Sơn La: Kiểm soát chặt hoạt động gây nuôi động vật hoang dã
(TN&MT) - Đây là một trong những mục tiêu tỉnh Sơn La đề ra tại Kế hoạch 207/KH-UBND, thực hiện Đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Đề án được triển khai với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học; Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học;
Tăng cường phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm có liên quan trong bảo vệ đa dạng sinh học; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ phòng, chống tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; Tăng cường hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Mục tiêu đến năm 2030, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, nhất là các loài động, thực vật hoang dã nhóm IA, IIA, IB, IIB và thuộc Phụ lục I Công ước CITES. Chú trọng đối tượng tuyên truyền là người dân sinh sống quanh khu bảo tồn, khu vực giáp biên.
Kiểm soát chặt hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; xử lý nghiêm hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm.
Đảm bảo tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo tội phạm về đa dạng sinh học, kiến nghị khởi tố đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về đa dạng sinh học phải được khởi tố điều tra.
Duy trì, tăng cường hợp tác quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, các tỉnh giáp ranh như: Điện Biên, Hoà Bình, Phú Thọ, Yên Bái về phòng, chống tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh mở các chuyên đề đấu tranh, trấn áp tội phạm, các hành vi hủy hoại hệ sinh thái rừng; khai thác, mua bán, tiêu thụ, vận chuyển, nuôi, trồng các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và quản lý nguồn gen.
Chỉ đạo Công an cấp huyện, xã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ cơ sở, đặc biệt là các vi phạm về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng; các loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên được bảo vệ; các nguồn gen quý và các loài ngoại lai.
Phối hợp chặt chẽ với các địa bàn giáp ranh chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả từ sớm, từ xa tội phạm và các hành vi vi phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học có tính chất liên tỉnh.
Sở TN&MT hướng dẫn thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tiếp nhận, tổng hợp, kết nối thông tin, dữ liệu, báo cáo về tội phạm đa dạng sinh học và các hành vi vi phạm có liên quan để phục vụ theo dõi, quản lý, cung cấp thông tin vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia.
UBND các huyện, thành phố không để hình thành chợ tự phát, điểm tập trung hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt tại các địa bàn có rừng, tuyến giao thông kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên.
Với các huyện biên giới, duy trì thường xuyên hoạt động của Văn phòng liên lạc phòng, chống ma tuý và tội phạm qua biên giới (Văn phòng BLO), định kỳ tổ chức giao ban về an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm giữa các địa bàn giáp ranh, chung biên giới.