Nhà máy chế biến mủ cao su Sơn La 28/10 được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam khởi công vào đầu năm 2018 với tổng mức đầu tư gần 110 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 16 ha tại xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu, có công suất chế biến là 9.000 tấn mủ/năm được chia làm hai giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 đầu tư dây chế biến mủ với công suất 6.000 tấn/năm; giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư, dự kiến khánh thành vào năm 2020 với dây chuyền chế biến có công suất 3.000 tấn/năm. Nhà máy được vận hành 10 tháng trong/năm với mục tiêu đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác từ vườn cây của Công ty trong những năm tới và sản lượng của các công ty chưa có nhà máy chế biến ở khu vực Tây Bắc.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Sơn La Hồ Anh Đức cho biết: Nhà máy sử dụng một phần thiết bị trong nước, được đầu tư mới hoàn chỉnh phù hợp với quy mô và mục tiêu tiết kiệm, tận dụng tối đa những thuận lợi về địa hình hiện trạng khu đất và cơ sở hạ tầng của khu vực xung quanh, lựa chọn sản phẩm phù hợp với định hướng của ngành và của thị trường. Khi nhà máy đưa vào hoạt động thì giá trị nguyên liệu mủ cao su lên gấp 4 lần, từ 1 tấn mủ đông với giá khoảng 10 triệu sau chế biến sẽ tăng lên 40 triệu, đồng thời giải quyết được 200-250 lao động.
Đối với hệ thống xử lý nước thải thì sử dụng thiết bị chủ yếu của Nhật và các nước EUG7 công nghệ xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh, nước thải ra cột A theo tiêu chuẩn QCVN:01-MT:2015 BTNMT.
Được biết, toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 6.000 ha cao su trồng ở 6 huyện. Từ năm 2016, diện tích cao su bắt đầu cho thu hoạch, đến nay đã có trên 2.200 ha cho khai thác. Với mức thu nhập bình quân hiện nay của công nhân nhận phần cây khoảng 3,6 triệu đồng/người/ tháng, mặc dù chưa cao nhưng đã làm thay đổi đáng kể đời sống của người lao động khu vực trồng cao su, mỗi công nhân thu hoạch mủ cũng đã ổn định được cuộc sống và lo cho gia đình. Khi vườn cây đưa vào khai thác ngoài việc tạo công việc thường xuyên cho người công nhân trên toàn công ty, người dân góp đất còn được chia 10% giá trị sản phẩm, giúp tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Về công tác phân chia sản phẩm, năm 2017, tổng diện tích khai thác của Công ty hơn 914ha. Trong đó diện tích khai thác trên đất góp hơn 738ha. Số hộ góp đất được chia giá trị sản phẩm là 1.464 hộ. Tổng số tiền phải chia cho hộ góp đất có diện tích thu hoạch năm 2017 hơn 1,1 tỷ đồng. Hiện Công ty đã chi tạm ứng đợt 1 hơn 879 triệu đồng. Nguyên nhân do địa phương chưa cung cấp bản đồ địa chính của đất góp theo hệ tọa độ VN2000 nên diện tích đất góp của từng hộ đưa vào khai thác từng năm chưa thể xác định chính xác; do đó Công ty chưa thể chia số tiền còn lại cho các hộ góp đất và Công ty đã có công văn báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết.
Năm 2018 diện tích đưa vào khai thác là 2.261 ha, sản lượng dự kiến thu 1.300 tấn mủ quy khô. Dự kiến giá trị phải chia 10% cho hộ góp đất là 2,4 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Từ năm 2007, tỉnh Sơn La và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã đưa cây cao su vào trồng với diện tích ban đầu là 70 ha. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay diện tích cây cao su toàn tỉnh đạt trên 6.000ha; thu hút trên 7.400 hộ gia đình góp giá trị quyền sử dụng đất và 3.460 lao động vào làm cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần cao su Sơn La. Việc phát triển cây cao su trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện đa mục tiêu: giúp tăng độ che phủ rừng; đảm bảo hệ sinh thái, môi trường rừng, hạn chế tình trạng lũ ống, lũ quét; góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
“Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La đề nghị Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh để khai thác hiệu quả công năng Dự án đã đầu tư. Đặc biệt, Công ty cổ phần cao su Sơn La cần khẩn trương hoàn thành dự án xử lý nước thải, chất thải nhà máy chế biến cao su; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người trồng cây cao su để thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường” – ông Cầm Ngọc Minh nhấn mạnh.