Sóc Trăng: Tích cực phòng chống thiên tai hướng đến phát triển bền vững
(TN&MT)- Các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và gây nhiều thiệt hại cho người dân tỉnh Sóc Trăng. Đứng trước thực tế này, các cấp chính quyền và người dân tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều giải pháp để ứng phó góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Người dân linh hoạt trong sản xuất
Trong thời gian gần đây, các hiện tượng cực đoan của BĐKH như sạt lở bờ sông, dông lốc, ngập lụt, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân cũng như các công trình đê, kè, giao thông. Theo dự báo từ ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, trong những tháng cuối năm 2023 đầu năm 2024, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có thể diễn biến khốc liệt hơn những năm trước do do ảnh hưởng của El Nino và lưu lượng nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công đổ về vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để chủ động ứng phó, người dân tỉnh Sóc Trăng đã và đang linh hoạt triển khai các giải pháp trong sản xuất để đảm bảo sinh kế.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiền, (ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách) cho biết: “Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian tới tình hình hạn, mặn có thể diễn biến khốc liệt như mùa khô năm 2015 - 2016. Để ứng phó mặn xâm nhập, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, ngay từ đầu tháng 9/2023 tôi đã tranh thủ gia cố bờ bao, nạo vét kênh, mương trữ nước; đồng thời sắm thêm các lu, khạp đựng nước mưa phục vụ sinh hoạt cho gia đình”.
Đề cập đến tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Hiền chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay, hầu như năm nào việc sản xuất của gia đình ông và người dân nơi đây cũng phải đối mặt với những khó khăn vì thiếu nước, mặn xâm nhập, nắng, mưa thất thường. Để đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình ông đã linh hoạt đa canh cây trồng trên đất lúa và không phụ thuộc vào một loại cây nào để hạn chế rủi ro; đồng thời đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sản xuất tiên tiến để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường.
Huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có diện tích tự nhiên hơn 23.600 ha, trong đó diện tích đất sản xuất lúa chiếm đa số với gần 16.320 ha. Đứng trước các hiện tượng thiên tai ngày càng phước tạp, khó lường, người dân huyện Châu Thành vừa chuyển đổi cây trồng, vừa tập trung đất đai sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với hệ thống bờ bao khép kín kết hợp các trạm bơm, trạm quan trắc nguồn nước. Chính từ sự chủ động, linh hoạt này đã giúp cho diện tích đất sản xuất luôn an toàn trước hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hướng đến thoát nghèo bền vững.
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, đến nay hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được đầu tư bờ bao khép kín; đồng thời tỉnh Sóc Trăng cũng đã đầu tư xây dựng các cống, lắp đặt trạm quan trắc độ mặn tự động ở một số tuyến sông, kênh rạch, qua đó giúp các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện chủ động đề ra các giải pháp phòng ngừa hạn hán, nước mặn xâm nhập, ngập lụt, bảo vệ an toàn diện tích cây trồng cho người dân.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Theo báo cáo từ ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, các hiện tượng thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm hư hại hơn 240 căn nhà, gần 1,8km đường đan, đê biển, bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái và 11ha lúa, cây màu của người dân. Ông Phạm Tấn Đạo, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Để giúp người dân thích ứng an toàn trước các loại hình thiên tai, yên tâm sản xuất cải thiện đời sống, những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư các công trình ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bằng hệ thống đê, kè, cống, âu thuyền; nạo vét kênh, rạch tạo nguồn giữ nước.
“Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản kiểm soát xâm nhập mặn phía quản lộ Phụng Hiệp thông qua hệ thống cống và âu thuyền, còn ở phía Nam sông Hậu tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án nâng cấp hơn 22,4 km đê biển và xây dựng mới 02 tuyến đê sông Cồn Tròn và Bến Bạ có chiều dài gần 40km thuộc huyện Cù Lao Dung; đồng thời xử lý sạt lở cấp bách dọc tuyến sông Rạch Vọp và khu vực ven biển; xây mới các cống, âu thuyền kiểm soát nguồn nước cho khu vực bờ nam sông Hậu thuộc các huyện Kế Sách, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu”- ông Phạm Tấn Đạo thông tin thêm.
Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đang tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động liên tục để kịp thời thông tin đến người dân về diễn biến xâm nhập mặn, độ mặn để giúp người dân chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước; đồng thời quy hoạch xây dựng các vùng chuyên trồng lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy hải sản tập trung quy mô lớn để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đảm bảo thu nhập, cải thiện đời sống hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng khu tái định cư để bố trí cho những hộ dân nằm trong vùng sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển vào ở; đầu tư đấu nối hệ thống đường ống dẫn nước đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, ven biển; đồng thời thường xuyên tổ chức duy tu, sửa chữa, gia cố đê bao ngăn lũ hiện có đảm bảo an toàn trong sản xuất, sinh hoạt của người dân.