Homestay - những ngôi nhà bén mùi thương mại
Những năm 2000, Bản Hồ, huyện Sa Pa được biết đến là địa điểm lý tưởng cho du khách khi tới Sa Pa – thành phố trong sương. Thời điểm đó, Bản Hồ có gần 30 homestay nhưng đến nay khái niệm homestay không còn là khái niệm mới đối với đồng bào dân tộc vùng cao. Đặc biệt với đồng bào dân tộc Mông ở thị trấn Sa Pa, phố huyện đặc trưng của vùng cao Tây Bắc. Điều đó chứng minh cho nhịp độ phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế thị trường đã len lỏi đến tận đồng bào Mông ở nơi này.
Trên cơ sở đó, những người làm du lịch đánh giá, du lịch cộng đồng ở Bản Hồ có tiềm năng lớn nhất ở vùng thấp huyện Sa Pa. Và Bản Hồ là nơi có phong cảnh nguyên sơ, đặc trưng là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Nhưng nay mọi chuyện chỉ còn trong ký ức người dân Bản Hồ. Dòng suối Mường Hoa, thác La Ve từng tấp nập du khách “check in”, nay chỉ còn trơ đá sỏi. Phía thượng nguồn, những cỗ máy thủy điện như loài thuồng luồng hút cạn nguồn nước.
Ông Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có rất nhiều công trình thủy điện như: Sử Pán 1, 2, Nậm Toóng, Séo Chong Hô và một thủy điện đang xây dựng dở dang mang tên Bản Hồ. Thủy điện mọc lên không chỉ làm mất đi sự bình yên vốn có của Bản Hồ mà còn phá vỡ cảnh quan du lịch nơi đây; các sườn núi lở loét như người bị bệnh phong, suối Mường Hoa ngổn ngang đất đá như bãi chiến trường.
Tại thời điểm này, nếu tính cả các dự án đang được nghiên cứu, thì huyện Sa Pa có khoảng 20 dự án thủy điện lớn nhỏ khác nhau với tổng công suất 345,6 MW.
Anh Lồ A Quỳnh, thôn Bản Dền, xã Bản Hồ một trong những người còn gắn bó với dịch vụ homestay cho biết: Năm ngoái du khách đã bắt đầu quay trở lại Bản Hồ nhưng cũng chẳng đáng là bao so với trước kia.
Để giải đáp cho câu hỏi: Tại sao khách du lịch quay lưng với du lịch Bản Hồ, câu trả lời không khó. Do hệ sinh thái môi trường bị phá hủy, dòng suối Mường Hoa, thác La Ve trước đây nước dội ào ào tạo thành sức vóc thiên nhiên hùng vĩ nay chỉ còn trơ lại sỏi đá… Chính vì vậy mà kinh doanh dịch vụ homestay đã không thể phát triển bị “chết yểu” bởi các công trình thủy điện. Nên các hộ kinh doanh đóng cửa đi làm thuê. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn vài ba hộ kinh doanh dịch vụ này.
Chị Đào Thị Tem, nhà ở ven con đường dẫn vào thác La Ve. Tận dụng căn nhà mình có hướng nhìn đẹp, lại tiện hành trình vào thăm thác, chị Tem đã vay mượn tiền xây dựng căn nhà khang trang để đón khách và phục vụ nhu cầu tắm lá thuốc người Dao truyền thống. Nhưng từ khi các nhà máy thủy điện xuất hiện, dòng nước từ thác La Ve đã khô cạn.
Nghênh ngang xây dựng khi chưa xong đền bù
Thủy điện Bản Hồ với công suất 9MW, được xây dựng tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, (tỉnh Lào Cai) do Công ty CP Công nghiệp Việt Long làm chủ đầu tư. Đơn vị này đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, ngày 7/3/2018. 5 tháng sau, Công ty này tiếp tục được được UBND tỉnh Lào Cai điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2395/QĐ-UBND, ngày 7/8/2018 nâng công suất lắp máy lên 10MW.
Khi triển khai làm dự án thủy điện Bản Hồ, nhà đầu tư không hề thông báo đến chính quyền địa phương. Người dân có đất trong phạm vi dự án, tố cáo Công ty CP Việt Long thu hồi đất nhưng chưa đền bù thỏa đáng cho dân đã cho máy xúc tiến hành, cuốc xúc gây bức xúc dư luận cho dân.
Anh Má A Bẩy, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cho biết: Gia đình anh có một thửa ruộng giáp suối nằm trong qui hoạch xây dựng thủy điện Bản Hồ. Nhưng đến nay đơn vị này chưa bồi thường cho tôi đã ngang nhiên mang máy ủi, máy xúc đến san gạt ruộng của nhà tôi. Tôi đã làm đơn lên chính quyền xã Bản Hồ nhưng đến nay sự việc vẫn không có gì thay đổi.
Ông Đào A Len xã Suối Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bức xúc chia sẻ: Họ vào đây xây thủy điện, dân chúng tôi có biết gì đâu, đáng nhẽ là họ phải thông qua những nhà có đất bị ảnh hưởng trong dự án. Đằng này họ làm như trốn không người… mà chính quyền xã Bản Hồ, huyện Sa Pa cũng không thấy có động thái nào giúp dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đào A Khơi, Chủ tịch UBND xã Suối Hồ, cho biết: Thủy điện Suối Hồ bắt đầu triển khai xây dựng vào khoảng tháng 10,11/2017. Khi triển khai xây dựng thì xã cũng đã cùng với thủy điện thống kê về số hộ bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án. Tại xã Bản Hồ có khoảng 40 hộ bị ảnh hưởng trong đó có 9 hộ là có diện tích đất bị mất nhiều.Còn đất của ông Mã A Bẩy thì đúng là chính quyền xã đã nhận được đơn khiếu nại của gia đình và cơ quan chức năng cũng đã liên lạc với trưởng ban giải phóng mặt bằng của thủy điện và cho cán bộ đi kiểm tra thực tế, nhưng vì giáp suối nên chưa xác minh được diện tích thực tế.
Trao đổi với chúng tôi về Dự án nhà máy thủy điện Bản Hồ, ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa: cho biết “UBND huyện đã kiểm tra và phát hiện một loạt sai phạm ở dự án này nhưng do vượt quá thẩm quyền xử lý của huyện nên đã trình lên tỉnh đề nghị giải quyết. Còn tỉnh xử lý ra sao chúng tôi chưa rõ”.
Ông Phong cũng cho biết, trước đó Phòng TNMT huyện Sa Pa đã tiến hành kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại dự án thủy điện Bản Hồ. Tại thời điểm này, chủ đầu tư đang đào kênh dẫn dòng, đắp quai đê nắn suối Mường Hoa để thi công hố móng. Khoảng 500m3 đất đã bị đổ xuống suối Mường Hoa gây bồi lấp, cản trở dòng chảy, ô nhiễm môi trường. Đơn vị này cũng ngang nhiên tận thu 100m3 khoáng sản mà không hề xin giấy phép.
Ông Phong khẳng định, những việc làm này của Cty CP Công nghiệp Việt Long vi phạm, Luật bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản và tài nguyên nước… Các hành vi này vượt quá thẩm quyền xử lý của huyện Sa Pa. Tổng mức xử phạt các lỗi này có thể ở mức 400 – 500 triệu đồng. Huyện Sa Pa đã kiến nghị UBND tỉnh, Sở TNMT Lào Cai kiểm tra, xử phạt Cty này.