Siết chặt quản lý môi trường trong khai thác khoáng sản

Mai Đan| 10/03/2022 09:09

(TN&MT) - Những năm qua, công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực. Các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị khai thác đã cơ bản tuân thủ quy định của Nhà nước về BVMT, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp, trong đó có các đơn vị khai thác mỏ đá vi phạm quy định về quản lý môi trường trong khai thác.

Kiểm tra hồ sơ, thực địa các mỏ khoáng sản

Theo Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), để đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị khai thác cần có: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)/ Phương án BVMT/ Đề án BVMT/ Kế hoạch BVMT; dự án cải tạo phục hồi môi trường; xác nhận việc hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành dự án (nếu có); niêm yết, công khai kế hoạch BVMT tại mỏ và địa phương; báo cáo quan trắc, giám sát môi trường (tần suất, kết quả lấy và phân tích mẫu,…); ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường (số tiền phải nộp, đã nộp hàng năm lũy kế đến thời điểm kiểm tra).

Ngoài ra, các đơn vị cũng cần có các hồ sơ khác như: Phí BVMT (số tiền phải nộp, đã nộp hàng năm lũy kế đến thời điểm kiểm tra); thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt; thu gom quản lý chất thải nguy hại (Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Hợp đồng vận chuyển, xử lý; Báo cáo việc quản lý chất thải nguy hại định kỳ,…); các thông tin về hệ thống, công trình, thiết bị và quy trình vận hành để xử lý chất thải các loại đã cam kết theo quy định (nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại,...); lập kế hoạch quản lý môi trường của dự án; các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…

t11.jpg

Tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản sẽ bảo vệ môi trường.

Hàng năm, bên cạnh việc kiểm tra hồ sơ, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc tiến hành kiểm tra thực địa đối với các tổ chức, doanh nghiệp và đơn vị khai thác khoáng sản, cụ thể, kiểm tra công trình BVMT, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong phạm vi khu vực khai thác theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt/ Phương án BVMT đã được xác nhận đăng ký.

Cục cũng kiểm tra sự phù hợp giữa thiết kế và thực tế xây dựng, quy trình vận hành của các công trình BVMT. Qua đó, đánh giá kết quả hoạt động của công trình; đánh giá biện pháp xử lý chất thải (gồm: nước thải, khí thải và chất thải rắn, chất thải nguy hại,...) theo các nội dung mà doanh nghiệp đã cam kết. Cụ thể, kiểm tra kết quả thực hiện tại các công trình BVMT, tại các khu vực moong khai thác, công trường khai thác, bãi thải, kho chứa chất thải nguy hại, các hồ lắng, khu vực quặng thải, quặng đuôi (nếu có)...

Đồng thời, kiểm tra hiện trạng việc đổ bùn thải của hoạt động tuyển và làm giàu quặng, bùn thải của hệ thống xử lý chất thải (nếu có); xác định mức độ phù hợp của quá trình đổ thải với các quy định hiện hành; thu thập các thông tin (hình ảnh, video) tại các vị trí đã kiểm tra, nhất là các vị trí có dấu hiệu vi phạm.

Xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm

Trong năm 2021, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và BVMT trong khai thác khoáng sản tại 2 tỉnh Phú Thọ và Sơn La. Tại Phú Thọ, có 6 mỏ đá, gồm 5 mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng của Công ty CP Xi măng Phú Thọ, Công ty CP Xi măng Sông Thao; 1 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.

Tại tỉnh Sơn La, có 6 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường của Hợp tác xã Tổ hợp sản xuất khai thác đá Đức Hiền, Công ty TNHH sản xuất vật liệu và xây dựng Hùng An Mai, Công ty CP xây dựng Trường Giang, Công ty CP đầu tư và xây dựng CHĐ, Công ty TNHH một thành viên Hữu Hảo Tây Bắc, Chi nhánh Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại Xuân Hùng tại Sơn La.

Trong quá trình kiểm tra một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên, đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình khai thác. Cụ thể, các công ty này chưa thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; chưa thực hiện Chương trình giám sát môi trường theo ĐTM đã được phê duyệt; chưa thực hiện xây dựng công trình BVMT theo Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; chưa lập Phương án phòng ngừa, ứng cứu khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người và tài sản; chưa có Báo cáo công tác BVMT; chưa lập Kế hoạch quản lý môi trường của dự án; lấy và phân tích mẫu quan trắc môi trường không đầy đủ số lượng theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt; chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình BVMT trong giai đoạn vận hành Dự án; thực hiện quan trắc môi trường chưa đủ tần suất theo quy định; nộp phí BVMT chưa đầy đủ...

Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đã báo cáo để Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT có công văn đề nghị UBND tỉnh Sơn La, Phú Thọ chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan tiếp tục xem xét xử lý theo quy định.

Đồng thời, gửi Thông báo đến từng tổ chức yêu cầu khắc phục các tồn tại, vi phạm và thực hiện đúng nội dung Giấy phép khai thác được cấp, thiết kế mỏ được phê duyệt, khai thác phải đảm bảo an toàn, môi trường; gửi văn bản để UBND các tỉnh có liên quan đôn đốc các tổ chức thực hiện, nhằm hoàn thiện công tác BVMT trong quá trình khai thác khoáng sản.

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản nói chung và quản lý, khai thác, sử dụng đá vôi nói riêng, đưa hoạt động khai thác, sử dụng đá vôi vào nền nếp, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn tài nguyên khoáng sản này, trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các Bộ, ngành, liên quan, UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện cũng như đề xuất cơ chế, chính sách để quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý môi trường trong khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO