc Nam thời đế quốc Mỹ xâm lược nước ta. Điều cần nói hơn, bao giờ thống nhất non sông cũng là khát vọng lớn nhất của dân tộc này. Vì thế, chẳng còn gì vui hơn khi non sông được quy tụ về một mối, lau nước mắt sông lại mỉm cười. Hạnh phúc của sông là hạnh phúc đoàn tụ. Nên ghi nhớ khắc sâu, hạnh phúc ấy trả bằng cái giá rất đắt của dân tộc mình. Đừng bao giờ rẻ rúng nó, đánh đổi nó để được nhận những thứ khác!

cau-hien-luong-900x500.png
Bâng khuâng Hiền Lương

Sao em hỏi đời sông, tôi lại nói nhiều thế về đời người. Đời mỗi người gắn với muôn người trong kết nối đồng bào, dân tộc. Tổ quốc nghìn năm văn hiến, bao lần chống giặc ngoại xâm để hôm nay những cái tên Bạch Đằng, Chương Dương, Như Nguyệt, Vàm Cỏ... lấp lánh trên trang sử. Cảm thấy không yên lòng chút nào khi mới nêu được đôi ba tên sông như thế. Trên đất nước Việt Nam, chẳng hiếm những con sông, ngọn núi gắn với chiến công kỳ tích của dân tộc. Sông dựng nước, sông giữ nước, là dân, là lính luôn biết phận sự, nghĩa vụ của mình chẳng câu nệ, nề hà.

Có một ngày xuân, khi đến Thành cổ Quảng Trị, cúi đầu trên cỏ xanh nhưng nhức trong tôi bật dậy hai câu thơ: Khi người lính lặng im tan vào đất/ Là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông. Lúc ấy, tất nhiên em chưa hề đặt cho tôi câu hỏi nào về đời sông cả. Hóa ra là vậy, đời sông có gì đó rất gần với đời của những người lính yêu nước. Khi thác lũ dìm cuốn kẻ thù, lúc mạch nguồn làm mát cỏ cây. Ta ước mong chỉ làm vế thứ hai, ầu ơ ru những chiêm mùa trù phú. Những con sông Việt chỉ muốn làm những dải lụa hồng, lụa xanh bay bay theo cánh gió yên bình. Chẳng con sông nào muốn dựng lên thành gươm, thành kiếm cả. Minh triết của người Việt giản dị mà nhân văn, Thương người như thể thương thân. Nói như thế là đã đủ, gồm cả tình đồng bào và đồng loại. Đấy không phải là lời đầu môi chót lưỡi. Cách chúng ta đối xử với kẻ từng là thù sau chiến tranh đã chứng tỏ điều đó. Đấy là ứng xử truyền thống nhưng tôi tin nó chẳng bao giờ lỗi thời cả dù mai sau dân tộc và nhân loại tiến vào thời đại hơn 4.0. Minh triết ấy sinh ra bên những dòng sông Việt, tôi tin thế và nó luôn luôn có mặt trong cuộc sống của dân tộc này.

Khi về với biển sông thành bao la. Trong bao la ấy có phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước. Một triệu cây số vuông biển Việt, ba nghìn hòn đảo lớn bé, Hoàng Sa, Trường Sa... Những người lính, người dân sinh ra bên những dòng sông tiếp nối ông cha giữ gìn, dựng xây Tổ quốc. Sông tiếp tục kĩu kịt gánh gồng những lo toan, yêu thương và nghĩa vụ. Rưng rưng nghĩ tới hành trình đi về phía trước của dân tộc rất cần những lưu vực trí tuệ, những dòng chảy khí phách, những cội nguồn phẩm giá, những mềm mại ứng xử. Lại thêm điều gan ruột này nữa, trong bài thơ Quan hải (Đóng cửa biển) của Nguyễn Trãi có câu: Phúc chu thủy tín dân do thủy, nghĩa là thuyền bị lật mới tin câu nói dân như nước, đừng lúc nào để mất lòng dân. Phải làm sao cho dân chỉ như nước nâng thuyền băng băng về phía trước.

1.-song-hong-song-me(1).png

Chiều đã chuyển hoàng hôn. Đôi vì sao mọc sớm lấp lánh phía chân trời xa. Một tiếng chim mơ hồ qua sông. Không có tiếng gọi đò, không cả cánh buồm in trên mái trời tím sẫm. Em nói, miền sông xưa cũ chỉ còn lưu trong ký ức. Tôi nói, sông của thời 4.0 đương nhiên phải khác xưa rồi. Nhưng, sông vẫn chảy như bao đời vẫn chảy. Nhưng, con người vẫn phải lấy tình thương làm điểm tựa cho mình. Tình thương! Không phải cái gì khác đâu nhé. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người lớn lên. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người đẹp hơn. Có phải thế không sông à sông ơi?

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông à sông ơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO