Sóc Sơn-Hà Nội: Dự án 'ngâm' mười năm, dân sống dở chết dở

29/07/2018 11:52

(TN&MT) – Dự án đường nối Quốc lộ 3 – cụm Công nghiệp tập trung Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chậm trễ trong 10 năm qua, chưa đền bù hỗ trợ cho người dân gây...

(TN&MT) – Dự án đường nối Quốc lộ 3 – cụm Công nghiệp tập trung Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chậm trễ trong 10 năm qua, chưa đền bù hỗ trợ cho người dân gây bức xúc cho nhiều người dân ở đây.

Người dân ở xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) phản ánh với Báo Tài nguyên & Môi trường về việc dự án xây dựng đường nối Quốc lộ 3 đến cụm Công nghiệp tập trung Sóc Sơn thực hiện gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa xong. Việc giải tỏa, đền bù cho người dân cũng không thỏa đáng khiến họ sống dở chết dở.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Hạnh (ở thôn Hương Đình Đông, xã Mai Đình) cho biết, 10 năm rồi mà con đường vẫn nằm dở dang, trong khi nhiều nhà dân ở đây đi không được ở không xong. Suốt thời gian dài, đường không thấy làm, nhà của họ vẫn ở đó mà không được xây dựng, cũng không thấy có chính sách đền bù thỏa đáng. Không những vậy, giá cả đền bù cùng một khu vực lại chỗ cao chỗ thấp rất khó hiểu.

Bà Hạnh cho hay, chính quyền địa phương đo đạc kiểm đếm rồi ra giá đền bù chứ không hề có thông báo cụ thể nào về dự án. Đến nay dân cũng chỉ biết đó là dự án đường nối Quốc lộ 3 đến cụm Công nghiệp tập trung Sóc Sơn. Theo đó, cùng một khu đất, nhưng lại có giá khác nhau. Có mảnh đền bù 3.6 triệu đồng/m2, mảnh bên cạnh lại 4,17 triệu đồng/m2. Người dân khiếu nại nhiều lần nhưng chính quyền địa phương cung không đưa ra lời giải thích nào rõ ràng.  
37945966 1735596423156660 8657336493028671488 n
Nhiều năm qua, bà Hạnh và các con sống trong căn nhà lụp xụp vì xây không được, ở không xong.

Bà Hạnh cho rằng, việc đo đạc, kiểm đếm, đền bù và giải tỏa các hộ dân phải thực hiện phải đúng quy định và phải áp đơn giá đền bù theo giá tại thời điểm nhận tiền đền bù là 100% giá trị của tài sản trên đất theo quy định của TP Hà Nội.

Theo người dân ở đây, giá đền bù như vậy là quá rẻ mạt trong khi gia đình họ gồm nhiều thành viên, sinh sống nhiều thế hệ ở đây. Nay nhận tiền đền bù rồi không biết có kiếm nổi đất chỗ khác mà ở hay không.

Càng bức xúc hơn, dự án kéo dài 10 năm qua chưa xử lý đền bù cho người dân, khiến người dân khóc dở, mếu dở vì dự án cứ chờ đợi. Nhà người dân xuống cấp trầm trọng nhưng không được xây dựng mới, đã có ngôi nhà sập xuống nhưng cũng không được xây dựng lại. Có những ngôi nhà mưa dột trong ngày mưa bão những cũng không được sửa sang. Trong khi, khu tái định cư vẫn chưa thấy đâu để người dân di chuyển sang nơi ở mới.
37921408 2100608370150861 9196855823597305856 n
Xe taxi vô tư đứn giữ đường bắt khách

Việc quy đất tái định cư ở đâu cũng khiến nhiều người lo lắng. Một số hộ dân bức xúc và thắc mắc nhưng chưa có được câu trả lời thỏa đáng rằng: “Nếu đền bù 3.6 triệu đồng/m2 đất thì làm sao mua được đất nơi ở mới. Đất tái định cư với giá 10 triệu đồng/m2 thì làm thế nào. Điều này là không hợp lý và không thể mua được”.

Hơn nữa, theo họ, chuyện công ăn việc làm sau khi dời đi cũng là điều đáng lo ngại với nhiều người. 30 hộ dân bị thu hồi đất trong dự án này, trong đó có tới 12 hộ dân có 100% diện tích đất và tài sản nằm hoàn toàn trong dự án. Trong khi đó, nhiều hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, dựa vào đất để sản xuất là chính.

Chia sẻ với PV, các hộ dân mong muốn việc thu hồi đất phải được thông báo công khai, rộng rãi và cụ thể để việc thu hồi diễn ra thuận lợi để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân liên quan trong dự án.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Khoa (Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình) cho biết, dự án này được triển khai từ năm 2009, do UBND huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư và giao cho Ban Quản lý dự án huyện Sóc Sơn thực hiện. Việc dự án chậm trễ, kéo dài thời gian đền bù giải phóng mặt bằng thì người dân là người chịu thiệt thòi. Điều này, chính quyền xã cũng rất thấu hiểu và chia sẻ. Nhiều hộ dân nhà xuống cấp nhưng nằm trong dự án nên không thể xây dựng. Xã cũng mong muốn giải quyết sớm cho người dân.

"Nếu cứ để nhà dân như vậy, lỡ xảy ra sự cố mưa bão sập nhà, tai nạn, thì trách nhiệm chính lại là UBND xã giải quyết." - Ông Khoa nói.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, ông không nắm được thông tin cụ thể về tiến độ và các vấn đề vướng mắc liên quan dự án này. Vì thời điểm dự án thực hiện, ông Thắng (chủ tịch xã) là người tham gia giải quyết và nắm rõ nhất. Tuy nhiên ông Thắng đang bận việc riêng nên sẽ làm việc cụ thể sau.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn-Hà Nội: Dự án 'ngâm' mười năm, dân sống dở chết dở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO