Sơn La: Chất lượng môi trường nước mặt nhiều nguy cơ ô nhiễm

28/05/2018 20:12

(TN&MT) - Nhằm đánh giá chất lượng nước mặt tại một số điểm có nguy cơ ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Sơn La, năm 2017, UBND tỉnh Sơn La đã giao Trung tâm Quan trắc TN&MT thực hiện quan trắc môi trường nước mặt (suối, ao, hồ) có nguy cơ ô nhiễm tại 5 huyện, thành phố từ tháng 8-11/2017.

Chất lượng nước suối Nậm La bị ô nhiễm bởi hoạt động thi công xây dựng cũng như nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của cộng đồng dân cư,
Chất lượng nước suối Nậm La bị ô nhiễm bởi hoạt động thi công xây dựng cũng như nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của cộng đồng dân cư, 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La cho biết: Triển khai nhiệm vụ trên, Trung tâm đã tiến hành quan trắc môi trường nước mặt tại 5 huyện, thành phố gồm: thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn, huyện Mộc Châu, huyện Thuận Châu, huyện Phù Yên, tại 27 điểm quan trắc, với 16 thông số quan trắc.

Kết quả quan trắc cho thấy, nước mặt trên địa bàn tỉnh Sơn La tại một vài vị trí đã có dấu hiệu ô nhiễm với một vài thông số cụ thể. Theo đó, thông số tổng chất rắn lơ lửng (TSS) có sự biến động lớn, một số điểm vượt giới hạn cho phép nhiều lần, đặc biệt tại các điểm trên suối Nậm La và Nậm Pàn. Nguyên nhân là do hoạt động thi công kè suối Nậm La, cộng thêm thời điểm quan trắc đợt 2 và đợt 3 (tháng 9-10/2017) là vào mùa mưa, đất đá bị rửa trôi cuốn theo dòng nước vào các hồ, suối trên địa bàn tỉnh, dẫn đến hàm lượng phù sa lớn làm gia tăng giá trị TSS trong nước mặt.

Thông số Ecoli cũng có sự biến động lớn giữa các vị trí và giữa các đợt quan trắc, cho thấy nước mặt trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bị ô nhiễm vi sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tiếp nhận chất thải sinh hoạt của khu dân cư và nước thải công nghiệp. Tại hầu hết các vị trí quan trắc đều có kết quả E.coli cao vượt giới hạn cho phép nhiều lần; đối với các vị trí là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho địa phương có diễn biến không ổn định qua các đợt quan trắc, tại các vị trí này phải thường xuyên quan trắc để có thể theo dõi chính xác chất lượng nước mặt.

Tại một số điểm cũng có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi chất dinh dưỡng (Amoni, Nitrit, Phosphat, Tổng dầu mỡ). Các vị trí vượt giới hạn cho phép đều là các vị trí có suối chảy qua các khu dân cư như thành phố Sơn La, thị trấn Hát Lót… Chất lượng nước bị ô nhiễm bởi hoạt động thi công xây dựng cũng như nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của cộng đồng dân cư, nước thải chế biến cà phê. Điển hình như suối Nậm La chảy qua thành phố Sơn La, suối Nậm Pàn chảy qua thị trấn Hát Lót (nguồn tiếp nhận nước thải của nhà máy Đường Mai Sơn, nhà máy Tinh bột sắn Mai Sơn), suối Nà Hà 1 (khu vực chiềng Mung, nơi tiếp nhận nước thải sơ chế cà phê của dân cư trong khu vực).

Một số vị trí quan trắc có kết quả kim loại nặng (Mangan, Sắt và Thủy ngân) trong nước mặt vượt giới hạn cho phép. Tuy nhiên kết quả quan trắc diễn biến không ổn định, cần tiếp tục theo dõi để đánh giá chính xác chất lượng nước.

Việc triển khai quan trắc một số điểm nước mặt là cơ sở xây dựng Đề án cải tạo, phục hồi môi trường đầu nguồn nước các ao, hồ, kênh, mương các khu vực bị lũ quét, ngập lụt.
Việc triển khai quan trắc một số điểm nước mặt là cơ sở xây dựng Đề án cải tạo, phục hồi môi trường đầu nguồn nước các ao, hồ, kênh, mương các khu vực bị lũ quét, ngập lụt.

Một số thông số khác như độ pH, oxy hòa tan, thông số oxy sinh học BOD5, hàm lượng COD… có diễn biến tương đối ổn định, không có sự chênh lệch nhiều giữa 4 đợt quan trắc và đều nằm trong giới hạn cho phép QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Bên cạnh đó, để đánh giá chính xác hiện trạng ô nhiễm tại các điểm quan trắc, Trung tâm Quan trắc TN&MT đã tham khảo cách tính chỉ số chất lượng nước (WQI) được hướng dẫn và ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TCMT của Tổng cục Môi trường để tính toán WQI cho các thông số: pH, DO, BOD5, COD, TSS, N-NH4+, P-PO43-, Coliform.

Kết quả, tại các vị trí quan trắc trên suối Nậm La chỉ số chất lượng nước có sự biến động lớn giữa các đợt quan trắc (đặc biệt tại các vị trí về phía cuối hạ lưu). Chỉ số chất lượng nước đợt 2 và 3 thấp, tương ứng nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý. Sang đợt quan trắc thứ 4, chất lượng nước mặt suối Nậm La được cải thiện hơn, nhưng nguồn nước chỉ đảm bảo sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Tại suối Nậm Pàn, chỉ số chất lượng nước đợt 2 cũng nằm trong khung nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý. Song ở 3 đợt còn lại, nước mặt suối Nậm Pàn có chất lượng khá tốt, đảm bảo sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.

Riêng các vị trí quan trắc hiện là điểm cấp nước sinh hoạt gồm, điểm trước trạm bơm nhà máy nước Mai Sơn, điểm cấp nước cho trạm cấp nước xã Chiềng Ly (huyện Thuận Châu), mó nước gần hang Dơi (huyện Mộc Châu) và hồ suối Chiếu (huyện Phù Yên) qua các đợt quan trắc đều có chỉ số chất lượng nước cao, cho thấy nguồn nước mặt có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Việc triển khai quan trắc chuyên đề với một số điểm nước mặt là nhằm theo dõi, giám sát môi trường nước mặt tại một số suối, ao, hồ trên địa bàn tỉnh, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường. Xác định những nguyên nhân và đưa ra những đề xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt. Từ đó, là cơ sở để xây dựng Đề án cải tạo, phục hồi môi trường đầu nguồn nước các ao, hồ, kênh, mương các khu vực bị lũ quét, ngập lụt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Chất lượng môi trường nước mặt nhiều nguy cơ ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO