Môi trường

Sơn La: Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra lĩnh vực môi trường

Nguyễn Nga 19/10/2023 - 10:56

(TN&MT) - Xác định công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, Sở TN&MT Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, những năm qua, Sở TN&MT đã chủ động tham mưu đề xuất, tổ chức, triển khai hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện các thủ tục, hồ sơ về môi trường theo quy định. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; phát hiện, kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

so-tn-son-la-2-copy.jpg
Sở TN&MT tổ chức Hội nghị hướng dẫn tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường cho cán bộ cấp huyện, xã.

Đồng thời, từ cuối năm trước đó, đã triển khai rà soát, xây dựng dự thảo kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch kiểm tra lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh trong kiểm tra, đấu tranh phòng ngừa, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.

Kết quả, từ năm 2022 đến nay, đã triển khai 17 cuộc thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân, tập trung kiểm tra, xử lý tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm gây bức xúc trong dư luận; các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, các cơ sở công nghiệp… Tổ chức giám sát định kỳ, đột xuất xuyên suốt niên vụ chế biến nông sản với 4 cơ sở chế biến cà phê, 1 cơ sở mía đường và 2 cơ sở tinh bột sắn.

Qua hoạt động thanh, kiểm tra, đã phát hiện, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 8 đơn vị, tổng tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Vi phạm các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, vi phạm về quản lý chất thải…

Cùng với hoạt động thanh, kiểm tra, Sở TN&MT luôn kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị khắc phục, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố ô nhiễm môi trường.

Vận hành hiệu quả đường dây nóng

Triển khai quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh ô nhiễm từ các nguồn thông tin, Sở TN&MT đã tổ chức khoanh vùng, xác định đối tượng theo thẩm quyền quản lý để thực hiện các biện pháp phù hợp.

so-tn-son-la-1-copy.jpg
Tỉnh Sơn La kiểm tra thực địa lĩnh vực môi trường Dự án Đầu tư xây dựng Trang trại lợn nái sinh sản, lợn thương phẩm gắn với sản xuất nông nghiệp Cao Đa Bắc Yên.

Đề nghị UBND cấp huyện thành lập tổ công tác gồm các phòng ban chuyên môn, Công an huyện phối hợp với chính quyền cấp xã, bản xác minh tính chính xác của thông tin phản ánh bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ phù hợp, trường hợp cần thiết lấy mẫu, phân tích chất thải để làm cơ sở đánh giá chất lượng môi trường khu vực xảy ra ô nhiễm hoặc có phản ánh ô nhiễm.

9 tháng năm 2023, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 văn bản chỉ đạo xác minh ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí tại thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn; tiến hành xác minh 6 thông tin phản ánh ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Kết quả xác minh cho thấy, đa số các thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường đều thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã. Song, Sở TN&MT luôn tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với UBND cấp huyện xác minh, lấy mẫu phân tích làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các huyện, thành phố.

Trên cơ sở kết quả xác minh, kết quả phân tích chất lượng môi trường, nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường, tiến hành lập biên bản, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định, đảm bảo thượng tôn pháp luật. Đồng thời, đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa không để lan rộng tình trạng ô nhiễm, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế, sức khỏe của người dân, góp phần xử lý, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm cục bộ trên địa bàn tỉnh.

Gắn trách nhiệm quản lý môi trường với trách nhiệm người đứng đầu

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại một số địa phương hiệu quả chưa cao, chưa quyết liệt đôn đốc UBND các xã, thị trấn thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Chính quyền các xã, thị trấn chưa tập trung cao cho công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường ngay khi mới phát sinh.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh thêm các cơ sở gây ô nhiễm; chú trọng đến các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi, khai thác khoáng sản, thủy điện, sử dụng đất rừng; các dự án trong hành lang bảo vệ nguồn nước; các dự án có nguy cơ chịu tác động xấu do biến đổi khí hậu gây ra.

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường gồm: Báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiểm tra xác nhận công trình bảo vệ môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường; Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Gắn trách nhiệm quản lý môi trường trên địa bàn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường thành điểm nóng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân.

Tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn nước, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm khu vực đầu nguồn nước, đặc biệt do ô nhiễm từ hoạt động chế biến cà phê, dong, sắn, chăn nuôi trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La.

Thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện việc khắc phục các tồn tại sau thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế thấp nhất việc tái diễn các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh triển khai công tác hậu kiểm với các dự án đã được phê duyệt các thủ tục về môi trường để nắm bắt chặt chẽ diễn biến, kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đa dạng hóa nguồn tiếp nhận thông tin phản ánh qua báo chí về công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục vận hành hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Thực hiện nghiêm quy trình xử lý thông tin qua đường dây nóng, nâng cao trách nhiệm phối hợp của các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội tham gia giám sát chặt công tác bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra lĩnh vực môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO