Ngày 19/9, một phóng sự trên Báo Tuổi Trẻ cho biết trong thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 9, cơ sở sơ chế rau đặt tại Công ty TNHH MTV Viager (phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã "phù phép" rau từ chợ đầu mối thành "rau sạch Đà Lạt", chuẩn VietGAP.
Những sản phẩm này sau đó được dán nhãn của Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) và đưa đến tiêu thụ tại một số cửa hàng thuộc WinCommerce, 3 Sạch và TikiNGON. Trước thông tin rau sạch dỏm “biến hình” dư luận hết sức hoang mang, lo lắng, đồng thời cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh, dù muộn còn hơn không.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, việc nhập nhèm “rau sạch, rau bẩn” không mới và người tiêu dùng, dù ở ngoài chợ hay trong siêu thị, đều rất khó chọn được rau sạch thật sự theo đúng nghĩa. Trong ma trận hàng thật - giả, ai cũng muốn biến mình thành nhà tiêu dùng thông thái.
Thế nhưng dường như điều đó trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú và mắt thường thật khó có thể phân biệt được đâu là hàng thực sự an toàn trước công nghệ ngày càng tinh vi. Ngay cả các cơ quan chuyên môn cũng rất vất vả phải mất thời gian để xét nghiệm, kiểm định bằng hệ thống máy móc tinh vi thì mới có thể đưa ra kết luận.
Một câu hỏi đặt ra bây lâu nay là bao giờ người dân mới thoát khỏi nỗi lo về thực phẩm không an toàn? Và có lẽ câu hỏi này sẽ còn bỏ ngỏ nếu các chế tài xử lý chưa đủ răn đe và các cấp, các ngành vẫn còn buông lỏng, thiếu sự quyết tâm trong việc quản lý chất lượng thực phẩm. Cứ như thế, con đường từ dạ dày tới bệnh tật, rồi "kết thúc" cuộc đời của mỗi người sẽ lại càng trở nên ngắn và dễ dàng hơn bao giờ hết.
“Con sâu làm rầu nồi canh” - không phải tất cả các doanh nghiệp đều làm ăn chộp giật, bất chấp vì lợi ích kinh tế mà bỏ mặc quan tâm sức khỏe người dân. Thực tế, câu chuyện sản xuất xanh, tiêu dùng xanh bắt đầu phát triển trong những năm gần đây và hôm nay, trở thành vấn đề thời sự khi một loạt chủ doanh nghiêp các siêu thị nhập cuộc trong “cơn lốc” gói thực phẩm bằng lá chuối được cộng đồng xã hội tán dương.
Nhìn từ sự kiện này để soi chiếu vào tình hình thực tế cho thấy, những doanh nghiệp nào sớm nhận thức được vai trò và thể hiện trách nhiệm "sạch và xanh" của mình sẽ chiếm được niềm tin, đón nhận của người tiêu dùng, cộng đồng và xã hội. Còn nếu không từ bỏ kiểu làm ăn “chụp giật”, ngắn ngày và thay vào đó là tư duy phát triển thiếu bền vững, mất mát lớn nhất của hộ đó là không có chỗ đứng trong lòng “thượng đế”.
Doanh nghiệp có thể chấp nhận những mức phạt hành chính cao nhưng họ lại không thể thơ ơ đúng nhìn uy tín, thương hiệu của mình trở lên xấu xí trong mắt cộng đồng. Ở các thị trường văn minh như: Mỹ, EU, Singapore… khi “văn hóa tẩy chay” trở lên phổ biến, sức ép cộng đồng là một lá chắn hữu hiệu bảo vệ sức khỏe, môi trường sống. Đứng trước sức ép này, doanh nghiệp buộc phải cân nhắc thiệt hơn khi có ý định coi nhẹ các giải pháp bảo vệ môi trường sống của người dân.
Còn tại Việt Nam, theo Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn để mua sản phẩm/dịch vụ từ các công ty có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường. Người tiêu dùng đã tự thay đổi và đây là động lực lớn nhất để doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo.
Tuy vậy, chúng ta cần nhìn nhận thực tế, để hướng tới đích của tiêu dùng xanh, những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý là không đủ mà quan trọng hơn là sự thống nhất của tất cả các thực thể tham gia nền kinh tế phải vào cuộc từ ý thức tới hành động. Điều này, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vẫn còn khoảng cách rất lớn.
Nhìn lại những sự cố môi trường hay những vụ việc thực phẩm bẩn đội lốt sạch xảy ra trong thời gian qua, đây là thời điểm tốt cho một cuộc vận động và ủng hộ cho những thương hiệu sạch và xanh. Người tiêu dùng kỳ vọng ở việc thực hiện nghiêm ngặt những chính sách kiểm soát và thưởng phạt nghiêm minh nơi các cơ quan quản lý nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe và môi trường sống. Có như vậy, người tiêu dùng sẵn lòng ủng hộ những chương trình “sạch” đề cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
Đó có thể được xem là “khoản đầu tư” tốn kém trước mắt đối với một số thương hiệu có định hướng lâu dài. Thế nhưng, thương hiệu nào cam kết đầu tư một cách chuyên nghiệp sẽ có cơ hội lớn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tín nhiệm từ người tiêu dùng.
Điều này không có nghĩa là chạy theo phong trào, phô trương, quảng bá mà nên thực hiện cam kết bằng chính cái tâm trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng.