Sống chung với ô nhiễm
Đã nhiều năm nay, cứ vào niên vụ sơ chế, chế biến cà phê, cả một dòng suối chảy dài từ khu vực ngã 3 Mai Sơn qua cổng UBND xã Chiềng Mung, đến xã chiềng Bằng, Mường Bon, huyện Mai Sơn có màu đen đặc, sủi bọt trắng và có mùi hôi khó chịu.
Anh Hà Văn Bình, người dân bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn bức xúc: Trước đây, chúng tôi dẫn nước từ suối lên tưới vườn tược. Nhưng vài năm trở lại đây, chúng tôi không dám dùng nữa, phải tự đào giếng để sử dụng. Nhất là đêm và sáng, mùi hôi thối bốc lên. Chỉ vào mùa cà phê là có hiện tượng này, còn lại thì nước khá trong. Bao lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị lên xã, huyện mà chưa được giải quyết.
Anh Hà Văn Khánh, Bí thư chi bộ bản Nà Hạ 2 cho biết: Năm nay, từ tháng 9 là dòng suối này lại ô nhiễm. Mọi năm cũng thế, và phải kéo dài đến Tết. Nhất là về đêm, sương xuống, mùi bốc lên rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống bà con nhân dân, từ ăn uống, đến cây cối hoa màu, tưới tiêu. Hết mùa cà phê thì nước lại trong. Không chỉ ô nhiễm cà phê, do ý thức của một số hộ dân khu vực đầu nguồn khu vực ngã 3 Mai Sơn, dòng suối này còn bị ô nhiễm bởi rác thải ứ đọng. Chúng tôi mong các cấp sớm có biện pháp giải quyết, đảm bảo môi trường sống cũng như nguồn nước sạch cho người dân.
Dẫn chúng tôi đi xem khu vực hồ tích nước tưới tiêu của bản Nà Hạ 2, ông Hà Văn Phanh, người dân bản Nà Hạ 2 bức xúc: Hồ này được dùng phục vụ tưới tiêu cho một số bản quanh đây của xã Chiềng Mung. Nhưng cứ đến mùa cà phê là dòng suối chảy qua cạnh nhà tôi để tích nước vào hồ lại ô nhiễm trầm trọng. Lúc nào cũng thối. Mùi nặng nhất là vào tầm tháng 9, tháng 10, đặc biệt là sáng ra. Trước nhà tôi ở ngay sát suối, có giếng khoan ở cạnh. Giờ phải di chuyển nhà lên cao hơn, đào giếng ở vị trí khác vì mùi quá.
Ông Lò Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung xác nhận: Năm nào cũng thế, cứ đến mùa sơ chế, chế biến cà phê, dòng suối này lại ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ sơ chế, chế biến cà phê quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Các hộ dân sinh sống dọc quốc lộ 6 ở ven suối bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm cũng đã phản ánh lên xã, chúng tôi đã phản ánh lên huyện để kiểm tra, xử lý. Hàng năm, tổ công tác liên ngành của huyện cũng đều xây dựng kế hoạch đến từng hộ để tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, giải pháp xử lý triệt để tình trạng này vẫn còn bỏ ngỏ!
Nan giải phát triển cà phê gắn với bảo vệ môi trường
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Thế nhưng, đi kèm với đó, từ năm 2012 trở lại đây, năm nào Sơn La cũng đối diện với câu chuyện ô nhiễm môi trường do sơ chế, chế biến cà phê.
“Vì đặc trưng của cà phê Sơn La phải sơ chế bằng phương pháp ướt mới đảm bảo chất lượng, nếu như người dân không sơ chế ngay, thì thu nhập của bà con cũng bị ảnh hưởng” – ông Lò Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung nói.
Được biết, trước niên vụ cà phê 2018-2019, UBND huyện Mai Sơn đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác thực hiện phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện. Tổ chức 01 hội nghị giao ban, triển khai các văn bản lĩnh vực tài nguyên và môi trường, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sơ chế cà phê vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với lãnh đạo UBND xã, thị trấn và công chức phụ trách tài nguyên môi trường 22 xã, thị trấn. 03 Hội nghị tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường đối với chủ các cơ sở sơ chế nông sản tại 08 xã với 300 lượt người tham dự; giới thiệu địa chỉ tìm hiểu về công nghệ sản xuất, xử lý chất thải chế biến cà phê. Vận động các hộ gia đình, cá nhân ký cam kết không xả nước thải sơ chế, chế biến nông sản, chất thải, nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường.
Bên cạnh đó, khi nhận được phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối phục vụ canh tác nông nghiệp và thủy sản của nhân dân bản Lẳm, xã Mường Bon và bản Cắp, xã Mường Bằng, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát nguyên nhân ô nhiễm, phát hiện nước thải sơ chế cà phê của các cơ sở sơ chế bằng phương pháp ướt từ tổ 6 và một số bản thuộc phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La và các thôn, bản của xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn xả thẳng xuống suối khiến nước suối bị ô nhiễm.
Ngay sau đó, UBND huyện đã có công văn gửi UBND thành phố Sơn La, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND phường Chiềng Sinh kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt, vi phạm các quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng các cơ sở xả nước thải sơ chế cà phê xuống ao hồ, sông suối, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Đoàn liên ngành và xã Chiềng Mung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sơ chế nông sản theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã thực hiện 15 đợt kiểm tra, phát hiện và xử phạt 19 trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê, tổng tiền phạt 59 triệu đồng. Tuy nhiên, các cơ sở sơ chế quy mô nông hộ chủ yếu sơ chế thuê, việc say xát, đánh vỏ... thực hiện vào ban đêm và gần sáng nên khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý. Ý thức chấp hành pháp luật của các hộ gia đình, cá nhân còn thấp; nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, gìn giữ các nguồn nước và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Chế tài xử lý vi phạm đối với các hộ gia đình, cá nhân chưa phù hợp với thực tế.
“Để giải quyết tình trạng ô nhiễm trong sơ chế, chế biến cà phê, tỉnh Sơn La đang tập trung nghiên cứu phát triển mô hình sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình. Bên cạnh đó, Phòng TN&MT đã tham mưu UBND huyện, đề nghị UBND tỉnh xem xét có cơ chế, với những cơ sở vi phạm về môi trường đã xử lý nhưng vẫn cố tình vi phạm, đề nghị cho phép tạm dừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp chế biến cà phê vào đầu tư; tạo điều kiện để nâng công suất chế biến cho các doanh nghiệp trên địa bàn” – Ông Nguyễn Thanh An cho biết.