Hơn 100 hộ dân tại thôn Tái 1 và thôn 7 Phạm, xã Đinh Xá, TP Phủ Lý đến chiều 1/8 vẫn mênh mông nước. Đã có 19ha lúa, hoa màu và gần 2ha ao hồ nuôi thuỷ sản bị nước nhấn chìm.
Ông Nguyễn Tiến Cửu, Bí thư chi bộ thôn Tái 1 cho biết: “Thôn có 80 nhà bị ngập, trong đó 8 hộ ngập nặng, nước dâng đến nửa nhà, phải đi ở nhờ, còn lại đều phải đi lại bằng thuyền mới ra được ngõ. Nhà nào không có thuyền thì phải nhờ hàng xóm đi chợ hoặc mua thức ăn hộ, nếu không thì phải lội nước ngang lưng, thậm chí bơi trên đường”.
Bà Nguyễn Thị Bứa, thôn Tái 2 phản ánh: “Nước dâng ngang nhà khiến hệ thống điện nước tại khu dân cư của nhà bà bị tê liệt. Nhà nào không có thuyền để ra chợ coi như chấp nhận nước ngang ngực mà ra đường, đi mà như bơi trên đường bê tông vậy”.
Ông Trương Quang Bảo, Phó chủ tịch UBND TP Phủ Lý cho hay: Việc sạt lở là bất khả kháng. Đê Bối theo quy định chỉ chịu được mức báo động dưới cấp 3 là 3,5m. Tuy nhiên, đỉnh lũ trong lần sạt đê đều cao trên 4m, gần 5m nên phải để nước tràn qua. Nhiều điểm yếu nên không tránh khỏi sạt lở. Tình trạng này xuất hiện vào ngày 26/7 và kéo dài đến hôm nay.
Phó chủ tịch UBND TP Phủ Lý cũng cho biết đã chỉ đạo ngành điện lực và y tế sẵn sàng để cấp điện, phun thuốc sát trùng, chống ô nhiễm môi trường ngay khi nước rút, đắp bờ, hút nước ngập tại khu vực nhà máy nước để cấp nước sạch cho dân ngay trong vài ngày tới.
Những ngày qua, người dân xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng trong cảnh "màn trời chiếu nước", khi nước ngập ngang nhà, đi lại bằng thuyền.
Theo thống kê, toàn huyện có 3.683 hộ bị ngập và hơn 6.000 người phải sơ tán. Đường giao thông bị sạt lở khoảng 5km, hư hỏng 12km kênh mương, sạt lở 12km đê, hồ, đập; 35 cầu, cống bị hư hỏng; ngập 14 đình, chùa; gia súc, gia cầm chết khoảng gần 56.000 con.