KT-XH 6 tháng có nhiều chuyển biến tích cực
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV nhằm đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018; đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Sơn La đã thống nhất ban hành 11 nghị quyết, gồm 3 nghị quyết về lĩnh vực kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung 1 nghị quyết; bãi bỏ 1 nghị quyết; 2 nghị quyết về hoạt động của HĐND tỉnh; 2 nghị quyết qua hoạt động giám sát về tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh; về giải pháp quản lý và thực hiện quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh và 2 nghị quyết về miễn nhiệm, bầu cử bổ sung chức danh Uỷ viên UBND tỉnh. HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 5 thành viên UBND tỉnh; giao Thường trực HĐND tỉnh chủ trì chất vấn 8 nội dung sau kỳ họp.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, tình hình chính trị - xã hội của tỉnh Sơn La ổn định, kinh tế phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,81%; thu ngân sách đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 6.776 tỷ đồng. Đã xuất khẩu được trên 61.000 tấn nông sản thực phẩm, giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đật 75 triệu USD. Thu hút được 41 dự án với số vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế tiếp tục có nhiều tiến bộ và chuyển biến tích cực. Quan tâm sắp xếp ổn định đời sống nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, các điểm bị ảnh hưởng lũ quét….
Trong các tháng cuối năm 2018, HĐND tỉnh Sơn La chỉ ra những vấn đề cần phải tập trung giải quyết, gồm: Kết quả huy động, thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; một số dự án thu hút đầu tư có tiến độ thực hiện còn chậm. Thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng trên địa bàn mặc dù tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2017, song tình trạng nợ thuế chưa được giải quyết triệt để, vẫn còn phát sinh nợ thuế mới. Công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi phục vụ xuất khẩu và chế biến còn nhiều hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục. Công tác giải quyết đơn thư của công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri và đối thoại trực tiếp với nhân dân còn hạn chế…
Quản lý đất đai còn nhiều hạn chế
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, trả lời cử tri về công tác rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, thực hiện Quyết định 3176/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch rà soát, kiểm tra đất đai với các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, 12/12 huyện, thành phố đã thành lập các tổ công tác rà soát đất của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tới nay, đã rà soát được 294/723 khu đất của các tổ chức, bằng 40% diện tích đất của các tổ chức đang hoạt động. Trong đó, số khu đất có vi phạm là 63 khu của 58 tổ chức. Tuy nhiên, 11/12 huyện, thành phố mới dừng ở công tác rà soát. Như vậy, việc rà soát của cấp huyện còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số khu đất ngành TN&MT đã phối hợp UBND cấp huyện kiểm tra, xác định vi phạm, có quyết định thu hồi đất, nhưng do các huyện chưa xử lý tài sản trên đất nên chưa đưa đất vào khai thác.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do UBND cấp huyện chưa thực sự tập trung rà soát, kiểm tra các khu đất đất của các doanh nghiệp. Các ban ngành của tỉnh chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại cấp huyện. Trách nhiệm chính là ngành TN&MT chưa thực sự sâu sát, chưa quyết liệt trong việc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định 3176/QĐ-UBND của UBND tỉnh; chưa dành nhiều thời gian để tháo gỡ khó khăn tại cơ sở.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát số doanh nghiệp còn lại, kiểm tra các khu đất có vi phạm theo quy định. Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc theo tiến độ đã đề ra, hàng tháng báo cáo kết quả với UBND tỉnh.
Về công tác quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, hàng năm, tỉnh Sơn La tiêu thụ khoảng 280 tấn thuốc BVTV. Vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng còn tồn dư thuốc BVTV, cùng với việc không thu gom hoặc thu gom không đúng sẽ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm cũng như ảnh hưởng sức khỏe con người.
Năm 2018, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã được giao chủ trì thực hiện thí điểm việc quản lý, thu gom bao gói thuốc BVTV, dự kiến xây dựng 242 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và thực hiện vận chuyển, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV.
Trong quá trình thực hiện, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Việc quy hoạch, đầu tư, bố trí các điểm thu gom, xử lý tiêu hủy trên địa bàn các huyện, thành phố chưa đồng bộ, chưa hiệu quả. Công nghệ xử lý chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân cũng như chưa có sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ cùng Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các ngành của các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, tránh lạm dụng, giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV cho người dân. Hướng dẫn xây dựng bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Sơ kết, đánh giá các mô hình xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các xã để làm cơ sở nhân rộng, thực hiện trong năm 2019. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kho lưu chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.