Săn “cát tặc” trên dòng Krông Nô

Bài và ảnh: Phạm Hoài| 18/06/2020 18:19

(TN&MT) - Sau nhiều năm công tác trên địa bàn các tỉnh thuộc Khu vực Tây Nguyên, tôi cũng như nhiều Phóng viên của các tờ báo khác đã nhiều lần va chạm với vô số các đối tượng khai thác cát trái phép.    

Ẩn mình ghi hình

Sau khi được lãnh đạo cơ quan Báo Tài nguyên và Môi trường đồng ý giao đề tài và kế hoạch thực hiện chuyên đề “ma trận cát tặc trên dòng Krông Nô”. Tôi và một phóng viên từ Văn phòng Đại diện miền Trung khăn gói lên đường tìm kiếm tư liệu và bắt đầu thực hiện chuyên đề. Sau hơn một ngày tìm hiểu địa bàn cũng như phương thức hoạt động của các tàu chuyên hút cát lậu ở tuyến sông Krông Nô. Qua thông tin cung cấp từ người dân, chúng tôi đã thay quần áo, đóng giả những người nông dân ra sát bờ sông để thực hiện công việc đồng áng hàng ngày.

 

Sau một tiếng đồng hồ di chuyển hơn 1 km dọc bờ sông, tôi và đồng nghiệp cũng tìm được một vị trí khá phù hợp để hóa  thân thành những “lão nông tri điền” đang đào xới đất để trồng khoai lang. Trong gần 30 phút đào bới dưới cái nắng gay gắt của mùa hè trên vùng đất đại ngàn, tôi và đồng nghiệp đã thấm mệt. Chợt nghe, tiếng động cơ của máy nổ xuất hiện trên sông với những âm thanh chát chúa từ các tàu đang di chuyển dọc sông.

Hai tàu không số bắt đầu hạ dần vòi rồng xuống dưới đáy sông, tôi liền giả vờ tiến tới gần đó và đào một hố lớn để gom rác và cỏ dại lấp xuống để tiện cho việc quan sát và tìm cơ hội để ghi hình. Đang loay hoay tìm cách cài các thiết bị ghi hình, tôi thấy phía xa xa có một người đàn ông khoảng 50 tuổi, dáng người khá cao lớn tiến lại gần và hỏi “mấy ông làm gì mà đào bới tùm lum vậy?”. Lúc này, tôi và đồng nghiệp đều hết sức lo lắng sợ bị lộ. Tuy vậy, bằng phương pháp nghiệp vụ cùng sự hỗ trợ của người dân nên danh phận của hai chúng tôi vẫn là nông dân.

Mật phục xuyên đêm

Sau một ngày khá mệt trong vai người nông dân, chúng tôi cũng đã có được một ít tư liệu hình ảnh cho chuyên đề.

 Dùng vội buổi cơm tối tại một gia đình người dân, tôi và đồng nghiệp được ông N.V.T đồng ý dẫn đến những điểm nóng hay còn gọi là khu vực “vô pháp” trong hoạt động khai thác cát trên dòng Krông Nô. Sau hơn 45 phút theo chân ông T, vượt qua hai ngọn đồi rồi luồn lách qua những vườn cà phê đầy cỏ dại. Mặc dù, đã cố gắng di chuyển nhanh nhất có thể từ phía sau ông T, nhưng đi chưa đầy 3 km hai chúng tôi bủn rủn chân tay và buộc phải dừng lại nghỉ để lấy sức cho chặng tiếp theo.

Trời ngày một tối, đèn pin chiếu sáng không được dùng vì sợ “cát tặc” phát hiện rút đi thì mọi công sức xem như bỏ bể. Tuy vậy, với quyết tâm phải tận mắt nhìn thấy tàu hút cát trong đêm, cuối cùng chúng tôi cũng đến được điểm nóng thuộc thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh. Sau khi chọn vị trí an toàn để mật phục, chúng tôi chia nhau ra nằm chờ tàu đến để triển khai nhiệm vụ.

