Sóc Sơn (Hà Nội): Người dân xã Tiên Dược sống cùng ô nhiễm hơn 10 năm

16/10/2016 00:00

(TN&MT) - Hơn chục năm nay, gần 17.000 hộ dân của xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn – Hà Nội) phải sống chung với ô nhiễm môi trường do quá trình hoạt động của hàng chục cơ sở sản xuất tái chế hạt nhựa, giặt bao tải, sản xuất gioăng kính. Các cơ sở sản xuất này hoạt động từ năm 2004 và tập trung chủ yếu ở thôn Dược Hạ (xã Tiên Dược). Mục sở thị cơ sở sản xuất của ông Lê Văn Hoan (thôn Dược Hạ), nhóm phóng viên nhận thấy phản ánh của người dân là có thật. Tiếng ồn inh ỏi từ các máy sản xuất và quá trình đốt nhựa tạo ra lượng khói khổng lồ dù đã thoát qua ống khói bay lên cao nhưng mùi khét vẫn nồng nặc. Anh Nguyễn Văn Đức (thôn Dược Hạ - xã Tiên Dược) cho biết: Dù nhà anh cách một hộ nấu nhựa gần nhất khoảng 300 mét nhưng mỗi khi hộ gia đình này đốt nhựa, mùi khét lẹt bao trùm cả khu dân cư. Đặc biệt, mỗi khi đêm về, nếu ngủ trên tầng mà không đóng kín cửa, nhà anh sẽ nồng nặc mùi nhựa đốt, ngột ngạt vô cùng!

Mặc dù một số cơ sở sản xuất lắp ống khói nhưng mùi khét nồng nặc vẫn bao trùm khu dân cư
Mặc dù một số cơ sở sản xuất lắp ống khói nhưng mùi khét nồng nặc vẫn bao trùm khu dân cư

Sống trong ngôi nhà đối diện với một hộ giặt tải bao xác rắn, ông Hoàng Văn Bảo (Khu Cây Xanh – thôn Dược Hạ - xã Tiên Dược) bức xúc cho biết: “Do hoạt động sản xuất của hộ gia đình này nên nhà ông luôn phải sống trong ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Khói bụi bay vào nhà thường xuyên nên dù có quét nhà, lau nhà đến 3 lần một ngày cũng không sạch được! Riêng những cơ sở sản xuất tái chế hạt nhựa, sản xuất gioăng kính, gây ra mùi khét như nhựa cháy, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người dân”.

Qua tìm hiểu, được biết, các cơ sở sản xuất thu gom mua vỏ bao xi măng về thuê nhân công bóc giấy xi măng riêng và bao xác rắn (bao tải bằng sợi polieste, còn gọi bao dứa) riêng. Khi bóc riêng xong, phần giấy xi măng được sơ chế ép thành bìa, còn phần bao xác rắn được đem đi cho vào máy giặt tải, để giặt được như vậy mỗi xưởng khoan ít nhất 1 – 2 giếng khoan, sau đó, bơm hút trực tiếp xả vào máy quay (máy giặt tải), dẫn đến việc người dân khu vực thiếu nước sinh hoạt, điện sinh hoạt không ổn định.

Ngoài ra, nước thải của máy giặt tải thải trực tiếp qua hệ thống thoát nước của địa phương (không qua xử lý) nên sau mỗi trận mưa khoảng 50 mm là cả khu bị ngập nước, nước tràn vào nhà ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân, đường quốc lộ 3 bị ngập, các phương tiện lưu thông khó khăn và nguy hiểm.

Theo các hộ dân ở Khu Cây Xanh, bao xác rắn được giặt sạch, phơi khô, đóng thành bó và bán cho các xưởng nấu nhựa gần đó. Từ đây, các xưởng nấu nhựa cho vào lò đốt bao xác rắn sơ chế thành nhựa, khí đốt, thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hầu hết các hộ dân đều chia sẻ: Tình trạng ô nhiễm trầm trọng diễn ra đã lâu và chính quyền địa phương xã, huyện cũng đã họp bàn nhiều lần nhưng vẫn không có phương án xử lý triệt để.

Một cơ sở sản xuất giặt bao tải tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược

 

 

Một cơ sở sản xuất giặt bao tải tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược gây ô nhiễm nguồn nước, thậm chí gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân trong khu vực

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Năng – Chủ tịch UBND xã Tiên Dược cho biết: Năm 2004, trên địa bàn xã Tiên Dược bắt đầu xuất hiện các hộ làm nghề giặt bao tải, tái chế nhựa và ngày càng mở rộng. Hiện nay, toàn xã có khoảng 85 hộ làm nghề này. Các hộ sản xuất nhiều lần đề nghị thành lập làng nghề nhưng quan điểm của xã, huyện từ trước đến nay đều không đồng ý với chủ trương này bởi những tác động, ảnh hưởng đến môi trường phát sinh từ nghề này rất lớn.

Theo ông Dương Văn Năng, các hộ giặt bao tải hàng ngày thải ra môi trường lượng nước thải rất lớn không qua xử lý; trong khi khí thải phát sinh trong quá trình nấu nhựa vô cùng độc hại; tiếng ồn từ việc sản xuất…cảm quan cũng có thể nhận thấy được. Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân tự dỡ bỏ sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp; tổ chức cưỡng chế…

q
Ông Dương Văn Năng – Chủ tịch UBND xã Tiên Dược trao đổi với nhóm phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường

Mặc dù vậy, sau gần 12 năm “tự phát”, hoạt động giặt tải, tái chế nhựa vẫn diễn ra, thậm chí ngày càng phát triển. Lý giải nguyên nhân chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này, vị chủ tịch xã Tiên Dược thừa nhận: “Do sự vào cuộc của các cấp, các ngành như công an, tư pháp, thanh tra, điện lực không đồng bộ…”.

Cũng theo ông Dương Văn Năng, trước thực trạng hoạt động giặt bao tải, tái chế nhựa của 85 cơ sở trên địa bàn xã Tân Dược có phát sinh khí thải, nước thải, rác thải, tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho nhân dân; ngày 9/9/2016 UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản số 1431/UBND – TNMT chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường tại xã Tiên Dược. Ngày 13/10/2016, UBND xã Tiên Dược đã tổ chức hội nghị về chủ trương thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, lên phương án tổ chức cưỡng chế, xử lý những tồn tại về môi trường do 85 cơ sở giặt bao tải, tái chế nhựa gây ra.

Hy vọng rằng, UBND huyện Sóc Sơn và UBND xã Tiên Dược sẽ phối hợp “đồng bộ” và khẩn trương thực hiện các phương án để xử lý dứt điểm hoạt động của các cơ sở giặt bao tải, tái chế nhựa trên địa bàn.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Bài & ảnh: Mai Đan – Tuyết Chinh
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn (Hà Nội): Người dân xã Tiên Dược sống cùng ô nhiễm hơn 10 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO