Sơn La là tỉnh miền núi chịu nhiều hình thế thời tiết và nhiều dạng thiên tai khác nhau như lũ ống, lũ quét, sạt lở, ngập úng, gió lốc... Những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên, tương đối phức tạp và có xu thế ngày càng tăng. Các trận mưa lũ từ năm 2013 - 2016 đều trên 20 trận/năm.
Đặc biệt từ ngày 31/7-04/8/2015, mưa lũ lớn ở lưu vực suối Muội, suối Dòn, huyện Thuận Châu gây ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt và sạt lở; trận lũ quét xảy ra ở suối Nặm Păm, huyện Mường La vào sáng 3/8/2017 và trận mưa lũ từ ngày 10-12/10/2017 ở các huyện Phù Yên, Vân Hồ, Mộc Châu, Bắc Yên và Mường La gây ra lũ quét, ngập úng và sạt lở đất rất lớn làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo thống kê mức độ thiệt hại 5 năm trở lại đây, mức độ thiệt hại đều trên 150 tỷ, riêng năm 2016 mức độ thiệt hại gần 450 tỷ và đặc biệt năm 2017 lên đến 2.600 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, năm 2013, tỉnh Sơn La đã thực hiện Dự án Rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020, với mục tiêu hoàn thành bố trí, sắp xếp ổn định cho 6.707 hộ dân.
Trong đó, tiến hành di dân ra khỏi vùng thiên tai 217 điểm, 3.299 hộ. Sắp xếp các hộ vùng biên giới để đảm bảo hành lang an ninh biên giới 21 điểm, 425 hộ. Sắp xếp các hộ ở vùng khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu...) 85 điểm với 2.482 hộ. Sắp xếp ổn định các hộ di cư tự do vào vùng quy hoạch 29 điểm, 346 hộ. Di dân các vùng rừng đặc dụng 7 điểm, 155 hộ.
Kết quả, trong giai đoạn 2010-2017, toàn tỉnh đã bố trí, sắp xếp cho 3.964/6.707 hộ, bằng 59,1% quy hoạch được duyệt. Trong đó, bố trí dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai 2.157 hộ, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn 1.606 hộ, bố trí dân cư di dân tự do 141 hộ… Đã triển khai 34 dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân với 158 công trình, gồm 27 công trình đường giao thông nông thôn, 34 công trình cấp nước sinh hoạt, 17 công trình nhà văn hóa…
Cùng với nhiều chính sách phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ được triển khai, đã góp phần giúp các hộ dân yên tâm ổn định cuộc sống lâu dài tại nơi ở mới, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước hạn chế di cư tự do, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, hiện đã phát sinh mới nhiều điểm dân cư có nguy cơ bị thiên tai đe dọa. Tình trạng di cư tự do vẫn còn diễn ra, hộ sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn của 112 xã vùng III còn thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu các công trình hạ tầng kỹ thuật... phát sinh thêm nhiều hộ phải bố trí.
Do đó, năm 2016, tỉnh Sơn La đã có quyết định triển khai lập dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, do Chi cục Phát triển nông thôn Sơn La thực hiện lập quy hoạch. Dự kiến, dự án sẽ được thẩm định và thông qua trong thời gian tới.
Theo kết quả điều tra, rà soát trong quá trình thực hiện Dự án, toàn tỉnh sẽ có 3.945 hộ dân, với 17.640 nhân khẩu thuộc đối tượng của chương trình bố trí dân cư. Trong đó, cần di chuyển dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao và rất cao xảy ra lũ quét là 119 điểm với tổng số 2.337 hộ. Vùng đặc biệt khó khăn là 1.153 hộ; 58 hộ thuộc khu bảo vệ rừng đặc dụng; 130 hộ di cư tự do, sắp xếp không theo quy hoạch và 267 hộ vùng biên giới Việt Lào.
Việc thực hiện quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp hình thành những điểm dân cư tập trung để tạo lập vùng chuyên canh sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất giúp nâng cao hiệu quả kinh tế nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn; giảm nhẹ thiệt hại về tài sản và con người do ảnh hưởng của thiên tai, nhất là trong mùa lũ hàng năm.
Qua đó, tỉnh Sơn La phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 40% năm 2020 và dưới 35% năm 2025. Thu nhập bình quân đạt từ 28-30 triệu đồng/người/năm (năm 2020) và đạt 35-40 triệu đồng/người/năm (năm 2025). Cơ bản giải quyết vấn đề nước sạch cho dân cư vùng bố trí, sắp xếp. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện khoảng 93% (năm 2020) và đạt 100% năm 2025. Đồng thời, chấm dứt được tình trạng chặt phá rừng, đưa độ che phủ rừng lên 51% năm 2020 và đạt 58% vào năm 2025, góp phần cải thiện môi trường sống theo hướng bền vững.