Thế nhưng, sau hơn 1 giờ đồng hồ nằm chen chúc trong những vườn ngô của người dân nằm tiếp giáp bờ sông vẫn chưa thấy động tĩnh nào của những chiếc tàu. Nóng lòng vì sợ bị lộ lọt thông tin nên tôi tìm đễn vị trí nấp của ông T hỏi lại. Ông T cho biết, ở đây không thể biết rõ bên nào là địch bên nào là ta. “Đơn giản, bọn cát tặc nó dùng tiền mua chuộc một số người dân làm chim xanh (người báo tin) để nó tiện đường hoạt động. Tôi đã lường trước rồi nên anh cứ yến tâm”, ông T chấn an.

Quyết không bỏ cuộc

Đồng hồ báo hơn 23 giờ 30 phút, thời tiết lúc này ngày một trở lạnh vì hơi nước ở sông bốc lên cộng với sương đêm xuống làm tôi và đồng nghiệp lạnh co người. Trong lúc đang vùi mình vào đóng cỏ cây để tìm hơi ấm, chúng tôi thấy phía bên kia bờ xuất hiện ánh đèn cùng tiếng động cơ nổ lạch phạch của một con tàu nhỏ đang di chuyển. Lúc này, chúng tôi gần như quên hết cái lạnh, căng mắt ra nhìn để chuẩn bị tác nghiệp. Thế nhưng, chiếc tàu đó chỉ đi ngang và không có biểu hiện muốn hút cát.

Lại một lần nữa thấy bất an vì sợ “đứt dây động rừng” nên cát tặc hôm nay không hoạt động? Sau khi nhìn tôi với vẻ mặt không mấy thoải mái, ông T liền trả lời chắc nịt “không có”!. “Tôi là người dân bức xúc vì cát tặc lộng hành nhiều năm gây mất an ninh trật tự nên tôi dẫn các anh đi để viết bài nhằm giúp dân chứ không tôi đi làm gì cho mệt. Thông thường, sau khi có tàu dò thám chạy qua nếu một tiếng sau không có động tĩnh gì là chúng nó tới hút đó”, ông T khẳng định.

Chính lời khẳng định đó của ông T đã tiếp thêm sức mạnh để tôi và đồng nghiệp tin tưởng và tiếp tục chờ đợi. Quả đúng như dự đoán của ông T, khoảng hơn 1 giờ sáng chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy nổ khá lớn phía bên bờ sông Krông Nô thuộc địa giới hành chính của tỉnh Đắk Lắk. Sau một hồi quan sát, chúng tôi phát hiện không chỉ có một tàu mà có tới 2 hay 3 tàu di chuyển sát với nhau cùng dùng vòi cắm xuống lòng sông để hút. Điểm đáng chú ý, trong số các tàu này gần như không có bất kỳ lô gô hay biển hiệu để nhận diện thuộc công ty hay đơn vị nào.

Sau khi neo lại hơn 1 tiếng đồng hồ để nạo vét, đục khoét lòng sông, các tàu đã di chuyển về ngược bên mạn sông thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Chúng tôi  cũng di chuyển theo khoảng 1 km dọc bờ sông thì tiếng máy tàu bắt đầu nhỏ dần và mất hút trong màn đêm tối mịt của tiết trời Tây Nguyên đầy huyền bí.

Đến thời điểm này, tư liệu và hình ảnh tương đối đầy đủ để chứng minh việc khai thác cát vào bàn đêm dọc tuyến sông Krông Nô diễn biến khá phức tạp. Tôi và đồng nghiệp cùng người dẫn đường ngồi nghỉ xả hơi và chuẩn bị thu gom đồ đạc, công cụ tác nghiệp để trở về. Trên đường về, tôi và đồng nghiệp dù mệt những rất vui vì đã có được những dữ liệu cần thiết phục vụ cho chuyên đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Săn “cát tặc” trên dòng Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO