Xã hội

Rừng xanh vang tiếng…KTen

Bút ký của Đình Du 10/02/2024 - 00:39

(TN&MT) - Trải qua 67 mùa rẫy, già làng KTen (người đồng bào K'Ho, sinh năm 1957, ngụ thôn Ka Long xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) dành cả cuộc đời gắn bó với cách mạng, tri kỷ với núi rừng.

vung-rung-thuoc-du-an-suoi-hoa.png
1.jpg

Ở tuổi xế chiều, cứ ngỡ KTen để bản thân nghỉ ngơi, nhưng ngày đêm ông vẫn băng rừng tuần tra để canh giữ rừng nguyên sinh núi Voi có đến hàng ngàn cây thông đỏ quý hiếm.

Thống nhất đất nước chưa được bao lâu thì tổ chức phản động Fulro xuất hiện. Ban ngày chúng ẩn núp trên núi, ban đêm tràn xuống sát hại dân lành. Người cậu ruột của già làng KTen cũng là nạn nhân của “bóng ma tội ác” này khiến sự căm phẫn của ông càng lên đến tột độ. Từ năm 1977 đến năm 1986, nhờ những cây thông đỏ ngàn năm che chắn, già làng KTen đã tiêu diệt thủ lĩnh Fulro và 37 tên thuộc hạ. Thầm mang ơn, già làng KTen đã dành tình yêu cho rừng nguyên sinh núi Voi gần như là… bất diệt.

Gắn bó với cách mạng

Canh 5 gà rừng chưa kịp gáy, quần thể núi Voi phủ đầy hơi sương, chìm trong “giấc ngủ”, sự hoang vu của đại ngàn bỗng chốc bị đánh thức bởi âm thanh gầm rú chát chúa phát ra từ chiếc xe máy của già làng KTen mỗi khi cố trườn qua những con dốc để đến khu vực những cây thông đỏ có tuổi thọ hàng ngàn năm. Trong bóng đêm trải dài, những cơn gió lạnh như “cắt da cắt thịt” từ đỉnh núi lùa xuống liên hồi khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Lên cao, mây mù, sương giăng đặc quánh ôm ấp núi, quấn quanh từng cành cây, ngọn cỏ. Vừa vượt qua con đường mòn uốn lượng, có đoạn trơn như bôi mỡ bởi mưa phùn, vách núi dựng đứng… cũng là lúc KTen dừng xe và tắt máy. Chúng tôi cứ ngỡ việc dừng lại để “con ngựa sắt” nguội máy và giảm mùi khét từ động cơ, nhưng sự thật lại là câu chuyện khác, đó là nỗi tâm tình của già làng KTen còn lắng đọng ở rẻo đất đỏ bằng phẳng nằm giữa lưng chừng quần thể rừng nguyên sinh núi Voi mà chúng tôi đang đứng.

thumbnail_anh-6.jpg
Với già làng KTen, tình yêu dành cho rừng thông đỏ núi Voi là bất diệt

Già làng KTen tường tận qua bao câu chuyện đều hào hứng, nhưng khi nhắc đến người từng “nâng khăn sửa túi”… là ánh mắt ông chùng xuống, chất chứa nỗi buồn. Hướng tay về những cây xoài và chiếc chòi cỏ đổ ngã, già làng KTen lời rằng: “Tôi và người vợ quá cố từng sinh sống ở đây đến 27 năm, gần 3 năm trước, bà đã về với Yang (thần linh - PV), con cháu nhiều lần lên động viên, thậm chí làm dữ… nên tôi mới miễn cưỡng hạ sơn về nhà”. Giữa trùng điệp núi non phả hơi lạnh, vầng trăng khuyết mờ dần đợi đón bình minh, già làng KTen tua lại cuộc đời mình như những thước phim quay chậm.

Già làng KTen sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng KTen đã có vóc dáng cường tráng và sức khỏe hơn người, chuyện ông đo ván một con lợn rừng hung dữ dễ như trở bàn tay. KTen còn là thanh niên sáng dạ, năng nổ. Năm 17 tuổi, KTen được bầu làm Bí thư Chi đoàn Thanh Niên xã Đinh Văn, đầu tháng 7/1975, ông được Nhà nước cử đi học Trường chính trị Hoàng Văn Thụ Đà Lạt, sau đó về làm Trưởng ban Thủy lợi xã Đinh Văn. KTen tiên phong hướng dẫn người trong buôn lắp 24 máy bơm nước vào ruộng, đắp hơn 20 đập thủy lợi để tưới tiêu hàng ngàn mẫu ruộng, ông cũng là người đầu tiên hướng dẫn buôn làng cách cấy lúa, bởi ngày đó họ chỉ biết xạ ruộng.

Người K'Ho duy trì tục “nối dây” theo mẫu hệ, phụ nữ làm chủ gia đình, con cái sinh ra theo họ mẹ, con gái là người thừa kế gia sản cha mẹ để lại… Cũng như bao chàng trai khác trong buôn, năm 20 tuổi, KTen được nàng Ka Khuy “ưng cái bụng” và mang sính lễ tới dạm hỏi rồi “bắt” về thôn KLong, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng làm chồng. Sự yên bình của đôi vợ chồng trẻ chưa được bao lâu thì hay tin người cậu bị lực lượng phản động Fulro sát hại, KTen liền tham gia đội trinh sát vũ trang của Công an tỉnh Lâm Đồng để chống lại tội ác của chúng.

Bất diệt với đại ngàn

Để vào rừng thông đỏ, chúng tôi lội bộ băng rừng theo già làng KTen. Trên đường đi, có lẽ quá chú tâm câu chuyện về lòng nhiệt huyết máu thịt của ông gắn bó với cách mạng, tri kỷ với cây thông đỏ cùng với không gian tĩnh mịch núi rừng trong sương sớm… mới khiến chúng tôi không chút mệt nhoài.

Vừa luồn qua tán rừng nguyên sinh, phía trước một bên là dốc, một bên là hố sâu… hình ảnh đập vào mắt là đàn chim trĩ và gà rừng thi nhau vỗ cánh bay vút lên ngọn cây thông đỏ cổ thụ có đường kính gốc khoảng 2m, bộ rễ chắc khỏe quanh gốc nổi lên mặt đất như những con rắn hổ mang chúa. Theo già làng KTen, cây thông đỏ này được các nhà khoa học công bố có tuổi thọ hơn 2.000 năm. Với tuổi đời như vậy, cây thông đỏ này vô hình chung đã chứng kiến vô số biến cố thăng trầm của lịch sử từ thời ông cha ta dựng nước và giữ nước. Gần cây thông đỏ cổ thụ này là hàng loạt cây dâu rừng đang vào mùa sai cành trĩu quả, hết đàn chim này đến đàn chim khác chuyền cành líu lo thưởng thức bữa ăn sáng.

thumbnail_anh-5.jpg
Tác giả phỏng vấn già làng KTen bên cây thông đỏ 2.500 năm tuổi

Sự hùng vĩ của rừng nguyên sinh núi Voi khiến chúng tôi không khỏi lạ lẫm khai sáng trí tò mò. Trong lúc ghi hình, lưu ảnh, chúng tôi liên tục bắt gặp hình ảnh già làng KTen vuốt ve thân cây và thì thầm bằng tiếng mẹ đẻ K'Ho… như thể hai người bạn gặp nhau “tay bắt mặt mừng”, họ chúc nhau những điều tốt lành về ngày mới.

Mặt trời lủng lẳng đằng Đông. Sương tan dần, tia nắng ban mai xuyên qua khe hở những tán thông đỏ kéo thành vệt dài hằn in trên lớp lá mục báo hiệu ngày mới bắt đầu. Tiếp tục băng rừng, vượt qua hàng loạt con dốc, khi đến gần khu vực hồ Tiên, già làng KTen hướng tay về phía vạt rừng phía trước nói: “Chấm đen cao nhất ở phía trước chính là cây thông đỏ có tuổi thọ hơn 2.500 năm”. Nghe đến đây, những người đi cùng ai cũng nhanh chân bước vội để chiêm ngưỡng sự cổ kính của cụ… thông đỏ được xếp vào bậc trưởng lão. Thật bất ngờ, thoảng chút rùng mình bởi từ phía cây thông đỏ 2.500 tuổi ấy liên tục phát ra tiếng cười, tiếng nói rôm rả, huyên náo cả một góc rừng. Như duyên phận, không hẹn mà gặp, chúng tôi gặp anh Hoàng Đình Hà - Kiểm lâm địa bàn xã Hiệp An và anh Trần Mạnh Trường - Trạm trưởng Trạm quản lý chuyên trách bảo vệ rừng số 1 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh và một số nhân viên phối hợp đi tuần.

