Sóc Trăng: Chủ động ứng BĐKH góp phần giảm nghèo bền vững
(TN&MT)- Trong thời gian qua, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án để ứng phó với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ứng phó xâm nhập mặn, nước biển dâng
Huyện Châu Thành có tổng diện tích tự nhiên hơn 23.600 ha, trong đó đất sản xuất lúa, trồng cây ăn trái, rau màu chiếm đa số với hơn 19.880ha. Cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Sóc Trăng, trong những năm gần đây, các yếu tố cực đoan của BĐKH như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Châu Thành, trong đó nặng nề nhất là sản xuất nông nghiệp của người dân.
Để giúp người dân chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, khai thác hiệu quả đất đai góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thời gian qua huyện Châu Thành một mặt tập trung tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, an toàn, bền vững thông qua việc triển khai các mô hình sản xuất lúa an toàn, sản xuất lúa hữu cơ; xây dựng cánh đồng sản xuất thông minh, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; mặt khác huy động các nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án bờ bao kết hợp với trạm bơm khép kín để bảo vệ các vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái, rau mau quy mô lớn; đồng thời thường xuyên quan tâm nạo vét khơi thông các tuyến sông, kênh rạch đảm bảo tích trữ nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, đến nay hầu hết các vùng sản xuất lúa, rau màu, cây an trái có quy mô lớn ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã được đầu tư hệ thống bờ bao khép kín; đồng thời tại các sông, kênh rạch tiếp giáp với huyện Kế Sách đều đã xây dựng các cống, trạm quan trắc độ mặn để phòng ngừa nước mặn xâm nhập vào từ biển Đông, bảo vệ an toàn diện tích cây trồng cho người dân.
Khoảng 6 năm gần đây, hoạt động sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Phước An (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) luôn đạt hiệu quả vì toàn bộ 523 ha đất trồng lúa của hợp tác xã đã được bao bọc bởi hệ thống bờ bao khép kín kết hợp với các cống ngăn mặn, máy bơm nước, trạm đo mặn tự động bảo đảm an toàn trong sản xuất của người dân trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng ngày càng gia tăng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lâm Phương Tùng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phước An cho biết: “Trong thời gian qua với sự quan tâm đầu tư các công trình, dự án của tỉnh, huyện mà toàn bộ diện tích đất sản xuất của 295 xã viên của Hợp tác xã luôn an toàn trước các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, qua đó không chỉ giúp các xã viên yên tâm sản xuất mà còn giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hướng đến thoát nghèo bền vững”.
Góp phần giảm nghèo bền vững
Theo ông Lâm Phương Tùng, vào thời điểm mới thành lập (năm 2015) đời sống của phần lớn xã viên đều khó khăn, trong đó có nhiều xã viên thuộc diện nghèo, cận nghèo của xã Phú Tân. Tuy nhiên, chỉ sau 8 năm, hoạt động sản xuất lúa của HTX Nông nghiệp Phước An đã giúp cho nhiều xã viên thoát nghèo bền vững. Tính đến tháng 6/2023, tất cả các xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú An có mức sống từ trung bình khá trở lên, không còn trường hợp này thuộc diện nghèo của xã.
Là xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Phước An, ông Nguyễn Văn Buôl cho biết: Mặc dù gia đình ông có tổng cộng 6 công đất chuyên trồng lúa nước, nhưng vì trước đây thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn nên đời sống hàng ngày luôn gặp khó khăn. Tuy nhiên, “Kể từ khi vào Hợp tác xã Nông nghiệp Phước An (năm 2016) việc sản xuất của gia đình tôi gặp nhiều thuận lợi vì sản xuất lúa theo hình thức tập trung, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra; đồng thời xung quanh ruộng đã có hệ thống bờ bao, cống bọng, trạm quan trắc độ mặn, từ đó giúp cho đời sống của gia đình tôi không ngừng nâng lên, mỗi năm trừ đi các khoản chi phí cùng còn lời vài chục triệu đồng, cao hơn nhiều so với thời điểm chưa vào hợp tác xã”.
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Chủ tịch xã Phú Tân cho biết: “Xã Phú Tân là địa phương còn nhiều khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với hơn 4.280 hộ, chiếm trên 70% tổng dân số toàn xã. Trong thời gian qua, hoạt động sản xuất hiệu quả của Hợp tác xã Nông nghiệp Phước An đã góp phần quan trọng mang lại đời sống ấm no cho nhiều gia đình, từ đó từng bước kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã. Không chỉ thế, phương thức canh tác “3 giảm 3 tăng” hay “1 phải 5 giảm” tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phước An còn góp phần hạn chế ô nhiễm đất, nước, không khí, bảo vệ môi trường trên đồng rộng”.
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, hiện nay xã Phú Tân còn 210 hộ nghèo và 150 hộ cận nghèo. Trong năm 2023 xã đặt mục tiêu giúp khoảng 90 hộ thoát nghèo. Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian tới xã Phú Tân sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn; thường xuyên gia cố các công trình thủy lợi nội đồng để chủ động ứng phó với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.