Rủi ro cao khi pháp lý chưa rõ ràng
Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền. Trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng mua bán không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua. Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà kiến nghị trong thời gian tới cần kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường BĐS.
Liên quan đến vấn đề quản lý và cấp phép thị trường căn hộ condote, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) từng có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến những bất ổn tiềm ẩn của thị trường căn hộ condotel, mô hình đầu tư mới mẻ nhanh chóng tạo cơn sốt gần đây. Số liệu mà HoREA minh chứng, năm 2016, tổng nguồn cung căn hộ condotel đã lên đến 16.000 căn. Trong giai đoạn 2017- 2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 27.000 – 29.000 căn hộ condotel được mở bán. Chỉ riêng tại thị trường Đà Nẵng và Phú Quốc trong các tháng 4, 5, 6/2018 tung ra 2.100 căn nhưng chỉ tiêu thụ được 850 căn.
Trong khi đó, các thành phố du lịch biển còn lại có tỷ lệ tiêu thụ căn hộ condotel ảm đạm hơn, lần lượt ghi nhận Khánh Hòa tiêu thụ được 26%, Bình Định: 22%, Đà Nẵng: 9%. Như vậy, lượng hàng tồn kho căn hộ nghỉ dưỡng tại 3 tỉnh, thành này lần lượt là 74%, 78% và 91%.
Mới đây, tại báo cáo tình hình BĐS quý III/2018 của Hội Môi giới BĐS ước tính, hiện thị trường vẫn còn khoảng 15.000 – 20.000 căn condotel chưa bán được. Đồng thời cho rằng đã đến thời điểm nên tạm dừng phát triển mới các dự án BĐS nghỉ dưỡng để tập trung hoàn thành các dự án đã và đang triển khai.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, việc đổ tiền quá nhiều vào condotel trong khi số lượng condotel lớn sẽ dẫn tới bội thực nguồn cung. Do đó, các cơ quan quản lý nên tạm dừng cho phát triển BĐS nghỉ dưỡng.
4 lý do thị trường condotel hết “hot”
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam 4 lý do đó là:
Thứ nhất, hiện nhà nước đã siết chặt dòng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn ngân hàng cho vay đối với bất động sản nghỉ dưỡng. Khách hàng và các nhà đầu tư hiện đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư vào thị trường này.
Thứ hai, các chính sách của nhà nước về pháp lý cho các sản phẩm condotel vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
Thứ ba, năng lực phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư hiện nay còn hạn chế. Phần lớn các dự án đều đầu tư xây dựng kéo dài, chậm trễ trong việc đưa dự án vào vận hành khai thác kinh doanh.
Trong khi các nhà đầu tư kỳ vọng dự án sẽ sớm đi vào khai thác hiệu quả thì năng lực khai thác kinh doanh sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư Việt Nam còn yếu. Điều này dẫn đễn sự ngờ vực của các nhà đầu tư về khả năng đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài. Do đó, hiện nay các nhà đầu tư nhỏ lẻ rất thận trọng trong chọn lựa dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Thứ tư, giá bán của sản phẩm nghỉ dưỡng hiện đang được các chủ dự án đẩy lên ở mức cao, bình quân từ 35 - 50 triệu/m2 thậm chí có những dự án có giá trên 70 triệu nên khó tạo thanh khoản khi nhà đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng. Phân khúc bất động sản này vì thế cũng kém sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lướt sóng trên thị trường.