Rừng thiêng ở Si Ma Cai
(TN&MT) - Tôi đến huyện vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai) xa khuất vào một ngày chớm hạ. Cảnh vật gần xa ảo mờ lãng đãng khói sương.
Tôi dừng lại ở thị trấn Si Ma Cai. Phố núi yên bình, đơn sơ, đã thấp thoáng sắc màu hiện đại. Bước chân phiêu du đưa tôi đi khắp các ngõ nẻo của thị trấn vùng cao nhỏ hẹp, xinh xắn này. Tôi lặng ngắm một vạt rừng um tùm cây cối - một vòm xanh khổng lồ ở trung tâm thị trấn Si Ma Cai, được rào chắn xung quanh. Hỏi ra mới biết, đây là khu rừng nhỏ, người dân ở đây quen gọi là “Rừng cấm”.
Huyện vùng cao Si Ma Cai có hàng chục nghìn héc ta rừng. Nhưng nhiều người ở đây vẫn coi khu rừng nhỏ ở thị trấn là linh hồn của vùng đất Si Ma Cai. Về lịch sử “Rừng cấm” - Rừng thiêng này, tấm biển to rộng đặt ở bìa rừng ghi rõ: “Đây là khu rừng nguyên sinh, được người dân gìn giữ từ đời này qua đời khác. Khu rừng là mảnh đất thiêng, có nhiều cây gỗ quý cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm và gắn liền với Nghi lễ cúng rừng truyền thống của người Mông ở thị trấn Si Ma Cai nói riêng, huyện Si Ma Cai nói chung, hình thành từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nghi lễ cúng rừng là nét văn hoá truyền thống gắn với triết lý “đa thần” của người dân. Họ luôn tin rằng khu rừng này là nơi các vị Thần Rừng, Thần Thổ địa, Thần Núi, Thần Suối, Thần Sông cai quản và che chở, phù hộ cho người dân sống trong khu vực được hòa thuận, mạnh khỏe, bình yên, ấm no, hạnh phúc…
Nghi lễ cúng rừng được tiến hành vào tháng 2 Âm lịch hàng năm. Đây là phong tục, tín ngưỡng, là nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo. Qua lễ, người dân cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, đoàn kết… Ngoài ra, nghi lễ cúng rừng là dịp để người dân cam kết sống hòa thuận, hòa hợp giữa người với người, giữa người với tự nhiên, thiên nhiên. Đồng thời giáo dục cho mọi người tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống…”.
Trong đời sống tâm linh của người Mông ở đây, từng tồn tại những truyền thuyết, sự tích, câu chuyện về sự linh thiêng của khu rừng cấm. Đồng bào tin có Thần Rừng cai quản và che chở, phù hộ cho họ.
Thần Rừng là một nhân vật trong truyền thuyết và văn hóa dân gian của nhiều dân tộc, nhiều vùng miền. Thần Rừng thường được mô tả là một “dị nhân” kỳ bí, mặc áo choàng lá, có sức mạnh phi thường, có quyền năng bảo vệ rừng và che chở, phù trợ cho con người. Thần Rừng mang tính biểu tượng về sức mạnh của tự nhiên, về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Gốc đa cổ thụ sừng sững, bề thế ở giữa rừng được coi là linh hồn của khu rừng, là nơi diễn ra nghi lễ cúng rừng của người Mông ở đây. Cũng trong văn hóa và tín ngưỡng dân gian của một số cộng đồng, cây cổ thụ trong rừng thường có linh hồn, nhất là cây đa. Người dân tin cây đa trong rừng, trong đền chùa, là nơi trú ngụ của các linh hồn hoặc thần linh. Cây đa cổ thụ nhiều năm tuổi được tôn trọng, sùng bái như một biểu tượng của sự linh thiêng huyền bí.
Nghi lễ cúng rừng trang trọng, tôn nghiêm cùng với những câu chuyện nhuốm màu giai thoại về những người dân từng vi phạm rừng cấm và bị trừng phạt nặng nề, phải làm lễ tạ tội… khiến cho khu rừng càng trở nên linh thiêng hơn.
Nhờ tập tục “trọng rừng” và niềm tin thiêng liêng, mộc mạc vào các lực lượng siêu nhiên nên đến nay, khu “Rừng cấm” ở thị trấn Si Ma Cai hầu như còn nguyên vẹn, đúng như tính chất “rừng nguyên sinh” nguyên sơ tự nhiên đáng quý của nó.
Dĩ nhiên để có có kết quả này còn có sự kết hợp của các biện pháp bảo vệ rừng, như phổ biến cho người dân các điều luật, nghị định, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng; ban hành các quy định, xây dựng “hương ước” về bảo vệ rừng; các thôn bản ký cam kết bảo vệ rừng; lập các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm…
Điều đáng mừng là năm 2020, “Nghi lễ cúng rừng” của người Mông ở Si Ma Cai được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Đến khu “rừng thiêng” ở thị trấn Si Ma Cai, tôi ngẫm ngợi hoài về vai trò, tác dụng của “niềm tin tâm linh” trong việc bảo vệ rừng. Các “biện pháp hành chính” ở mọi nơi, mọi quốc gia, có rất nhiều, rất nghiêm ngặt nhưng rừng vẫn bị tàn phá, môi trường toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nhưng ở đâu mà việc bảo vệ rừng gắn với văn hóa tâm linh, các biện pháp tâm linh, coi rừng là nơi linh thiêng, coi cỏ cây đều có linh hồn, có cảm xúc và cần được tôn trọng, bảo vệ, chở che… thì nơi đó, rừng được bảo tồn, được gìn giữ từ đời này qua đời khác. “Biện pháp tâm linh” tác động sâu xa vào tâm khảm, tâm thức con người, tạo ý thức tự giác ít nhiều thiêng liêng ở con người.
Các biện pháp tâm linh kết hợp với việc gợi lại, gắn kết với các yếu tố truyền thống (thói quen hình thành từ lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác), tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương… thì tác dụng tích cực của nó trong việc bảo vệ rừng sẽ càng có hiệu quả. Cố nhiên, các biện pháp tâm linh không thay thế được các biện pháp hành chính, mà cần có sự kết hợp hài hòa mới mang lại những kết quả như mong muốn.
Rừng, cây cối trong rừng có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và được “vận hành” như một phần của mạng lưới sự sống trên Trái Đất. Việc bảo vệ rừng, bảo vệ cây cối không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là vấn đề văn hoá và tinh thần, giúp duy trì sự cân bằng và sự sống trên hành tinh của chúng ta.