Sớm ban hành hướng dẫn đầu tư công tư về xử lý chất thải rắn sinh hoạt
(TN&MT) - Để có cở sở xây dựng hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các hoạt động đầu tư đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Mới đây, cử tri tỉnh Đắk Lắk đã gửi đề nghị tới Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu sớm có hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định pháp luật; hướng dẫn về phương pháp, tiêu chí đánh giá để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công nghệ trong nước, công nghệ tiên tiến để áp dụng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường đã nêu rõ Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Việc lựa chọn chủ đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, xây dựng và đấu thầu theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với đơn vị có chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan rà soát các hoạt động đầu tư đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở xây dựng hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phương thức đối tác công tư, theo quy định của pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định rõ, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã; Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.