Xã hội

Sóc Trăng: Chủ động thích ứng BĐKH hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững

Lê Hùng 07/08/2023 - 23:46

(TN&MT) - Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung triển khai các giải pháp ứng phó, thích ứng với sạt lở, xâm nhập mặn, dông lốc, ngập lụt… góp phần đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững. Xung quan vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tấn Đạo, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh Sóc Trăng.

a1-bdkh-soc-trang.jpg
Ông Phạm Tấn Đạo, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Sóc Trăng

PV: Ông có thể cho biết, các hiện tượng cực đoan của BĐKH như sạt lở, dông lốc, xâm nhập mặn,…đã diễn ra như thế nào trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua?

Ông Phạm Tấn Đạo:

Các loại hình thiên tai như sạt lở bờ sông, dông lốc, ngập lụt, xâm nhập mặn đang xảy ra thường xuyên hàng năm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và các công trình của Nhà nước. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, dông lốc xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây hư hại 241 căn nhà và gần 11 ha lúa và cây ăn trái của người dân ở các huyện Châu Thành, Kế Sách, Long Phú.

Bên cạnh đó, trong khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng hơn, riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 84 đoạn sạt lở bờ bao, đường đan, đê biển với tổng chiều dài gần 1,8km, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Kế Sách, huyện Cù Lao Dung. Các vụ sạt lở không chỉ làm mất vĩnh viễn hàng chục ha đất, gây hư hỏng nhiều căn nhà của người dân mà còn phá huy nhiều đoạn đường giao thông nông thôn.

Cùng với đó, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô tuy không còn gây thiệt hại nặng nề như những năm trước đây, song cũng đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái của người dân tại các huyện Kế Sách, Trần Đề; đồng thời vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, triều cường dâng cao cũng làm cho khu vực đô thị, ven biển tại nhiều huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt gây hư hỏng đường xá, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

a2-bdkh-soc-trang.jpg
Các loại thiên tai đang gây nhiều thiệt hại về đất đai, nhà cửa,… cho người dân tỉnh Sóc Trăng

PV: Công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân trước các loại thiên tai đang được tỉnh Sóc Trăng thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Đạo:

Trong thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp gián tiếp để giúp người dân yên tâm sản xuất bằng việc đầu tư xây dựng các công trình để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bằng hệ thống đê kè, cống, âu thuyền; tổ chức nạo vét hàng ngàn km kênh rạch tạo nguồn giữ nước phục vụ phát triển sản xuất. Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản kiểm soát được tình trạng xâm nhập mặn phía quản lộ Phụng Hiệp thông qua hệ thống cống và âu thuyền Ninh Quới, còn ở phía nam sông Hậu, Trung ương hỗ trợ tỉnh cũng đã triển khai một số công trình đê kè, cống dọc theo các tuyến sông lớn và ven biển để ứng phó với sạt lở, xâm nhập mặn bảo vệ nhà cửa, diện tích rau màu, cây ăn trái của người dân các huyện Kế Sách, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu.

Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tập trung đầu tư, gia cố 714 nhà sinh hoạt cộng đồng và 426 trường học, nhà văn hóa, chùa để làm nơi tránh trú bão, lũ an toàn cho người dân; đồng thời đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động liên tục để kịp thời thông tin đến người dân về diễn biến hạn, mặn, độ mặn giúp bà con chủ động nuôi trồng cây con phù hợp với điều kiện nguồn nước; quy hoạch xây dựng các vùng chuyên trồng lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy hải sản tập trung để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; đảm bảo thu nhập, cải thiện đời sống.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đã kịp thời triển khai công tác hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân bị thiệt hại về tài sản do sạt lở, dông lốc gây ra. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 1,48 tỷ cho 64 hộ dân bị thiệt hại do thiên tai giúp họ có điều kiện làm lại nhà ở kiên cố đảm bảo an toàn; cấp 21 nền tại các khu tái định cư cho những hộ dân nằm trong khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạn lở vào cất nhà ở; đồng thời hiện các cơ quan, đơn vị chức năng cũng đang tiếp tục xem xét để hỗ trợ hơn 840 triệu cho 34 hộ dân mới bị thiệt hại do dông lốc, sạt lở những tháng gần đây.

Song song với đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tăng cường thông tin đến người dân về diễn biến mặn xâm nhập, độ mặn để chủ động nuôi trồng cây con cho phù hợp với nguồn nước; đồng thời triển khai các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên trồng lúa, rau màu, nuôi trồng thủy hải sản để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đảm bảo thu nhập góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.

a3-bdkh-soc-trang.jpg
Sóc Trăng đang triển khai xây dựng nhiều tuyến đê, kè, cống kiên cố góp phần ứng phó hiệu quả với sạt lở, triều cường

PV: Thưa ông, để chủ động ứng phó với BĐKH góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì?

Ông Phạm Tấn Đạo:

Nhằm nâng cao năng lực ứng phó với sạt lở, xâm nhập mặn, ngập lụt, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án nâng cấp hơn 22,4 km đê biển và xây dựng mới 02 tuyến đê sông Cồn Tròn và Bến Bạ có chiều dài gần 40km thuộc địa bàn huyện Cù Lao Dung; đồng thời tỉnh cũng triển khai dự án xử lý sạt lở cấp bách dọc tuyến sông Rạch Vọp (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách) và khu vực ven biển (xã Lai Hòa, TX. Vĩnh Châu); xây mới các cống và âu thuyền Rạch Mọp để kiểm soát nguồn nước cho khu vực bờ nam sông Hậu bảo vệ diện tích trồng cây ăn trái ở các huyện Kế Sách, Trần Đề.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng khu tái định cư ở huyện Cù Lao Dung và huyện Kế Sách để bố trí cho những hộ dân nằm trong vùng sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển vào ở; đồng thời tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường ống đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, ven biển.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tập trung huy động mọi nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê bao ngăn lũ; quy hoạch các vùng sản xuất quy mô lớn và phù hợp với điều kiện nguồn nước; hỗ trợ thông tin đến người dân về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường để chủ động ứng phó; đồng thời hướng dẫn người dân thích ứng, sống chung với xâm nhập mặn, tận dụng nước mặn để nuôi trồng thủy hải sản góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện thu nhập gia đình.

Ngoài ra, tỉnh Sóc trăng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng phó hiệu quả với sạt lở, dông lốc, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản trước các loại hình thiên tai hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Chủ động thích ứng BĐKH hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO