Theo đó, giai đoạn 2018-2025, tỉnh Sơn La dự kiến bố trí, sắp xếp 171 điểm tái định cư cho 4.705 hộ dân, 21.000 nhân khẩu thuộc 94 xã của 12 huyện, thành phố.
Trong đó, di chuyển tập trung 46 điểm, tiếp nhận 1.885 hộ; di chuyển xen ghép 125 điểm, tiếp nhận 1.425 hộ và ổn định tại chỗ 1.395 hộ.
Phân theo đối tượng, có 135 điểm với hơn 2.800 hộ thuộc vùng phòng tránh thiên tai. 5 điểm với 1.166 hộ vùng đặc biệt khó khăn như thiếu đất, nước, cơ sở hạ tầng… 10 điểm với 514 hộ thuộc vùng biên giới Việt Lào. 19 điểm với 131 hộ di cư tự do, ở phân tán không theo quy hoạch, đời sống khó khăn.
Về phương án xây dựng cơ sở hạ tầng, với điểm tái định cư tập trung, sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Với điểm xen ghép và ổn định tại chỗ, dự kiến xây dựng và nâng cấp 50,6km đường giao thông nông thôn, 11 công trình thủy lợi, 34 công trình cấp nước sinh hoạt, 16 trạm biến áp, 23 lớp học mầm non và tiểu học, 15 nhà văn hóa bản và hơn 7ha đất để san lấp mặt bằng bố trí đất ở cho các hộ gia đình tái định cư.
Về phương án phát triển sản xuất, tập trung phát triển trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Tận dụng khai hoang diện tích đất trồng lúa nước ở những nơi có điều kiện… Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho hộ, nhóm hộ nông dân và cộng đồng quản lý. Tận dụng diện tích mặt nước hiện có để nuôi trồng thủy sản quy mô hộ gia đình… Đồng thời, phát triển một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
Để thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả, tỉnh Sơn La sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách gồm chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, dạy nghề…
Đặc biệt, về đất ở, sẽ triển khai miễn giảm tiền sử dụng đất cho các hộ dân là đối tượng quy định tại Điều 11,12 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất. Với đất cụm dân cư, căn cứ vào quy định hiện hành, địa phương có biện pháp thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt giao cho hộ gia đình thuộc các dự án bố trí dân cư. Đối với các hộ xen ghép, chính quyền địa phương vận động nhân dân sở tại sang nhượng đất cho các hộ xen ghép theo giá quy định của nhà nước hoặc ưu đãi hơn so với giá thị trường để giảm bớt khó khăn cho các hộ xen ghép.
Về đất sản xuất, các hộ dân di chuyển đều được bố trí xen ghép hoặc tập trung trong địa phận hành chính của xã cũ hoặc xã lân cận nên các hộ dân vẫn sử dụng đất sản xuất của mình như trước khi di dân. Chính quyền địa phương quan tâm đến các hộ này để tập huấn, khuyến nông, chuyển giao khoa học, công nghệ, giống mới, giúp họ tăng cường các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, nhằm giảm thiểu tác động môi trường, với những điểm bản mới, sẽ hỗ trợ người dân tự cải tạo mặt bằng, làm nền nhà, tránh tác động mạnh làm thay đổi địa hình, địa mạo của đất, đảm bảo cho người dân định cư lâu dài, an toàn.
Việc quy hoạch bố trí dân cư ưu tiên bố trí các điểm dân cư trong vùng thiên tai cần di dời cấp bách, các hộ gia đình vùng có nguy cơ thiên tai, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn về đời sống, ổn định dân di cư tự do, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.