Tài nguyên

Siết chặt quản lý khai thác cát, sỏi ở Quảng Trị - Bài 2: Tháo gỡ những tồn tại

Văn Dinh - Đà Hải 14/09/2023 09:41

(TN&MT) - Các ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn, qua đó hạn chế tình trạng kinh doanh, vận chuyển và khai thác cát trái phép, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tìm hiểu công tác bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên cát, sỏi trên sông Thạch Hãn đoạn đi qua huyện Triệu Phong hay thị xã Quảng Trị, PV ghi nhận được sự chuyển biến ngày càng rõ nét. Các mỏ cát, sỏi được cấp phép như Lý Len, Nguyên Hà… cơ bản tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Ngọc Hải, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lý Len cho rằng, là doanh nghiệp khai thác và kinh doanh cát, sỏi đóng trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị đã triển khai khá hiệu quả các quy định liên quan đến quản lý cát, sỏi lòng sông, thường xuyên cập nhật cũng như hướng dẫn cho các doanh nghiệp những nghị định và thông tư mới liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, không để các doanh nghiệp tự do thực hiện sai quy trình, quy định; các doanh nghiệp phần lớn đã nghiêm túc chấp hành, khai thác khoáng sản đảm bảo an toàn, giảm tối đa tác động đến môi trường.

Đơn vị luôn cố gắng khai thác đúng quy định của pháp luật và tuân thủ theo đúng giá bán đã niêm yết tại công ty cũng như thông báo giá hàng tháng gửi cho các cơ quan chức năng. Chúng tôi luôn ý thức việc phối kết hợp với địa phương để hoạt động khai thác, kinh doanh không ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, thường xuyên đầu tư phương tiện tưới nước ở đường mà xe hay vận chuyển cát, sỏi. Ngoài ra, khai thác cát sỏi đảm bảo không để xảy ra sạt lở bờ sông…”, ông Hải nói.

2cat-1.jpg
Nhiều mỏ cát, sỏi đang hoạt động dọc sông Thạch Hãn

Bà Lê Nữ Mai Trinh, Phó phòng TN&MT huyện Triệu Phong cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với khai thác tài nguyên cát, sỏi, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản nhằm chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các ngành, địa phương liên quan, như Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 26/6/2019 của UBND huyện về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua, bán, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 22/3/2021 của UBND huyện về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tập kết, kinh doanh cát, sỏi của các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện; Công văn số 2558/UBND-TNMT ngày 21/7/2021 về việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép. Đặc biệt, thường xuyên tuyên truyền Nghị định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Thời gian qua, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan quyết liệt xử lý, dẹp bỏ các bãi tập kết trái phép, xử lý những cơ sở kinh doanh cát không có nguồn gốc; đồng thời đã và đang tăng cường giám sát, xử lý khâu vận chuyển cát, sỏi.

“Để siết chặt hơn nữa công tác quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT chủ trì, có biện pháp xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép đoạn qua Ngã ba Gia Độ liên quan đến địa giới hành chính của các huyện thị, thành phố. Mặt khác, hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện trong thời gian tới, như hỗ trợ kinh phí cho việc tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến người dân; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong công tác kiểm tra, đẩy đuổi hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép… Ngoài ra, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân làm nghề khai thác cát, sỏi thủ công, nhằm đảm bảo cho người dân có công ăn, việc làm ổn định, qua đó hạn chế tình trạng khai thác trái phép”, bà Trinh đề xuất.

2cat-2.jpg
Lực lượng chức năng làm việc với một bãi tập kết cát, sỏi trái phép ở TP. Đông Hà

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 3 tuyến đường thủy nội địa quốc gia được Bộ GTVT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý, cụ thể tuyến sông Hiếu dài 27 km, tuyến sông Thạch Hãn dài 46 km và tuyến sông Bến Hải dài 37,4 km. Sở GTVT tỉnh quản lý tuyến đường thủy nội địa địa phương là tuyến sông Ô Giang dài 22,8 km

Sở GTVT tỉnh Quảng Trị thông tin, Sở và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ bến thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, các phòng chuyên môn của Sở phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy thực hiện kế hoạch liên ngành đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ở các bãi tập kết cát, sỏi. Qua quá trình tuần tra, kiểm soát đã phát hiện những lỗi vi phạm phổ biến, như người điều khiển phương tiện không có bằng lái và chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không kẻ vạch sơn, mớn nước an toàn, không có phao cứu sinh; phương tiện hết hạn đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phương tiện chở quá tải… Lực lượng Thanh tra Sở GTVT cũng chủ động triển khai, phối hợp với các lực lượng chức năng khác tiến hành kiểm tra tra, xử lý các hành vi vi phạm về chở hàng quá tải trọng, kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường Quốc lộ ủy thác và đường tỉnh.

2cat-3.jpg
Tỉnh Quảng Trị đang có hơn 15 bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi tại bến thủy nội địa, tập trung ở sông Hiếu và sông Thạch Hãn

“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Phòng CSGT đường thủy của tỉnh, chính quyền địa phương trên tuyến sông đi qua tuyên tuyền, nhắc nhở chủ phương tiện thực hiện theo quy định pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông. Trước mùa mưa bão, thông báo đến các chủ bến, tổ chức, cá nhân hoạt động đường thủy nội địa chuẩn bị ứng phó, phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản. Trong quá trình hoạt động nếu chủ bến không chấp hành đúng quy định thì xem xét, đình chỉ hoạt động, xử lý theo quy định và thu hồi giấy phép. Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy hoạch địa điểm các mỏ khai thác khoáng sản, địa điểm bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề nghị các cơ quan ban ngành và lực lượng chức năng liên quan xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông”, ông Bùi Đức Thành, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông – Sở GTVT Quảng Trị cho hay.

2cat-4.jpg
Người dân trao đổi với PV về những bức xúc liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi

Theo Sở TN&MT, công tác thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật về khoáng sản và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các khu vực cấp phép đều nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản; không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Trước khi trình UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, khu vực cấp phép phải được sự đồng thuận của nhân dân, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Sở TN&MT cũng thực hiện nhiều lượt kiểm tra đột xuất để xác minh các thông tin phản ánh tại địa bàn các huyện có hoạt động cát, sỏi. Về công tác đóng cửa mỏ cát, sỏi sau khi các giấy phép hết hạn, Sở TN&MT đã ban hành văn bản đề nghị đơn vị được cấp phép chấm dứt mọi hoạt động khai thác trong khu vực mỏ, lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định. Công tác phục hồi môi trường sau khai thác thực hiện theo dự án cải tạo phục hồi môi trường và đề án đóng cửa mỏ được phê duyệt, các đơn vị thực hiện san gạt bãi tập kết, văn phòng, trồng cây trên bờ nhằm hạn chế xói lỡ bờ sông.

2cat-5.jpg
Trạm Quản lý đường sông Thach Hãn, Phòng CSGT - Công an tỉnh Quảng Trị, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi tham gia giao thông đường thủy

“Thời gian tới, Sở và các ban ngành liên quan sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý khai thác cát, sỏi đến người dân. Tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản, nhất là các khu vực lòng sông giáp ranh giữa các địa phương. Đồng thời thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản các cấp”, ông Nguyễn Trường Khoa – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị chia sẻ.

Hằng năm, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi tại Quảng Trị đã tạo việc làm ổn định cho người dân, góp phần vào công tác an sinh xã hội, như hỗ trợ xây dựng các công trình ở thôn, xã; ủng hộ các quỹ khuyến học; ủng hộ người nghèo...

Bài 3: Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu để ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý khai thác cát, sỏi ở Quảng Trị - Bài 2: Tháo gỡ những tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO