Ảnh minh họa |
Theo thống kê từ Sở TN&MT Sơn La, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết quý 1/2017, Sở TN&MT đã tiếp nhận 131 đơn thư, trong đó có 11 đơn thuộc thẩm quyền, đã tham mưu thụ lý giải quyết đơn; 96 đơn không thuộc thẩm quyền, đã hướng dẫn, chuyển đơn, phúc đáp và trả lời công dân theo quy định; 24 đơn không đủ điều kiện xử lý, đã thực hiện lưu đơn theo quy định. Tiếp nhận và tiến hành thanh tra với 2 đơn vị theo thông tin phản ánh từ tổ chức, cá nhân về các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai ở địa phương. Theo đó, cả 2 đơn vị này đều sử dụng đất không đúng với mục đích được UBND tỉnh giao đất.
Trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, đã thực hiện 17 cuộc thanh tra đối với 12 cơ quan quản lý nhà nước, 113 tổ chức và 6 hộ gia đình. Nội dung thanh tra tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Mộc Châu; việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức và hộ gia đình trong quá trình sử dụng đất…
Kết quả, 6 tập thể còn tồn tại khuyết điểm trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai như thiếu đơn đề nghị tách thửa, hợp thửa đất, mã loại đất chưa đúng quy định, chưa ghi nội dung biến động trong đơn đăng ký biến động... 52 tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai, Sở đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất đối với 7 tổ chức, diện tích 14,62 ha. Yêu cầu 2 đơn vị chấm dứt hợp đồng cho thuê lại đất với diện tích hơn 2.000m2; 12 đơn vị với hơn 5,8 ha đất được thuê làm thủ tục gia hạn sử dụng 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai 2013; 2 đơn vị chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất được giao, diện tích khoảng 95,43 ha. Yêu cầu các đơn vị đăng ký biến động đất đai; cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đồng thời, tiến hành 10 cuộc kiểm tra đối với 22 tổ chức, xung quanh việc chấp hành pháp luật đất đai. Qua kiểm tra, có 4 tổ chức vi phạm với các hành vi như: Không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; sử dụng đất không đúng mục đích; cho thuê lại đất; sử dụng đất chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc giao đất, cho thuê đất và được cấp GCNQSDĐ; xây dựng thêm trên phần diện tích đất quy hoạch làm đường dân sinh nhưng chưa báo cáo UBND huyện…
Có thể nói, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai các hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai. Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục quy định. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai đúng nội dung, đối tượng, góp phần quan trọng phát hiện và kịp thời xử lý các sai phạm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí tài nguyên.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai phức tạp, khó giải quyết dẫn tới kéo dài thời gian xử lý. Còn để xảy ra tình trạng quá thời hạn một số cuộc thanh tra, xác minh giải quyết vụ việc khiếu nại. Nguyên nhân do lực lượng cán bộ chuyên môn về quản lý đất đai ở các cấp còn quá mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ của một tỉnh lớn như Sơn La, nhất là các đơn vị nòng cốt bảo đảm cho việc kiểm soát và thực thi pháp luật đất đai ở địa phương như Chi cục quản lý đất đai, hiện chỉ có 5 người, Thanh tra Sở TN&MT mới chỉ có 3 cán bộ. Lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều nên phần nào có ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc.
Năm 2017, tỉnh Sơn La đang tập trung triển khai thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020. Theo kế hoạch, việc thanh tra sẽ tập trung chủ yếu vào thực hiện các nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai của UBND cấp huyện, trọng tâm là việc lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ; thực hiện trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về đất đai của người sử dụng đất tại các huyện, thành phố.
Nguyễn Nga