Tính đến tháng 8/2022, tỉnh Sơn La hiện có 76 thủy điện nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng công suất trên 900MW, trong đó, 65 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư; 56 dự án đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia; 5 dự án đang triển khai xây dựng; 4 dự án đang ở giai đoạn lập dự án, chuẩn bị đầu tư.
Thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên, môi trường, Sở TN&MT Sơn La luôn đảm bảo thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong quản lý các công trình thủy điện; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong quản lý các dự án thủy điện nhỏ trên các lĩnh vực: Tài nguyên nước, KTTV, đất đai và môi trường.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Sơn La, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước, trên cơ sở quy hoạch tài nguyên nước đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành để bảo vệ, phân bổ, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, trong đó có sử dụng tài nguyên nước để phát triển thủy điện nhỏ. Hiện nay, với các dự án thủy điện đang vận hành, Sở TN&MT đang triển khai dự án Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước và quản lý, lưu trữ thông tin KTTV tỉnh Sơn La, dự kiến nghiệm thu trong năm 2022. Sau khi hoàn thành, Sở TN&MT sẽ phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước yêu cầu các chủ dự án thủy điện kết nối, truyền dữ liệu theo quy định.
Trong công tác quản lý đất đai, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các Quyết định giao đất, cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất với các dự án thủy điện; đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện hồ sơ bổ sung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định.
Công tác bảo vệ môi trường, chú trọng triển khai các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực ngay từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn thi công và vận hành, với quan điểm kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Trong giai đoạn dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật, đã nghiên cứu, thiết kế các biện pháp công trình và thi công hạn chế các ảnh hưởng, nghiên cứu mức độ nguy hiểm về địa chất với công trình. Điều tra chi tiết về thiệt hại dân sinh, kinh tế khu vực lòng hồ và khu vực xây dựng công trình. Lập kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Giai đoạn thi công, tập trung thực hiện nghiêm công tác GPMB, phần diện tích sử dụng tạm thời xong cần được san lấp và trồng cây; quản lý chặt chẽ diện tích rừng các khu vực lân cận công trình và hành lang thi công. Phục hồi kịp thời rừng trồng tại bãi tập kết vật liệu, bãi thải ngoài khu vực lòng hồ. Xây dựng và thực hiện chương trình quản lý môi trường trong thời gian vận hành; quản lý chặt chẽ khu vực công trình và phát triển rừng đầu nguồn.
Tuy nhiên, trên thực tế, còn một số công trình thực hiện chưa tốt, chưa đầy đủ theo quy định, một số công trình trong quá trình xây dựng chưa đúng hồ sơ thiết kế, thay đổi vị trí, chiều cao, phạm vi giải phóng mặt bằng lòng hồ chưa đầy đủ, giao đất chưa tính đến đặc thù công trình, chưa cắm mốc hành lang bảo vệ… Một số thủy điện lòng hồ bồi lắng không còn đủ dung tích để điều tiết nước phát điện nên chủ đầu tư tự ý cơi nới đập gây nguy cơ mất an toàn. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, đặc biệt là duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập làm khô cạn dòng suối…
Để khắc phục các hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, khai thác tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong phát triển thủy điện, Sở TN&MT đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, quy định rõ các phạm vi, tác động của công trình để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất, đảm bảo quyền lợi của nhân dân có đất bị ảnh hưởng bởi công trình và lòng hồ.
Cùng với đó, yêu cầu chủ đầu tư các dự án thủy điện hoàn thành đúng, đầy đủ các thủ tục về đất đai, tài nguyên nước, KTTV và bảo vệ môi trường. Trường hợp thay đổi các thông tin có liên quan đến việc thay đổi mục đích sử dụng đất, ranh giới sử dụng đất, quy mô dự án cần cung cấp thông tin cho các sở, ngành, làm cơ sở hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục có liên quan.
Sở TN&MT cũng đề nghị các sở, ngành, UBND cấp huyện phối hợp tham mưu UBND tỉnh quản lý chặt chẽ trong công tác quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đầu tư xây dựng và kiểm tra trong quá trình vận hành; rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong Quy chế phối hợp quản lý các công trình thủy điện. Tăng cường thanh, kiểm tra nhằm đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật với các dự án thủy điện trên toàn tỉnh.