"Rốn vàng" xứ Nghệ một thời tan hoang
Vùng đất “4 Yên” (gồm các xã Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh và Yên Thắng) của huyện biên giới Tương Dương, tỉnh Nghệ An xưa nay được biết đến là nơi có trữ lượng vàng sa khoáng lớn. Từ xa xưa, bà con người Thái đã làm nghề đãi vàng thủ công, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể, giúp có đủ cái ăn trong mùa giáp hạt. Lúc đầu, chỉ là người dân địa phương đào đãi theo cách thủ công, nhỏ lẻ; nhưng do lượng vàng sa khoáng nhiều, một đồn mười… rồi cứ thế “tiếng lành đồn xa”. Thế là, nườm nượp người dân tứ xứ kéo vào vùng đất này để tìm vận may. Một “trang tối” mở ra với vùng đất này…
Vào xã Yên Hòa, điều gây ấn tượng nhất là bà con người Thái ở đây đã biết làm du lịch, dựa vào cảnh quan và đời sống văn hóa, phong tục để thu hút du khách. Du khách đến Yên Hòa mê mẩn với cánh đồng mùa trĩu hạt, với gần 50 cọn nước ngày đêm thức cùng dòng Chà Hạ, ở đây còn có cánh rừng săng lẻ tuyệt đẹp ở bản Yên Tân và lời ca, điệu múa của những cô gái Thái. Không ít người cho rằng, với ưu thế về phong cảnh, Yên Hòa sẽ là một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi bật nhất ở miền Tây Nghệ An.
"Đỉnh điểm" bắt đầu vào khoảng những năm 2004, 2005, bỗng dưng từng đoàn người ở đâu kéo đến, mang theo các loại xà lan, máy xúc, máy bơm công suất lớn đến đào xới dọc khe suối, đồng ruộng. Dòng Chà Hạ, Nậm Ngân, Huổi Nguyên và khe Líp vốn xanh trong bỗng dưng đục ngầu, đỏ quạch, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến mức cá, tôm không thể sống, bà con phải đi lấy từ nguồn xa về dùng.
Trong buổi chiều mưa lạnh cuối năm 2022, ông Ốc Văn Nghệ ở bản Xiếng Nứa, xã Yên Na, kể lại rằng: “Ngày ấy nghe đồn ở dọc khe Chà Hạ, Huổi Nguyên nhiều vàng lắm, lúc đầu dân làng khai thác rồi đồn đại đi xa. Thế là, nườm nượp người khắp nơi từ thị trấn Hòa Bình, từ huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, TP. Vinh và thậm chí là từ tận ngoài Thái Nguyên, Lạng Sơn… cũng kéo đến tìm vận may. Người cuốc, kẻ xẻng, người thì chở hẳn cả hệ thống máy hút, sàng đãi, máy múc vào khai thác tan hoang vùng đất của chúng tôi”.
Ông Vi Văn May ở bản Na Bón, xã Yên Na cũng nhớ lại thời kỳ hoang tàn ấy: “Họ khai thác ngày đêm khiến cho một vùng rộng lớn dọc khe suối Chà Hạ bắt nguồn từ xã Yên Tĩnh rồi chảy qua các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Thắng đổ vào Huổi Nguyên trở nên tan hoang, các hầm hố đào vàng sâu hoắm, san sát như bãi chiến trường. Có những tốp còn đào lấn vào cả ruộng lúa của dân bản để tìm vận may khiến cho từng đám ruộng rộng hàng chục héc-ta không còn hình hài".
Cũng theo những người dân xã Yên Na kể lại, giai đoạn khai thác “thịnh” nhất ở vùng đất này kéo dài hàng chục năm, từ những năm 2004 đến tận những năm 2014 đến 2015 mới chính thức chấm dứt.
Thời kỳ đỉnh điểm khai thác vàng khiến cuộc sống của người dân khổ cực. Nước khe suối quanh năm bị nhuốm một màu vàng đậm, những loại hóa chất dùng để “cô” vàng bị thải trực tiếp xuống khe suối khiến cho tôm, cá không con nào sống sót; người dân đưa nước vào ruộng nhưng cây lúa cũng còi cọc, khô héo và không cho thu hoạch… vì thế, phần vì ruộng đã bị đào bới, phần may mắn không bị đào khai thác vàng thì không cho thu hoạch. Chán nản, người dân bỏ hoang!
“Ruộng lúa nhiều năm liên tiếp gần như không có thu hoạch vì nguồn nước tưới bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải trong quá trình khai thác vàng gây ra. Trâu bò thả rông xuống khe suối uống nước cũng sinh bệnh ra mà chết, người lội qua suối về cũng bị ngứa ngáy, ghẻ lở…” - Ông Pay Văn Út - trưởng bản Na Bón, xã Yên Na, kể lại.
