Không lây nhiễm thêm trong khu cách ly
Là yêu cầu của Thủ tướng sau khi thăm, khảo sát thực trạng các khu cách ly của TH. HCM. Lấy Bắc Giang làm bài học, Thủ tướng nhấn mạnh, không được giẫm lại bước chân cũ; phải tìm cách khắc phục; kiên quyết không thể để lây nhiễm thêm ở khu cách ly.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho công tác cách ly tại TP. HCM là phải tối đa mỗi phòng 2 người, lý tưởng là 1 người, đặc biệt phải có nhà vệ sinh riêng. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho khu cách ly, phong tỏa, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an chi viện lực lượng cho TP.HCM, làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh khu vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống covid-19 tại TP.HCM sáng 26/6 |
Báo cáo Thủ tướng về giải pháp thực hiện xét nghiệm cho TP.HCM, căn cứ vào tình hình thực tiễn, số người cách ly, thời gian, mật độ… Bộ trưởng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, TP.HCM nên linh động, không nhất thiết phải đặt nặng việc xét nghiệm RT-PCR mà cần dùng test nhanh. Ngay từ ngày đầu phát hiện, có thể test nhanh 3-5 ngày/lần cho đến ngày thứ 14 mới làm xét nghiệm PCR để khẳng định.
Giải pháp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình vì trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần làm việc với khu sản xuất test nhanh của Việt Nam do Học viện Quân y chủ trì và phối hợp sản xuất; được nghe báo cáo, chứng kiến quy trình, kết quả và nhận thấy chất lượng test nhanh của Việt Nam tương đương hàng nhập khẩu. Từ đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Thủ tướng chỉ đạo: " Làm ngay bây giờ. Vận chuyển test nhanh từ Hà Nội vào TP.HCM ngay. Trước đây mỗi ngày sản xuất khoảng 10.000 thì nay nâng lên 120.000, 150.000. Như vậy, một tháng sản xuất được khoảng 4 - 5 triệu” và "Có bao nhiêu tập trung cho TP.HCM bấy nhiêu”.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (đơn vị sản xuất vaccine Nano Covax - vaccine của Việt Nam; Công ty Nissei Electric Vietnam (Khu chế xuất Linh Trung 1, TP. Thủ Đức)
Thủ tướng làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, Khu công nghệ cao TP.HCM |
Phải nỗ lực nhiều hơn nữa
Chiều 26/6, Thủ tướng làm việc với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 đã xuất hiện hơn một tháng, dù thành phố liên tục nâng các biện pháp giãn cách nhưng số ca nhiễm vẫn tăng. Trong ngày 25/6, TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục là 667 ca. Hiện thành phố chỉ còn 4 ngày để kết thúc đợt giãn cách xã hội thứ 2 (tính từ 16/6). Ngày 1/7, thành phố sẽ phải đưa ra quyết định về phương án tiếp theo, giãn cách như thế nào? Giãn cách rồi có tận dụng được thời gian để khắc phục hay không? Đảm bảo đời sống, nguồn cung cấp hàng hóa như thế nào? Đảm bảo sản xuất kinh doanh ra sao? Vấn đề tiêm vắc xin đang thực hiện có đảm bảo quy trình phòng chống dịch không?
Như mới đây, đợt tiêm chủng vắc xin lớn lịch sử tại TP.HCM với kế hoạch tiêm 800.000 liều vaccine trong 7 ngày, dự kiến kết thúc vào 26/6. Tính đến hết 24/6, thành phố đã tiêm được hơn 400.000 liều vắc xin. Vậy thì hai ngày 25-26/6, TP.HCM giải quyết 400.000 liều còn lại ra sao?
Bên trong nhà thi đấu Phú Thọ, nơi tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 8000 người |
TP.HCM sẽ phải nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá đúng về mức độ lây lan để đưa ra quyết sách kiểm soát tiếp theo, nhận ra đâu là hạn chế để khắc phục; Thủ tướng cần một sự nói thẳng, không vòng vo văn hoa, tránh mất thời gian và không hiệu quả.
Sau Bắc Giang, TP.HCM đang là điểm nóng. Trong khi vai trò của TP.HCM trong con tàu kinh tế cả nước và vùng kinh tế trọng điểm là rất lớn, vùng ảnh hưởng rộng; cộng với tính cách cởi mở, nếp sinh hoạt phóng khoáng. Có lẽ, chính quyền cần phải có một quyết sách táo bạo và đội ngũ cán bộ, lực lượng phòng chống dịch của TP.HCM cần phải sát sao, cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa.
Vì sao thắt chặt mà ca mắc vẫn tăng?
Trước những con số F0 chóng mặt, đặc biệt với 667 trường hợp công bố ngày 25/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đặt ra câu hỏi: Tại sao thắt chặt mà ca mắc vẫn tăng?
Đành rằng, trong số 667 trường hợp đó, có 538 trường hợp trong từ khu cách ly, 99 ca nhiễm ở nơi phong tỏa, tức là, TP.HCM “vẫn đang kiểm soát được tình hình” như đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong. Tuy nhiên, theo ông, “đáng lo ngại nhất là các chuỗi lây nhiễm liên quan chợ đầu mối, chợ truyền thống”.
Do đó, Chủ tịch đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung xem xét, rà soát biện pháp thực hiện trên địa bàn để sau ngày 30/6, thành phố sẽ có bước đánh giá lại tình hình. Từ đó đưa ra quyết định giãn cách xã hội như thế nào.
Đường Sách TP.HCM đang tạm ngừng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch |
Mặt khác, thành phố yêu cầu người đứng đầu các quận, huyện đồng loạt, tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý mạnh trường hợp không chấp hành; tính toán, nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng (bố trí tiểu thương trong chợ buôn bán luân phiên theo ngày); riêng các chợ đầu mối phải có phương án hoạt động cụ thể, các hộ kinh doanh phải ký cam kết, trường hợp vi phạm sẽ bị buộc ngừng kinh doanh.
Trả lời câu hỏi có hay không việc người dân trong khu vực phong tỏa vẫn chủ quan qua lại, nói chuyện? Theo điều tra của Trung tâm Y tế Quận 4, người dân trong khu vực phong tỏa còn chủ quan, khai báo chưa đầy đủ các thông tin dịch tễ; chưa tuân thủ các biện pháp phòng dịch, vẫn thường qua lại, nói chuyện với nhau. Điều này là nguyên nhân góp phần dẫn đến lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Bên cạnh trách nhiệm của mỗi công dân, thì trách nhiệm chính thuộc về cán bộ kiểm soát dịch. Cần phải tăng cường kiểm soát, giáo dục, nhắc nhở người dân nâng cao trách nhiệm phòng, chống dịch, không chủ quan dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và mọi người xung quanh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Chờ giải pháp mới cho TP. HCM
Một phiên bản mới Bản đồ Covid-19 vừa được đưa vào áp dụng tại TP.HCM tại địa chỉ https://bando.tphcm.gov.vn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của người dân và thành phố trong phòng chống dịch Covid-19.
Bản đồ mới được thiết kế tối ưu, trực quan, bổ sung lớp bản đồ đô thị 3D giúp việc sử dụng và trải nghiệm dễ dàng; bổ sung nhiều chức năng mới hữu dụng phục vụ công tác phòng chống dịch như: hỗ trợ truy xuất nhanh tổng hợp thông tin Covid-19 tại các địa điểm quan tâm; tìm kiếm chia sẻ thông tin dịch Covid-19 qua mã QRCode, mạng xã hội, email; hỗ trợ tìm lộ trình di chuyển tránh vùng dịch,… phản ánh các địa điểm đang có vi phạm phòng chống dịch Covid-19 cho cơ quan quản lý kịp thời xử lý.
Bản đồ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh |
Cùng với kích hoạt Bản đồ Covid phiên bản mới, từ 24/6, TP.HCM triển khai phần mềm “Hệ thống khai báo y tế điện tử” áp dụng cho người dân, các địa điểm kinh doanh, làm việc, nơi tập trung đông người (trụ sở làm việc, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, các cơ sở y tế, chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu) nhằm phục vụ truy vết, điều tra dịch tễ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 23/6, số giường điều trị Covid-19 cho TP.HCM tăng từ 3.500 giường lên 5.000 giường theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo Thành phố giao. Cùng với hệ thống các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố và các bệnh viện dã chiến, việc nâng cấp, chuyển đổi công năng một số bệnh viện (BV huyện Bình Chánh 500 giường, BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức 1.000 giường…) đã nâng tổng số giường điều trị Covid-19 trên địa bàn TP.HCM lên 5.000 giường.
Giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 15, 16; thực hiện chiến lược vắc xin với sự ưu tiên dồn lực của cả nước; kích hoạt đồng bộ hệ thống y tế và hệ thống phòng chống dịch; áp dụng công nghệ số trong quản lý, theo dõi… rất nhiều giải pháp, biện pháp đang được áp dụng tại đây. Cả nước đang trông chờ vào TP.HCM. Cuộc làm việc chiều nay của Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ khai mở thêm nhiều giải pháp cho TP.HCM trong bối cảnh cả dịch bệnh và thời tiết đang rất nóng.
|