Chứng minh sự bề thế, vẻ đẹp uy nghi của cây thông đỏ ngàn năm, anh Hà, anh Trường cùng 5 nhân viên Trạm quản lý chuyên trách bảo vệ rừng số 1 nắm tay ôm mới xuể thân cây với đường kính gần 3m, một số cành cây còn lớn hơn chiều ngang của chiếc ghế Kpan “khủng” quyền lực của người Ê Đê. Chúng tôi phải lùi ra xa mới thấy được từ gốc đến ngọn cây thông đỏ này. Ngọn cây cao chót vót, chỉ nghe lảnh lót tiếng chim, tiếng gà rừng đậu trên cây gáy… nhưng chẳng thể nào nhìn thấy rõ chúng. Thật vi diệu, mỗi khi gió lớn lùa qua những chiếc lá kim đặc trưng của dòng thông đỏ tựa như… gẩy lên những điệu nhạc li kỳ, tưởng chừng có người đang ngồi trên cành lá điệu nhạc du dương.

thumbnail_anh-2.jpg
Lực lượng kiểm lâm bên Cây thông đỏ 2.000 năm tuổi

“Hiện thông đỏ sinh trưởng tự nhiên ở quần thể núi Voi có hơn 1.000 cây lớn nhỏ, trong đó có 400 cây được xếp vào hạng cây cổ thụ được đánh số và định vị. Riêng trong rừng nguyên sinh 32ha thuộc tiểu khu 268, 277 thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Doanh nghiệp tư nhân Trần Lê Gia Trang quản lý, khai thác phục vụ du lịch sinh thái có 59 cây thông đỏ có tuổi thọ trung bình từ 500 - 2.500 năm, nhưng do mưa gió và sấm sét đánh… đã có 6 cây tự bật gốc ngã. Theo tài liệu Phân viện sinh học Tây Nguyên, cây thông đỏ núi Voi có tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc, thuộc họ thanh tùng (Taxaceae), lá và vỏ của thông đỏ chứa hoạt chất taxol dùng bào chế thuốc chữa trị các loại bệnh ung thư”, anh Hoàng Đình Hà - Kiểm lâm địa bàn xã Hiệp An cho biết.

Bản lĩnh… KTen

Dưới tán cây thông đỏ cổ thụ 2.500 năm tuổi phủ bóng, già làng KTen mường tượng lại quá khứ huy hoàng, ông vuốt ve thân cây như một sự trả ơn, trả cái ân tình mà cây thông đỏ ngàn năm này từng che chắn cứu mạng ông trong những năm ẩn nấp tiêu diệt Fulro.

“Từ năm 1978 đến tháng 8/1986, tôi làm Tổ trưởng lực lượng vũ trang chống Fulro tại quần thể núi Voi này. Tôi cùng lực lượng can trường chiến đấu, bắn hạ hàng trăm tên, bản thân tôi tiêu diệt được 38 tên, tôi bắn hạ được tên cầm đầu. Tại trận chiến giằng co ở suối đá Tà Rèn thuộc khu vực thác Prenn, một mình tôi chiến đấu với 5 tên Fulro, vết thương ở chân đau âm ỉ lúc nắng gió trở trời là do những mảnh đạn của chúng găm vào, hiện tôi là thương binh hạng 4/4. Năm tháng “nếm mật nằm gai” chiến đấu chống lại Fulro ở rừng núi Đức Trọng, nếu không có những cây thông đỏ cổ thụ để ẩn náu và vợ tôi thầm lặng làm cô giao liên tiếp tế lương thực và mật báo thông tin thì không chừng… giờ tôi đã xanh cỏ, đi theo tiếng gọi của Yang. Thầm ơn rừng thông đỏ cứu mạng, từ năm 1993 - 2020, vợ chồng tôi lên núi Voi này sinh sống để bảo vệ cây trước nạn lâm tặc hoành hành. Chiến tranh lùi xa không còn cầm súng đánh giặc, giờ mình chăm sóc cây rừng xem như thể hiện cái hồn, cái cốt cùng niềm tự hào của người lính Cụ Hồ mãi mãi yêu nước, yêu rừng”, già làng KTen trải lòng.