Thời điểm này, ngoài bản Na Bón, bản Xiêng Nứa (xã Yên Na), khai thác vàng trái phép còn xảy ra ở các bản Na Ngân, Xiềng Líp (xã Yên Hòa) hay khu vực Vắng Cuộm, Pu Phen (xã Yên Tĩnh)… mỗi ngày có hàng trăm tốp “vàng tặc” thi nhau cày xới khiến khung cảnh trở nên hoang tàn, xác xơ. Nước ở các con suối đổ ra Huổi Nguyên hòa vào Sông Cả vì thế quanh năm cũng nhuốm màu đỏ quạch…
Sắc xanh trở lại
Trở lại vùng đất "4 Yên" khi những người dân nơi đây đang vào vụ thu hoạch lúa. Lái chiếc xe bán tải chạy băng băng trên Tỉnh lộ 543C, anh Lô Văn Triều - Cán bộ phòng Nội vụ huyện Tương Dương vui mừng chỉ vào những cánh đồng lúa vàng ươm, rộn rã tiếng cười vui "mùa vàng", phấn khởi kể: “Giờ đây người dân bản không còn nghĩ đến việc khai thác vàng nữa đâu nhà báo ạ. Bây giờ bà con, người trung niên, lớn tuổi thì chuyên tâm làm ruộng lúa, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, trồng keo, chăn nuôi trâu bò…thanh niên thế hệ trẻ hơn thì đi Bắc, vào Nam để làm công nhân, khi có điều kiện thì về xây dựng quê hương, bản làng…”.
Sau cuộc hành trình hơn 30km từ thị trấn Thạch Giám, đi qua khu điều hành Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi vào đến những bản làng trước đây là "đại công trường" khai thác vàng trái phép. Những đồng lúa vàng ươm đang vào vụ gặt như tô thêm sự thơ mộng, mượt mà đến lạ thường ở vùng đất này.
Cánh đồng Na Bón rộng hàng chục héc-ta thơm phức mùi lúa mới. Ngoài đồng, đám ruộng nào đã gặt xong được người dân chăn gia súc để "tận thu" rơm rạ. Những đàn trâu hàng trăm con thong dong gặm cỏ, thỏa thích đằm bùn dưới ruộng sâu. Từng tốp người ngoài đồng đang hăng say với công việc đồng áng cười nói rôm rả. Không khí vui tươi, tràn đầy sức sống đã quay trở lại với vùng đất Yên tự bao giờ.
Ông Pay Văn Út - Trưởng bản Na Bón, xã Yên Na, khoe: “Mùa vừa rồi lúa tốt, năng suất lắm, nhà ta được mấy chục bao lúa sẽ đủ ăn cả năm đấy. Trước đây nước khe suối bị ô nhiễm do khai thác vàng nhưng mấy năm nay không còn hiện tượng này nữa nên khe suối đã trong xanh trở lại, những hầm hố khai thác trước đây cũng đã “lành da, liền thịt”, dân bản ta bây giờ phấn khởi lắm nhà báo ơi”.
Bên dưới dòng Huồi Nguyên nước xanh mướt, hai cha con anh Lô Văn Thanh đang kéo lưới bắt cá. Vừa khoe giỏ cá đầy ắp với các loại cá mát, cá lấu, chạch suối… anh Thanh vừa phấn khởi cho biết: “Từ khi không còn khai thác vàng nữa là cá đã xuất hiện trở lại ở dòng Chà Hạ, Huổi Nguyên và ngày càng nhiều lên. Hằng ngày tôi và con trai tranh thủ mang lưới ra suối bắt cá để cải thiện bữa ăn cho gia đình".
Theo ông Lương Thanh Truyền - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na: “Trước đây tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ ở bản khiến cho môi trường bị ô nhiễm, an ninh trật tự bị đảo lộn, đồng ruộng bị bỏ hoang khá nhiều, cuộc sống của người dân vì thế cũng bấp bênh. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền có hiệu quả nên người dân đã nhận thức được tác hại của việc khai thác vàng, mà khai thác trái phép là vi phạm pháp luật… vì thế mấy năm nay tình trạng trên đã chấm dứt hoàn toàn”.
Ông Nguyễn Phùng Hùng - Trưởng Phòng TN&MT huyện Tương Dương, phấn khởi khi nói về sự hồi sinh ở những vùng đất xưa kia vốn là điểm nóng khai thác vàng trái phép này. "Giờ những vùng đất xưa kia vốn được ví là "trẩy hội đào vàng" như Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh… nay đã bình yên trở lại. Đồng ruộng đã được cải tạo, khôi phục lại để canh tác có năng suất cao, khe suối đã trong xanh trở lại. Có được thành quả tuyệt vời này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự đồng thuận của toàn thể người dân nơi đây".