Nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao SI Vân Hồ do Tập đoàn IC Food (Hàn Quốc), Công ty Stevia Corp (Hoa Kỳ) và Công ty SC Agro Food (Việt Nam) đầu tư với quy mô trên 4 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 7,5 triệu USD.
Thời gian dự kiến hoàn thành xây dựng nhà máy là 13 tháng và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sau 8 tháng với sản lượng ước đạt 1.700 tấn/năm; giai đoạn 2 sau khi hoàn thành nhà máy, sản lượng ước đạt là 3.400 tấn/ha. Nhà máy được áp dụng kỹ thuật và công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại của Hàn Quốc.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ trở thành nhà máy gia công chế biến nông sản sử dụng nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng và ưu tú tại chỗ như: bắp cải, cải chip sấy… để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng ưu việt xuất khẩu ra toàn thế giới. Dự kiến, sẽ có khoảng 100 hợp tác xã rau phối hợp liên kết với nhà máy để sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu nhà máy, huyện Vân Hồ đã quy hoạch khoảng 400 ha trồng rau tại 5 xã và đẩy mạnh khuyến khích việc thành lập các HTX kiểu mới.
Việc nhà máy bảo quản và chế biến nông sản công nghệ cao của công ty TNHH SI Vân Hồ xây dựng và đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tỷ lệ hao hụt, thất thoát sau thu hoạch của nông sản, đồng thời việc xuất khẩu các sản phẩm sẽ nâng cao giá trị và chất lượng của các mặt hàng nông sản Sơn La, góp phần biến Sơn La thành đô thị nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai
Phát biểu tại buổi lễ, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã có bước phát triển quan trọng: Toàn tỉnh đã có trên 41.000 ha cây ăn quả, trong đó có 6.000 ha ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng được 47 chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trong nông nghiệp; hình thành được vùng nguyên liệu rau, củ, quả chất lượng cao trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Phù Yên, Sông Mã...; sản lượng rau, củ, quả đạt trên 60.000 tấn/năm đáp ứng yêu cầu phát triển các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản, gia tăng giá trị của sản xuất nông nghiệp; đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân trong sản xuất nông nghiệp.
Tại buổi lễ, ông Cầm Ngọc Minh đã biểu dương tinh thần, trách nhiệm cao của huyện Vân Hồ và các sở, ngành của tỉnh trong công tác hỗ trợ Công ty TNHH thực phẩm SI Vân Hồ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật điện, nước, mặt bằng để khởi công xây dựng Nhà máy trong vòng 6 tháng kể từ khi được tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Để Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ đầu tư xây dựng đi vào sản xuất đúng tiến độ (tháng 9/2018); phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của Nhà máy đối với việc thúc đẩy phát triển vùng rau, củ, quả trong tỉnh, ông Cầm Ngọc Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Vân Hồ tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư trong phạm vi thẩm quyền, đúng quy định để Công ty hoạt động kinh doanh được thuận lợi, hiệu quả.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện Vân Hồ và các huyện rà soát bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu rau, quả, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững; tổ chức phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản theo hình thức liên kết HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp.
Giao UBND huyện Vân Hồ, các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn quản lý. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển trồng rau, củ, quả chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản.
Đồng thời, đề nghị Công ty TNHH Thực phẩm SI Vân Hồ phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm và thu nhập; chấp hành tốt các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật về lao động, môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho con em huyện Mộc Châu, Vân Hồ và các huyện, thành phố trong tỉnh được đào tạo và được vào làm công nhân tại Nhà máy. Thực hiện việc ký hợp đồng, cam kết bao tiêu sản phẩm đối với các HTX, các hộ dân tham gia trồng rau, củ, quả theo quy hoạch và thực hiện đúng cam kết.