Xã hội

Si Ma Cai - Lào Cai: Giảm nghèo trên đất khó

Bích Hợp 15/05/2023 - 19:42

Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Si Ma Cai nói riêng đã và đang nỗ lực trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững với mong muốn phát triển KT-XH, thay đổi diện mạo vùng dân tộc miền núi.

Để hiểu hơn về nỗ lực giảm nghèo trên đất khó của huyện Si Ma Cai chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Hà Đức Minh, Bí thư huyện Si Ma Cai(Lào Cai) xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết thời gian qua huyện Si Ma Cai đã làm gì để phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững?

Ông Hà Đức Minh: Si Ma Cai - Một trong những huyện nghèo biên giới của tỉnh Lào Cai. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do đó, một trong những mục tiêu hàng đầu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng bộ huyện Si Ma Cai đó là đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững.

Để công tác giảm nghèo đi vào thực tế, huyện Si Ma Cai đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo ở cơ sở. Cùng với đó có cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư cho các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa.

minh-2.jpg
Ông Hà Đức Minh, Bí thư huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

Cụ thể: triển khai hiệu quả chương trình xây MTQG nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của trung ương và của địa phương. Đồng thời, huyện đã ban hành, cụ thể hóa các chương trình, đề án trọng tâm, nghị quyết chuyên đề…Đặc biệt, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết đảm bảo nguyên tắc thống nhất “làm đến đâu chắc đến đó”.

Là huyện có đa số đồng bào dân tộc sinh sống, với đặc thù là một huyện thuần nông. Huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch nông nghiệp, xác định cây - con chủ lực của huyện đó là: Cây Lê, Mận, Dược liệu và 3 con: Trâu, bò, lợn đen.

Ngoài ra, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang tư duy kinh tế nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đưa vào trồng thử nghiệm một số mô hình sản xuất có giá trị như: Mô hình cây kiệu, cây gừng, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu,... Hỗ trợ máy móc, thiết bị, giống gia súc, giống cây ăn quả, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất tiên tiến, có hiệu quả kinh tế cao

Triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và tạo việc làm mới cho người lao động, giúp người lao động tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh qua các năm, bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, đạt trên 8%/năm; số xã thoát khỏi đặc biệt khó khăn 5/10 xã.

PV: Trong công tác giảm Huyện Si Ma Cai đã gặp phải khó khăn thách thức gì thưa ông ?

Ông Hà Đức Minh: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện Si Ma Cai vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn thách thức trong công tác giảm nghèo, đó là:

Do địa hình đồi núi, bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của Nhân dân. Là huyện nghèo, nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, nguồn thu nội lực ít,... nên huyện gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.

le-2.jpg
Nhờ chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, người dân huyện Si Ma Cai, Lào Cai đã dần thoát nghèo.

Là một huyện thuần nông, tuy nhiên đất canh tác nông nghiệp chủ yếu là đất nương đồi có độ dốc cao lại không chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên khó khăn trong thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, dẫn đến sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Trình độ dân trí không đồng đều, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Hầu hết lao động của địa phương chưa qua đào tạo, chưa có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm trên 80%). Do vậy, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động sẽ trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của người dân.

Nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp còn hạn chế, còn thiếu cơ sở chế biến và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản của nhân dân, chưa tạo được động lực sản xuất trong nhân dân.

Những kết quả giảm nghèo trong giai đoạn 2015-2020 rất tích cực, tuy nhiên chưa thật sự bền vững, nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo, khi gặp những biến cố, rủi ro về thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh, các hộ này lại rơi vào hộ cận nghèo, hộ nghèo là rất cao. Đây là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

duoc-lieu.gif
Cây đương quy một loại dược liệu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững mới được đưa vào trồng thử nghiệm tại huyện Si Ma Cai .

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch chậm, nguồn thu nhập của người dân vẫn chủ yếu dựa vào nguồn thu từ sản phẩm sản xuất nông lâm nghiệp là chính; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều trên địa bàn huyện cao, chiếm 66,7% (kết quả điều tra hộ nghèo năm 2022 chiếm 48,1%, hộ cận nghèo chiếm 18,6%).

PV: Trong thời gian tiếp theo, Si Ma Cai có kế hoạch gì để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững?

Ông Hà Đức Minh: Trong thời gian tới, huyện Si Ma Cai quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững. Theo đó, huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt một nhiệm vụ trọng tâm:

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền địa phương, của cộng đồng xã hội và của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo. Triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, phát triển các mô hình kinh tế đặc hữu của địa phương, để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống của Nhân dân.

si-ma-cai.jpg
Diện mạo huyện nghèo Si Ma Cai đã từng bước thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Chính quyền địa phương bám sát cơ sở để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chính sách, chương trình dự án về giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác…tạo việc làm tại chỗ cho người lao động; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo bằng các hình thức cụ thể, thiết thực như: trang bị phương tiện lao động, hỗ trợ cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, huyện Si Ma Cai rất mong muốn các Sở ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, nghiên cứu tham mưu cho Tỉnh có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, huyện nghèo như Si Ma Cai.

Xin trân trọng cám ơn ông !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Si Ma Cai - Lào Cai: Giảm nghèo trên đất khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO