Chiều 8/3, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Ngọc Huấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hoạch chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị có sự tham dự của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội- Hội đồng Nhân dân tỉnh; Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Thường trực UBMTTQ tỉnh tham dự Hội nghị.
Về phía Sở TN&MT Hà Tĩnh có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Sở; Các phòng, đơn vị trực thuộc Sở TN&MT; Trưởng Phòng TN&MT các huyện, thành phố, thị xã.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Huấn- Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, không gian phát triển và nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Những hạn chế, bất cập đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ thay đổi trong các mối quan hệ kinh tế, xã hội và từ chính một số quy định của Luật Đất đai hiện hành còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu chặt chẽ.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, thể chế bổ sung các chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà; khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân , tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách bình đẳng, minh bạch và phát huy tối đa nguồn lực đất đai là hết sức cần thiết.
Bởi vậy, việc lấy ý kiến của Nhân dân đối với bản dự thảo có tầm quan trọng rất lớn với mục đích để các quy định trong dự thảo Luật phải bám sát, phù hợp với thị trường, gỡ bỏ được các vướng mắc, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.
Trước các đại biểu tham dự, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho rằng: Chúng ta vừa là đại diện nhưng cũng chính là người trực tiếp tham gia mang yếu tố chuyên môn, lĩnh vực phụ trách. Vì vậy, yêu cầu, các ý kiến phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, mang tính chuyên sâu, cụ thể và bám sát thực tiễn.
Từ thực tiễn này, Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, các nội dung tham gia ý kiến chủ yếu liên quan đến các vấn đề: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường hỗ trợ tái định cư; bảng giá đất; các trường hợp nhận chuyển nhượng (thỏa thuận) để chuyển mục đích sử dụng đất; trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh…
Về dự và phát biểu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá, đây là dự án Luật có quy mô lớn, phạm vi tác động đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức, nhiều cấp, ngành; Có rất nhiều quy định ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân. Người dân, doanh nghiệp và các địa phương chính là những đối tượng thực thi và sẽ chịu tác động trực tiếp từ các thay đổi trong Luật Đất đai.
Ghi nhận tại Hội nghị, ông Trần Đình Gia đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, và chất lượng chuyên môn cao của các đại biểu tham dự hội nghị do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Những ý kiến đóng góp thể hiện được tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm và bám sát thực tế với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Kết luận Hội nghị, ông Lê Ngọc Huấn- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh tiếp thu, chỉ đạo bộ phận chuyên môn tổng hợp hoàn chỉnh các ý kiến. Đồng thời, đề nghị các địa phương, mà trực tiếp là các Phòng TNMT các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục chủ động phối hợp, nghiên cứu các ý kiến đóng góp từ cơ sở, tổng hợp bằng văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời gian đã ấn định (trước ngày 10/3), góp phần hoàn chỉnh các ý kiến đóng góp để gửi cơ quan cấp trên theo yêu cầu.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều quy định về: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; chế độ sử dụng các loại đất…