“Tình yêu đại ngàn đã ăn sâu vào máu thịt, thời trai trẻ đánh Fulro cái chết cận kề mình chẳng sợ thì cớ chi phải nhún nhường trước cái xấu ở thời buổi nước nhà đang hòa bình. Cây thông đỏ còn gọi là cây tùng hôi, nếu bị đốn hạ mùi hôi từ nhựa cây lan tỏa khắp núi rừng nên “lâm tặc” dù muốn dù không... cũng phải tặc lưỡi bỏ ý đồ đốn hạ loài cây quý hiếm này”, già làng KTen tâm tình.

Mặt trời treo đỉnh đầu, già làng KTen dẫn đầu cả đoàn băng rừng tuần tra. Dù sắp bước sang cái tuổi… “thất thập cổ lai hy” nhưng thân thể, cơ bắp của “thủ lĩnh” núi Voi chắc nịch, ông băng suối, lội rừng, vượt hàng km đường rừng thoăn thoắt như một… “con sóc”. Hơn nửa cuộc đời gắn bó với rừng núi Voi, già làng KTen nhớ rõ vị trí từng cây thông đỏ trong lòng bàn tay.

Nghỉ ngơi chia nhau cơm nắm muối vừng bên dòng suối Croc chảy róc rách mát lạnh, già làng KTen giọng nói chắc nịch lấn át cả tiếng suối: “Khu rừng nguyên sinh núi Voi còn có nhiều cây du sam, bằng lăng quý hiếm có tuổi đời cả nghìn năm nên ngày trước “lâm tặc” lăm le. Đặc biệt, năm 2008, khi các nhà khoa học thông tin tinh dầu cây thông đỏ giúp bảo vệ sức khỏe là những kẻ nung nấu ý định phá rừng liên tục xuất hiện, chúng mua chuộc tôi không được là quay sang đe dọa vợ con. Chúng chặn đường đánh tôi bị thương, bỏ thuốc độc vào ao cá nuôi của gia đình, ngay cả căn chòi đơn sơ vợ chồng tôi sống hàng chục năm trên núi Voi này cũng bị chúng đốt phá…Tình yêu đại ngàn đã ăn sâu vào máu, thời trai trẻ tôi đánh Fulro, cái chết cận kề còn chẳng sợ thì há chi phải nhún nhường trước cái xấu ở thời buổi hòa bình, pháp quyền công lý rõ ràng. Mà cây thông đỏ người vùng cao còn gọi là cây tùng hôi, nếu bị đốn hạ là mùi hôi từ nhựa cây lan tỏa khắp núi rừng, buôn làng, Công an, Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng… dễ dàng lần theo mùi hôi ấy là ngăn cản, chế tài kịp thời”.

anh-a1.jpg
Già làng KTen được Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an khen tặng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc

Mưa phùn bất chợt của núi rừng làm dịu ánh hồng của mặt trời. Trời tối rất nhanh. Trong chớp mắt màu trời sẫm lại. Sương mù bủa vây ngay khi trời còn chưa tối hẳn. Rời núi Voi trong khuất lấp màn sương, tầm nhìn hạn chế chẳng thể nhìn xa. Những dãy núi cao nằm đối diện cũng chìm trong màu sương bạc. Trong làn sương ấy, chúng tôi tràn ngập cảm giác miên man, hít thở thật sâu khí trời trong trẻo đến lạ thường. Dõi mắt xuống bản làng, khói lam chiều cùng sương mù lảng bảng giăng móc nóc nhà sàn mà chẳng thể nào nhận ra đâu là khói bếp, đâu là sương!

Đến rừng thông đỏ núi Voi không chỉ tĩnh lặng với cây cỏ, mây trời mà còn cảm nhận được con người nơi đây vô cùng giàu tình cảm với rừng. Họ hòa mình với thiên nhiên mộc mạc, toát lên sự thuần khiết đến lạ thường khiến chúng tôi càng thêm thương, thêm quý. Mặc dù, chúng tôi đã đi nhiều nơi, lưu lại vô vàn hoài niệm đặc trưng từ miền xuôi đến miền ngược, nhưng riêng con người cùng cảnh vật ở rừng nguyên sinh núi Voi vẫn để lại dấu ấn sâu sắc hơn cả… vẫn cứ vẹn nguyên, tươi mới như ngày mới gặp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng xanh vang tiếng…KTen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO