Môi trường

Sơn La: Chú trọng quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên

Nguyễn Nga 17/12/2023 - 15:31

(TN&MT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học và vai trò của nó trong việc duy trì sự phát triển bền vững của cuộc sống, sinh kế và nền kinh tế, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn la đã triển khai nhiều hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 5 khu dự trữ bảo tồn thiên nhiên; 1 khu bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử; 1 khu bảo tồn loài – sinh cảnh và 11 danh lam, thắng cảnh.

img_5152.jpg
Sở TN&MT Sơn La tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý đa dạng sinh học theo quy định của Luật đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 2738/UBND-KT ngày 21/7/2022, triển khai thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổng hợp Báo cáo việc quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin phục vụ việc xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về đa dạng sinh học cho cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp huyện, xã; cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên của Chi cục Kiểm lâm tỉnh; lãnh đạo, kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm 12 huyện, thành phố; lãnh đạo, viên chức các Ban Quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa, Xuân Nha, Mường La, Sốp Cộp, Thuận Châu.

Biên soạn, phát hành 600 cuốn sổ tay hướng dẫn nhận dạng các loài ngoại lai xâm hại; tác hại của các loài ngoại lai xâm hại; biện pháp kỹ thuật để thực hiện cô lập diệt trừ đối với từng loài ngoại lai xâm hại.

Lồng ghép nội dung đánh giá tác động đa dạng sinh học trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư. Quá trình thẩm định các TTHC đã yêu cầu các chủ đầu tư quan tâm đến yếu tố đa dạng sinh học, đề xuất biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của dự án đến đa dạng sinh học và thúc đẩy các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong năm 2023, tiếp tục ban hành và tham mưu UBND tỉnh ban hành trên 23 văn bản triển khai thực hiện công tác quản lý đa dạng sinh học. Theo đó, đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào quy mô diện tích, phạm vi ảnh hưởng, ý nghĩa, tầm quan trọng về các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn để rà soát, đề xuất các khu vực dự kiến xác lập di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a, b Khoản 4 Điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 (di sản thiên nhiên cấp tỉnh, di sản thiên nhiên cấp quốc gia).

img_7313.jpeg
Công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tại các khu bảo tồn, khu bảo vệ cảnh quan đã được tỉnh Sơn La quan tâm, chú trọng thực hiện.

Cùng với đó, đề nghị các Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên lồng ghép, cập nhật nội dung về bảo vệ di sản thiên nhiên vào Quy chế, kế hoạch, phương án quản lý đã được phê duyệt. Tổ chức điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên định kỳ 5 năm/lần và hoạt động điều tra, đánh giá khác theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ. Gửi báo cáo đến UBND cấp tỉnh có di sản thiên nhiên, cập nhật kết quả điều tra, đánh giá vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên năm 2023 đã triển khai kiểm tra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa và Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha.

Tại các địa phương, UBND các huyện, thành phố cũng đã quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về vai trò, giá trị của di sản thiên nhiên; các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã; cổng thông tin điện tử của huyện; lồng ghép vào các ngày kỷ niệm, ra quân bảo vệ môi trường, tài nguyên nước….

Thực hiện khoanh vùng quy hoạch sử dụng đất; đưa vào mục tiêu phát triển du lịch danh lam, thắng cảnh trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn giám sát hoạt động sản xuất trong vùng quy hoạch của di sản thiên nhiên, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định về phân vùng môi trường.

Thông qua các hoạt động, đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phát huy sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tại các khu bảo tồn, khu bảo vệ cảnh quan trên toàn tỉnh. Từng bước đưa công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học đi vào cuộc sống, hướng tới phát triển bền vững.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La đang tập trung nghiệm thu Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về môi trường và đa dạng sinh học. Với mục tiêu đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ vận hành, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Sơn La.

Đặc biệt, góp phần nâng cao năng lực quản lý môi trường trên cơ sở số hóa dữ liệu và tin học hóa các nghiệp vụ quản lý hồ sơ, dữ liệu môi trường bằng phần mềm công nghệ thông tin. Kết nối, chia sẻ dữ liệu môi trường tỉnh Sơn La với các hệ thống thông tin của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh và các hệ thống thông tin Quốc gia liên quan về tài nguyên, môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Chú trọng quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO