Show nghệ thuật quy mô đầu tiên ở Fansipan sẽ chính thức công diễn từ 13/7

13/07/2019 18:40

(TN&MT) - Sau thành công của Vũ hội Ánh Dương tại Bà Nà Hills, đạo diễn Phạm Hoàng Nam tiếp tục mang đến khán giả show nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” quy mô và độc đáo chưa từng có, được lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Tây Bắc và không gian thiền định trên đỉnh thiêng Fansipan.

“Vũ điệu trên mây” chính thức ra mắt khán giả tại Sảnh sân mây ga đến cáp treo hoặc Sảnh Bảo An Thiền Tự ga đi - khu du lịch Sun World Fansipan Legend (tùy vào điều kiện thời tiết), từ ngày 13/7 đến 13/10/2019, liên tục trong ba tháng, với 2 suất diễn ngày thường và chủ nhật lúc 9h30 và 11h30, và 3 suất diễn ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy) lúc 9h30, 11h30, và 14h30. Mỗi show diễn có thời lượng 20 phút, nghỉ vào thứ ba hàng tuần.

Được lấy cảm hứng từ những nét đặc trưng văn hóa dân gian Tây Bắc và không gian thiền tịnh của quần thể kiến trúc tâm linh trên đỉnh Fansipan, “Vũ điệu trên mây” đưa người xem vào một hành trình khám phá Tây Bắc, Sa Pa và đặc biệt là Nóc nhà Đông Dương theo một cách vô cùng thú vị, huyền diệu.

Vũ điệu trên mây (2)
Vũ điệu trên mây

“Vũ điệu trên mây” độc đáo ngay từ sân khấu biểu diễn. Khu vực Sân Mây vốn là nơi kết thúc của hành trình du ngoạn băng qua thung lũng Mường Hoa và núi rừng Hoàng Liên Sơn bằng cáp treo, để mở ra một hành trình khác thấm đẫm chất thiền giữa quần thể tâm linh huyền hoặc trên đỉnh Fansipan. Từ Sân Mây, những ngày trời đẹp, du khách có thể thấy cả biển mây bồng bềnh trước mắt, tựa hồ như lạc vào cõi Phật bồng lai. Và câu chuyện kể về một lễ hội Tây Bắc đã có từ 70 năm trước bắt đầu, đưa du khách ngược dòng lịch sử, tìm lại những truyền thuyết, huyền thoại xưa cũ, sống đời sống Tây Bắc cùng với những con người dân tộc vùng cao thật thà, chất phác, yêu lao động. Để rồi sau đó, họ trở lại với thực tại, bước tiếp hành trình vào cõi tâm linh thiền định giữa mây ngàn Hoàng Liên Sơn, tận hưởng sự an lạc thanh yên ở nơi đất trời giao hòa trên đỉnh Fansipan.

Sân mây
Sân mây

Ở phần đầu “Vũ điệu trên mây”, không gian Tây Bắc được mở ra bằng thanh âm của gió và lá. Tiếng thoi đưa, nhịp khung cửi rộn ràng, trai làng gái bản vừa lao động, vừa nhảy múa. Truyền thuyết về loài hoa đỗ quyên vốn là biểu trưng nơi núi rừng Hoàng Liên được đặc tả bằng tiếng gọi kiếm tìm nhau tha thiết của tình yêu, bằng cuộc gặp gỡ trong phiên chợ tình của chàng Đỗ và nàng Quyên, qua nghệ thuật múa dân gian đương đại cùng kỹ thuật múa Duo. Một Đám cưới người Dao Đỏ đặc trưng của vùng cao Tây Bắc được tái hiện sống động, để rồi những lát cắt đậm sắc màu Tây Bắc ấy được kết lại bằng màn múa Vũ hội Mường Hoa với ngập tràn cảm xúc hạnh phúc khi người dân vùng cao được sống trong một không gian đẹp như thơ giữa núi rừng, thung lũng.   

Bằng nghệ thuật chuyển cảnh vô cùng ấn tượng qua cách biến chuyển các đạo cụ, khi người xem chưa kịp tỉnh sau cơn say vẻ đẹp mê hoặc của nhịp sống vùng cao, “Vũ điệu trên mây” lập tức dẫn dắt họ tới một miền “Tâm linh hội tụ” huyền hoặc, an nhiên trong phần 2 của show diễn.

Vũ điệu trên mây (3)
Vũ điệu trên mây

Những điệu múa được dàn dựng công phu trên nền trang phục Phật giáo cách điệu, kết hợp cùng âm nhạc giàu chất thiền từ sáo trúc, tiếng chuông, tiếng gõ mõ, lời chấp niệm… và hiệu ứng khói kỳ ảo tỏa ra từ các tháp chuông trên khu vực đỉnh Fansipan khiến cho người xem như được thanh lọc tâm hồn, rũ bỏ mọi ưu phiền trước khi tiếp bước hành hương khám phá quần thể tâm linh đẹp như cõi Phật cảnh tiên trên đỉnh cao Tây Bắc.

Tâm linh hội tụ (3)
Tâm linh hội tụ

Cả show diễn, Giám đốc nghệ thuật Phạm Hoàng Nam và hai biên đạo là NSND Kiều Lê cùng NSƯT Hồng Phong chỉ sử dụng ba loại đạo cụ là những tấm vải thổ cẩm dài tới 15m, những khung cửi, chiếc gùi quen thuộc của đồng bào dân tộc. Nhưng những đạo cụ ấy lại chính là “vũ khí bí mật” dựng lên toàn bộ bối cảnh diễn, đồng thời kết nối các phần theo một mạch truyện xuyên suốt.

Những chiếc gùi đựng vải thổ cẩm được các chàng trai cô gái bản sắp xếp nghệ thuật thành bối cảnh phiên chợ tình. Vẫn những tấm vải thổ cẩm đó được kết thành bộ trang phục của cô dâu và chú rể người Dao đỏ. Và khán giả vô cùng kinh ngạc trước màn kết “Tòa sen chốn bồng lai”, khi 10 khung cửi của đồng bào dân tộc ở phần 1 – “Vũ điệu trên mây” được sắp đặt tạo thành một đài sen lớn, các diễn viên như những áng mây trắng hòa mình với thiên nhiên, bay quyện vào đài sen tạo nên một hình tượng rực rỡ, biểu đạt cho sự thành kính chiêm bái Đức Phật hiển linh.

Tâm linh hội tụ (4)
Tâm linh hội tụ

Âm nhạc của show “Vũ điệu trên mây” được sáng tác bởi hai nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Tiến và Đinh Văn Đức. Để lột tả được một Tây Bắc thật đến từng chi tiết, âm nhạc world music được sử dụng làm nhạc nền cho phần một, với những thanh âm quen thuộc từ các nhạc cụ dân tộc như khèn, sáo, đàn đá… Còn ở phần 2, yếu tố tâm linh được đặc tả bằng nhạc thiền du dương, chậm rãi với nhiều âm thanh phụ trợ như tiếng gió thổi, tiếng nước chảy, chuông ngân, tiếng mõ gõ đều trong thinh không tịch mịch…

Đám cưới người Dao Đỏ (2)
Đám cưới người Dao đỏ

Chia sẻ về ý tưởng cũng như những tham vọng gửi gắm vào show diễn mới này, Giám đốc nghệ thuật của Tập đoàn Sun Group- đạo diễn Phạm Hoàng Nam nói: "Vũ điệu trên mây chắt chiu những tinh túy của văn hóa dân gian Tây Bắc nói chung và các vũ điệu của Tây Bắc nói riêng. Show diễn là sự tổng hợp và hòa quyện của các điệu múa quen thuộc, nổi tiếng, cộng hưởng cùng những sáng tạo mới của ekip, để làm nên sự thay đổi và điểm thu hút du khách hơn nữa đến với Fansipan, không chỉ trong nước mà còn cả khách du lịch nước ngoài".

Cáp treo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Show nghệ thuật quy mô đầu tiên ở Fansipan sẽ chính thức công diễn từ 13/7
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO