Cầu treo Hải Sơn được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1997. Cầu bắc qua Sông Mã, nối các bản Hoàng Mã, Hát Lay, Púng, Đội 5 với các bản Hải Sơn I, Hải Sơn II và một số bản lân cận. Năm 2015, cầu được sửa chữa, thay ván mặt cầu. Năm 2017, cầu tiếp tục được sửa chữa, thay mới mặt cầu bằng tấm thép grating; lan can, tay vịn, dây đeo, dầm dọc, dầm ngang, dây neo chống lắc ngang và một số hạng mục, phụ trợ khác được bổ sung. Đến 22/12/2017, cầu được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng ngày 2/1/2018.
Ngày 11/8/2018, xe container biển kiểm soát 15C-277.45, kéo rơ-mooc 15R-130.83 lưu thông trên trục quốc lộ 4G hướng Sông Mã - Sơn La, đã va quệt vào dây cáp chủ phía hạ lưu cầu treo Hải Sơn, khiến một đầu dây cáp chủ tuột khỏi puly, làm mặt cầu bị nghiêng về phía hạ lưu và treo trên dây cáp chủ còn lại, nên cầu không còn khả năng khai thác.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, cùng chính quyền địa phương treo biển báo cấm lưu thông; cử người trực thường xuyên 2 bên đầu cầu, cấm không cho người dân qua lại, mà phân luồng cho nhân dân bản Hải Sơn I và II đi theo các tuyến. Cụ thể, nếu đi từ Hải Sơn I, II thì qua cầu sắt (Huổi Một) hoặc qua cầu treo bản Kéo của xã Huổi Một về Trung tâm thị trấn và ngược lại. Hướng 2, đi từ Hải Sơn I, II về bản Cang (Chiềng Khoong) qua cầu bản Cang về Trung tâm thị trấn và ngược lại.
Ông Đặng Văn Thửa, Trưởng bản Hải Sơn 1 cho biết: Hàng ngày, không biết bao nhiêu lượt người đi qua đi lại đón con đón cháu đi học. Để tiện cho người dân đi lại, xã có giúp chúng tôi dựng tạm cây cầu phao bắc qua sông, nhưng rất nguy hiểm. Hôm rồi mưa to, nước lên cao, cán bộ bản chúng tôi phải túc trực, gỡ rác trôi từ đầu nguồn xuống vướng vào cầu để cầu không trôi.
“Giờ người dân chúng tôi chỉ mong mỏi các cấp chính quyền sớm đầu tư xây lại cầu cho người dân. Tôi cứ tính từ ngày đứt cầu, với cụm Hải Sơn chúng tôi, hơn 300 hộ dân, bình quân mỗi ngày thiệt hại từ 3-5 triệu đồng, gồm tiền xăng của cán bộ công nhân viên chức đi làm, của người dân bán hàng hóa, tiền trượt giá của hàng nông sản… Bởi nếu tư thương họ vào tận đây mua thì càng bị ép giá. Rồi mùa mưa lũ sắp tới thì phải dỡ cầu, bà con phải đi vòng cách 8km, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là các cháu đi học, giao thương giữa các bản…” – ông Đặng Văn Thửa buồn bã.
Được biết, để khắc phục sự cố, huyện Sông Mã đã mời Tổng cục Xây dựng đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải Sơn La, các đơn vị tư vấn, đánh giá và lên phương án khắc phục, sửa chữa, nhưng phương án này không khả thi. Vì vậy, huyện Sông Mã đã cùng các đơn vị chức năng lên phương án xây cầu bê tông mới, để đảm bảo cho người dân đi lại an toàn cũng như đáp ứng vận chuyển hàng hóa về lâu dài.
Tại cuộc làm việc với tỉnh Sơn La ngày 17/10/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã thống nhất chủ trương chấp thuận đầu tư cầu Chiềng Khoong (thay thế cầu Hải Sơn) qua Sông Mã với tổng mức đầu khoảng 13 tỷ đồng.
Mong rằng, tới đây, các cấp chính quyền có liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công trình, để ổn định đời sống, sản xuất, sinh hoạt của hơn 900 hộ dân và khoảng 1.230 học sinh nơi đây.