Đất đai

Sơn La: Tiếp tục gỡ vướng quản lý đất đai nguồn gốc nông, lâm trường

Nguyễn Nga 15/01/2024 - 16:30

(TN&MT) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công vừa chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và đất do nông, lâm trường đang quản lý trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023; kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo), năm 2023, Ban chỉ đạo và Cơ quan thường trực đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 19 văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, các Công ty nông, lâm nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

a1.jpg
Quang cảnh cuộc họp.

Đặc biệt, đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La tại Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 05/10/2023.

Phạm vi địa bàn thực hiện của Đề án gồm: 4 Ban quản lý rừng và 1 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; diện tích đất giữ lại quản lý, sử dụng và phần đất trả lại địa phương quản lý của 6 công ty nông nghiệp, 5 công ty lâm nghiệp, 5 tổ chức khác thuộc 30 xã của 10 đơn vị hành chính cấp huyện (Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Vân Hồ, Mộc Châu, Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Mường La); toàn bộ diện tích đất đã bàn giao về cho địa phương quản lý thuộc 8 huyện.

Nhiệm vụ chính của Đề án là rà soát, đo đạc, lập, chỉnh lý hồ sơ ranh giới, đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ cho diện tích đất giữ lại quản lý, sử dụng và phần đất trả lại địa phương quản lý. Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ các loại đất; xây dựng phương án sử dụng đất của các Công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, phương án sử dụng đất bàn giao về cho địa phương.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng Dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ của Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường.

Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 37/2023/QĐ-UBND ngày 12/12/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều quy định ban hành kèm theo Quyết định số 50/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh, quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ khác đối với các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh thành lập các Tổ công tác hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án Vinamilk, Vinatea và công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Mộc Châu, Mai Sơn.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là đất đai, trật tự xây dựng trên đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Trong năm, đã triển khai 2 cuộc thanh tra đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Lâm Nghiệp Phù Yên và thanh tra việc quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mộc Châu.

a2.jpg
Công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thông qua triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp, công tác quản lý nhà nước về đất đai có nguồn gốc nông lâm trường thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường là tiền đề, cơ sở để triển khai các giải pháp tiếp theo nhằm tháo gỡ dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình quản lý đất đai nguồn gốc nông lâm trường còn gặp nhiều khó khăn, do hồ sơ về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường còn thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ; hồ sơ, tài liệu giao đất cho các nông, lâm trường qua các thời kỳ chưa thể hiện, xác định được ranh giới ngoài thực địa.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật chưa được triển khai sâu rộng nên đa số người nhận khoán nhận thức đất nhận khoán thuộc quyền sử dụng của mình, các Công ty nông, lâm nghiệp không can thiệp được việc sử dụng đất của người nhận khoán dẫn đến phương án sản xuất kinh doanh không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả.

Quá trình rà soát, sắp xếp lại doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc khi chưa hoàn thành công tác giải thể đối với các Công ty Lâm nghiệp Mường La, Mộc Châu, Sông Mã, việc triển tháo gỡ khó khăn, vướng mắc công tác giải thể các Công ty lâm nghiệp còn chậm, chưa đảm bảo thời gian. Chưa có kinh phí chi trả chế độ cho người lao động dôi dư và chế độ chính sách tinh giản biên chế theo quy định. Chưa có phương án xử lý đối với các khoản nợ vay thực hiện dự án không có khả năng thu hồi của các Công ty Lâm nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La đã giao các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, các Công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Công Văn số 777/UBND-KT ngày 14/3/2023 về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là đất đai, trật tự xây dựng trên đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường;

Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 12/5/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; Công văn số 4357/UBND-KT ngày 30/10/2023 của UBND tỉnh về triển khai các kiến nghị của Đoàn kiểm tra của Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai liên quan đến đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh... Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ theo Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường đã được UBND tỉnh phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Tiếp tục gỡ vướng quản lý đất đai nguồn gốc nông, lâm trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO