Siết chặt hoạt động đấu giá đất

Thuỳ Linh| 15/02/2022 11:43

Thị trường đất đấu giá Hà Nội thời gian qua có sự chao đảo lớn trước vụ việc Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị khởi tố tội danh vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tại lô đất 4,9ha thuộc huyện Đông Anh. Thực trạng này đặt ra yêu cầu địa phương tăng cường công tác quản lý, siết chặt hoạt động đấu giá đất nhằm góp phần tạo ra một thị trường đấu giá minh bạch.

Rà soát hoạt động đấu giá đất

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bất động sản, sau vụ việc của công ty Vimedimex, hoạt động đấu giá tại các quận huyện của Hà Nội gần như bị ngưng trệ. Nguyên nhân là do các cơ quan của thành phố bắt đầu rà soát lại toàn bộ các phiên đấu giá đất, đặc biệt đối với doanh nghiệp trúng đấu giá.

Một doanh nghiệp trúng đấu giá chia sẻ với PV: “Doanh nghiệp đã trúng đấu giá tại lô đất ở Hà Đông nhưng 3 tháng nay vẫn chưa nhận được quyết định trúng đấu giá để nộp tiền vào ngân sách. Chúng tôi đã thắc mắc nhiều lần nhưng chỉ được câu trả lời từ đơn vị tổ chức đấu giá là do phải trình cấp trên xem xét. Sự chậm trễ đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi, chúng tôi phải lên kế hoạch thu xếp tài chính, triển khai bán hàng…. Chậm 1 ngày là cơ hội mất”.

Thực tế, thị trường bất động sản đang phải đối diện với tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng do Nhà nước loại bỏ các hình thức giao đất theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (đầu tư qua hình thức BT: xây dựng - chuyển giao). Nguồn cung duy nhất hiện chỉ trông chờ vào hoạt động đấu giá đất. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây, các phiên đấu giá đất đều thành công với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.

hnm_5092.jpg

Siết chặt hoạt động đấu giá đất nhằm góp phần tạo ra một thị trường đất đai minh bạch. Ảnh: Hoàng Minh

Đơn cử, Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) quận Cầu Giấy bán đấu giá thành công lô đất khu X, phường Mai Dịch với giá trúng đấu giá bằng 188% so với giá khởi điểm. Huyện Thanh Trì, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng các khu đất Đại Áng với mức giá trúng hơn 50 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với giá khởi điểm.

Nhận thấy phân khúc đấu giá là “miếng bánh” béo bở, các doanh nghiệp bất động sản cũng đua nhau tham gia đấu giá. Tại các phiên đấu chỉ dành cho cá nhân, chỉ cần quan sát cũng thấy rõ có bàn tay doanh nghiệp thao túng dưới hình thức cài nhiều người cùng thống nhất trả giá cao để thâu tóm hết các lô đất. Sau khi trúng, họ sẽ thổi giá lên để bán hàng.

Một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tới đây Sở sẽ kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đánh giá tình hình, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, có ý đồ gây biến động lớn về giá để trục lợi...

“Để xảy ra hiện tượng đấu giá sai phạm như tại huyện Đông Anh thực chất là do sự móc ngoặc có chủ ý để thông tin đấu giá không lộ ra ngoài, từ đó đưa "quân xanh, quân đỏ" vào đấu giá. Việc này có thể hạn chế qua thanh kiểm tra quy trình đấu giá”- vị này nhấn mạnh.

Giải pháp “gìm cương” đất đấu giá

Theo tổng hợp báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý Thuế, các địa phương đã đẩy mạnh áp dụng hình thức đấu giá để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Nhìn chung, việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã hạn chế được tiêu cực, lợi dụng cơ chế "xin - cho", chỉ định đối tượng được giao đất, thuê đất để mưu lợi cá nhân, làm thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện ngày càng phổ biến và mở rộng về quy mô, tăng giá trị thu được qua các năm.

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích đạt được, việc đấu giá quyền sử dụng đất cũng bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực. Cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá, đặc biệt đấu giá đất ở tại một số nơi còn có hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ" lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh, trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các địa phương tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất để chống thất thu cho ngân sách Nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Cơ quan chức năng các địa phương cần tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cạnh tranh không bình đẳng trong các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đề nghị các địa phương công bố công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân; giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tránh tình trạng một số cá nhân lợi dụng sự chưa rõ ràng trong thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ cho lợi ích nhóm và mục đích cá nhân, thao túng giá cả, mua bán thông tin, đầu cơ trên đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt hoạt động đấu giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO