Xã hội

Sóc Trăng: Chủ động ứng phó BĐKH hướng tới cuộc sống an toàn, bền vững

Lê Hùng 25/03/2024 - 20:50

(TN&MT)- Các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, dông lốc đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường và gây nhiều thiệt hại cho người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Để đảm bảo cuộc sống an toàn, bền vững cho người dân, tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án, mô hình ứng phó, thích ứng với BĐKH. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng.

PV: Ông có thể cho biết diễn biến các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra như thế nào trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua? Những thiệt hại do sạt lở, dông lốc, xâm nhập mặn, hạn hán,…để lại hậu quả như thế nàotrong những năm gần đây?

a1-gd-so-tn-mt-soc-trang.jpg
Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng

Ông Ngô Thái Chân:

Thực trạng thời tiết hiện nay diễn biến không theo quy luật, nắng mưa thất thường, tình hình thiên tai bão, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn,…ngày càng diễn ra gay gắt và gia tăng mức độ nguy hiểm; gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất, tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh.

Thống kê của các ngành, địa phương cho thấy, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ dông, lốc; 88 vụ sạt lở bờ bao, đê cồn, đê biển. Các vụ dông, lốc, sạt lở đã gây thiệt hại 276 căn nhà, hàng ngàn m2 đất, cây trồng,... của người dân bị mất, ước tổng thiệt hại hơn 40 tỉ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các hiện tượng cực đoan của BĐKH diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh gây nhiều khó khăn cho người dân ở một số huyện như Long Phú, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu,…trong việc lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất; tình trạng sạt lở bờ bao, đê cồn tại một số tuyến sông rạch và đê biển vẫn đang xảy ra.

a2-bdkh-st.jpg
Tỉnh sóc Trăng luôn quan tâm bảo vệ, phát triển diện tích rừng ven biển nhằm tạo vành đai chắn sóng, giảm nhẹ thiên tai; đồng thời tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng

PV: Trước tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các hành động nào để giúp người dân thích ứng an toàn với sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn?

Ông Ngô Thái Chân:

Để đảm bảo an toàn cho người dân trước các loại hình thiên tai, trong thời gian qua UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện các hoạt động ứng phó, thích ứng với BĐKH. Qua đó, hầu hết các nội dung trong chương trình, kế hoạch của địa phương về ứng phó, thích ứng với BĐKH đều có danh mục các đề tài, nhiệm vụ, dự án cụ thể làm cơ sở để thu hút, huy động các nguồn lực tài chính thực hiện các nhiệm vụ.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ, dự án thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh; đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai nhiều mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước; mô hình trồng mận xanh đường phủ lưới ứng dụng công nghệ tưới phun gốc điều khiển bằng thiết bị di động; nghiên cứu ảnh hưởng của các loại vật liệu túi bao trái và liều lượng phân Canxi Chlorua (CaCl2) đến chất lượng trái vú sữa tím nhằm góp phần phát triển vùng sản xuất cây ăn trái của tỉnh thích ứng tốt với BĐKH.

Tỉnh sóc Trăng cũng quan tâm bảo vệ và phát triển diện tích hệ thống rừng phòng hộ ven biển nhằm tạo vành đai chắn sóng, giảm nhẹ thiên tai; đồng thời tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng. Tính đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 10.245,87 ha diện tích rừng, trong đó rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển với diện tích hơn 6.800ha, tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2023 đạt 2,54%.

Song song với đó, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng góp phần tăng cường nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất; vận động doanh nghiệp, người dân quan tâm sử dụng năng lượng sạch.

Đến nay đã có trên 1.024 đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 89,4 MWp; thực hiện dự án lắp đặt thí điểm điện mặt trời áp mái tại trụ sở làm việc của 04 cơ quan nhà nước với tổng công suất là 60 KW; thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công nghệ giảm lượng phát thải khí nhà kính, hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất theo công nghệ sạch, ít các-bon.

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng tập trung phổ biến rộng rãi công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân vô cơ; nghiên cứu, hợp tác xây dựng các mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; lồng ghép thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, thông qua đó để phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

a3-bdkh-soc-tranng.jpg
Tỉnh Sốc Trăng đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân thích ứng hiệu quả với BĐKH, đảm bảo cuộc sống an toàn, bền vững

PV: Vậy để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, thích ứng BĐKH, tỉnh Sóc Trăng, đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?

Ông Ngô Thái Chân:

Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng đang triển khai thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” dự án được triển khai thực hiện trong 2 năm (năm 2023, 2024) với mục tiêu dự án làm rõ đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, hiện trạng tai biến địa chất và phân bố dân cư, công trình hạ tầng dọc theo các tuyến sông chính; điều tra, đáng giá diễn biến dòng chảy các sông chính; điều tra, đánh giá hiện trạng bồi lắng, xói lở lòng bờ, bãi sông trên các sông chính để đề xuất các giải pháp quản lý, phòng ngừa, ứng phó hiện trạng sạt lở lòng bờ, bãi sông, xói lở bờ biển, đảm bảo an toàn cho người dân ven sông, ven biển.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đã và đang xây dựng các tyến đê sông, đê biển, cống ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn sóng để phòng, chống xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường vận động nhân dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở do địa chất nền để tránh thiệt hại về người và tài sản.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở để kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh có biện pháp xử lý; đồng thời triển khai thực hiện các dự án tái định cư để di dời, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở, xâm nhập mặn.

Để giúp người dân thích ứng an toàn, bền vững trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở... đang ngày càng gia tăng, tỉnh Sóc Trăng mong muốn trong thời gian tới các Bộ, Ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện những công trình, dự án trọng điểm về ứng phó với BĐKH, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển cũng như các chương trình, dự án tạo sinh kế bền vững cho người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Chủ động ứng phó BĐKH hướng tới cuộc sống an toàn, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO