Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, đặc biệt quan tâm và đã có Kết luận số 615 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, cũng có những trăn trở lớn là mặc dù, chúng ta đã có nhiều sự đầu tư lớn nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc và miền núi, nhưng so với nguyện vọng của đồng bào cũng như so với yêu cầu lại chưa đáp ứng được.
Để tiếp tục thực hiện kết luận của Bộ Chính trị cũng như nghị quyết Trung ương, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ dự kiến trình một dự án luật về đồng bào dân tộc và miền núi, nhưng sau thấy sẽ rất lâu và khó khả thi, do đó, xin ý kiến Thường vụ Quốc hội và thống nhất xây dựng một đề án.
Từ đề án này trình Quốc hội thì Quốc hội đã thông qua bằng Nghị quyết số 88 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết số 12 để triển khai.
Trên thực tế Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để triển khai. Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đã xây dựng nhiều đề án để triển khai việc này. Đây là một Nghị quyết mang dấu ấn lịch sử, một quyết sách ý Đảng, lòng dân.
Quyết sách ý Đảng, lòng dân trên xác định có 4 mục tiêu: Phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau; Giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển; Khắc phục những hạn chế, bất cập của các chính sách trước đây; Tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. “Mục tiêu là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Làm thế nào để nâng cao dân trí, nâng cao khả năng, tạo công ăn việc làm, tiếp cận với các kỹ năng lao động, sản xuất ngành nghề, nhất là đào tạo một lớp trẻ, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế, v.v. để nâng cao. Việc này nó rất lớn.” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày quan điểm, giải pháp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện triển khai Đề án tổng thể |
6 giải pháp phát triển mục tiêu
Phó Thủ tướng cũng cho biết, dự kiến đầu tư cho Đề án này thực hiện Nghị quyết trên một ngàn tỷ, tức là 1.400 tỷ, được chia ra 2 kế hoạch 5 năm từ 2021 - 2026 và 2026 - 2030. Theo Đề án dự kiến thực hiện trong 10 năm, với khoảng thời gian dài kết hợp với số vốn rất lớn, cử tri rất băn khoăn về tính khả thi là có cơ sở.
Tuy vậy, đây là một quyết tâm rất lớn, do đó, Chính phủ đã đề ra và Nghị quyết thông qua các giải pháp để phát triển mục tiêu rất cụ thể.
Một là, giải pháp rất quan trọng là nghiên cứu xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2030.
“Xác định đây là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đã chuẩn bị tích cực, bố trí đủ nguồn vốn theo tiến độ, về cơ bản sẽ triển khai thực hiện ngay từ năm 2021, các chỉ tiêu đưa ra trong chương trình mục tiêu quốc gia thấp hơn so với Nghị quyết số 88 của Quốc hội vì Nghị quyết xác định thực hiện 10 năm, Chương trình Mục tiêu quốc gia xác định là 5 năm 2021 - 2025. Phần còn lại tiếp theo cho kế hoạch 5 năm sau là 2026 - 2030, do vậy, kết thúc năm 2030 cơ bản sẽ đạt được mục tiêu của Quốc hội đã xác định.” – Phó Thủ tướng cho biết.
Thứ hai, nội dung cử tri quan tâm hơn nữa là huy động nguồn lực thế nào để thực hiện Đề án, Nghị quyết xác định rất rõ là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đây là một điểm rất mới, rất quan trọng vì chính sách phải đi liền với ngân sách, nếu không, không đạt được mục tiêu. Mặt khác, các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi đều là địa phương khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Do vậy, bổ sung nguồn lực từ Trung ương là một điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu của Nghị quyết.
Thứ ba, về tổ chức thực hiện Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cấp tỉnh, các bộ, ngành chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn, kiểm tra. Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để làm đối chứng, một việc không hoàn thành hoặc có sai sót, chậm tiến độ thì sẽ xác định trách nhiệm của người chịu trách nhiệm.
Thứ tư, là đề án Chương trình Mục tiêu quốc gia với một lượng vốn ngân sách khá lớn, nhưng đối với từng công trình thì nhỏ hoặc là vừa, đầu tư ở địa bàn đặc biệt khó khăn Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, phù hợp với thực tiễn, tăng cường sự giám sát của nhân dân thay cho sự ràng buộc các thủ tục hành chính rườm rà mà vẫn không đạt được hiệu quả.
Thứ năm, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo, tới đây sẽ hướng dẫn các tỉnh giao trách nhiệm cho một đầu mối theo dõi, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện đề án. Định kỳ sơ kết, tổng kết, hàng năm báo cáo với Quốc hội kết quả thực hiện để Quốc hội giám sát và có ý kiến. Chính phủ sẽ điều chỉnh cho phù hợp và cố gắng sẽ triển khai đầy đủ Nghị quyết này bằng những kế hoạch cụ thể từng hạng mục công trình, từng yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Thứ sáu, Chính phủ sẽ có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lãng phí, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trực tiếp đến đối tượng được thụ hưởng.
"Với các nội dung giải pháp nêu trên, chúng ta có một niềm tin là với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội, quyết tâm của Chính phủ, chắc chắn Nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống và chúng ta sẽ quyết tâm để đạt được mục tiêu đã đề ra.” – Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định.