Sơn La: Khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ

Nguyễn Nga| 20/09/2020 20:37

(TN&MT) - Ngày 20/9, tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Tập đoàn TH phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ. Đây là nhà máy có công nghệ hiện đại nhất vùng Tây Bắc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Lễ khánh thành

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 72.000ha tổng diện tích cây ăn quả và cây táo mèo, tăng gấp 3 lần so với diện tích năm 2015. Tỉnh cũng xây dựng được 90 chuỗi cung ứng quả an toàn, 161 mã số vùng trồng, 4.300ha cây ăn quả xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc…

Được khởi công từ tháng 1/2018, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đi vào sản xuất giai đoạn 1 (2020-2025) với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược; mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết được 15.000ha vùng nguyên liệu.

Giai đoạn 2 (sau năm 2025), toàn Dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000ha nguyên liệu. Trước mắt nhà máy tập trung vào chế biến các loại quả như: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH

Đây là nhà máy sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP. Đây cũng là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến sản phẩm cam, nhãn cô đặc, trên dây chuyền hiện đại hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, nhà máy có tỷ lệ thu hồi nước ép cao (lên tới 80%), tiết kiệm nhiên liệu (tối ưu hóa năng lượng, tiết kiệm điện) và là hình mẫu của kinh tế tuần hoàn. Chất thải của nhà máy là các bã trái cây đã được nghiền nát, được dẫn ra khỏi nhà máy tới nhà chứa bã bằng trục vít khép kín. Tại đây bã sẽ được phơi khô làm phân bón, chất đốt hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Quy trình này hoàn toàn khép kín, bảo vệ môi trường.

Về quy hoạch vùng nguyên liệu, Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy); vùng trồng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc (Hòa Bình); Vân Hội (Trấn Yên, Yên Bái). Dự án cũng đồng hành cùng nông dân đẩy mạnh kết hợp trồng cây ăn quả và dược liệu để phát triển du lịch vùng miền tại địa phương, làm kinh tế dưới tán rừng.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La phát biểu tại buổi lễ.

Ở giai đoạn 1, Nhà máy sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy, hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận. Không chỉ phát triển kinh tế, sự xuất hiện tiên phong của một doanh nghiệp lớn và uy tín như Tập đoàn TH ở một huyện 30A, vùng cao, khó khăn của Sơn La, sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư, góp phần thực hiện bền vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nâng tầm kinh tế vùng biên giới, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Chia sẻ tại lễ khánh thành nhà máy, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH mong muốn chính quyền Sơn La động viên, truyền tải thông tin tới bà con, để họ có lòng tin trong chặng đường đi sắp tới, để nhà máy có được nguồn nguyên liệu đúng như quốc tế mong muốn, là không sử dụng hóa chất, các chất bảo quản không an toàn cho sức khỏe con người.

Theo bà Thái Hương, Tập đoàn TH không đề nghị hỗ trợ tài chính mà muốn được hỗ trợ về các cơ chế chính sách, để tập trung cho một số những doanh nghiệp lớn, dẫn đầu, trở thành đầu tàu, để dẫn lối trong nông nghiệp, tập trung khai thác các thế mạnh của vùng đất Sơn La – đó không chỉ là hoa quả, mà còn là thảo dược, du lịch.

Các đại biểu nhấn nút khởi động dây chuyền chế biến của Nhà máy chế biến hoa quả và thảo dược Vân Hồ.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La đã gửi lời cảm ơn tới Tập đoàn TH và cá nhân bà Thái Hương đã quan tâm đầu tư dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội lớn đối với một tỉnh miền núi biên giới.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa lớn thúc đẩy các cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn với chế biến. Bên cạnh đó, Nhà máy sẽ góp phần giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh (nhãn, xoài, cam, chanh leo, sơn tra ..), tạo điều kiện cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững; gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.

Các đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Tỉnh Sơn La cam kết sẽ đồng hành cùng Tập đoàn và Công ty, sẽ chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu an toàn, bền vững, đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho nhà máy; kết nối xây dựng chuỗi, cung ứng nguyên liệu gắn với chế biến của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và Nhà máy; đáp ứng công suất chế biến của Nhà máy giai đoạn I và giai đoạn tiếp theo. Hỗ trợ Nhà máy kết nối xây dựng chuỗi, cung ứng nguyên liệu gắn với chế biến của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và Nhà máy.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gửi lời chúc mừng tới Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Đây là niềm vui chung của tỉnh Sơn La, nhất là với những người nông dân tại các vùng trồng hoa quả trọng điểm như huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Bắc Yên, Phù Yên. Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ chính thức đi vào hoạt động, người nông dân nơi đây sẽ không còn nỗi lo “được mùa mất giá”, hay lo về đầu ra của sản phẩm sản xuất được.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy.

Lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá: Việc xuất hiện nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới tại Sơn La là một bước đột phá trong nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Sơn La. Nhà máy hoạt động sẽ không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh, mà sẽ còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao để tỉnh Sơn La đưa thương hiệu hoa quả đáng tự hào của mình phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa ra thế giới. Dưới tán rừng Sơn La và các tỉnh Tây Bắc sẽ là những vườn cây ăn quả, nguồn dược liệu hiếm quý, chất lượng cao, minh chứng cho một nền kinh tế phát triển bền vững mà đầu tàu dẫn dắt là Tập đoàn TH.

“Tôi mong muốn Tập đoàn TH sẽ tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng quy chuẩn sản phẩm để giúp người dân tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, giúp địa phương khai thác, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của mình, tạo bứt phá cho nông nghiệp Sơn La và nông nghiệp Tây Bắc”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO