Rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị xâm chiếm tại tỉnh Bình Định: Một số đơn vị buông lỏng quản lý

25/08/2016 00:00

(TN&MT) - Đó là nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng - chủ trì cuộc họp bàn biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vào chiều 24/8.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, cùng đại diện chính quyền các địa phương cho rằng: “Để xử lý dứt điểm vấn nạn này rất gian nan!”.

Địa phương than khó!

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 198 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá gần 256 ha. Huyện An Lão đang dẫn đầu về nạn phá rừng với 147 vụ với diện tích rừng bị phá 160,8 ha; tiếp đến là các huyện Hoài Ân (19 vụ, diện tích 32,27 ha); huyện Vĩnh Thạnh (17 vụ, diện tích gần 6 ha).

Cùng thời điểm này, toàn tỉnh cũng xảy ra 125 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 87,4 ha; tập trung chủ yếu ở huyện Phù Cát (85 vụ, gần 20 ha), huyện An Lão (21 vụ, hơn 30 ha), huyện Vân Canh (7 vụ, khoảng 12,8 ha)…

Nạn phá rừng đang diễn ra rầm rộ tại huyện An Lão
Nạn phá rừng đang diễn ra rầm rộ tại huyện An Lão

Lý giải vì sao tình hình phá rừng và lấn, chiếm đất lâm nghiệp từ đầu năm 2016 đến nay tăng đột biến? Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, cho rằng: “Giá keo nguyên liệu giấy tăng cao là yếu tố chính “kích thích” người dân phá rừng. Trong khi nhiều cán bộ chuyên trách lĩnh vực lâm nghiệp ở các địa phương còn yếu. Mà công tác quản lý đất lâm nghiệp của các xã, thị trấn chưa tốt. Việc xử lý các đối tượng có hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép còn thiếu kiên quyết”.

Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, thì cho rằng: Đầu năm 2016 đến nay, số vụ phá rừng trên địa bàn giảm hẳn. Trong số 17 vụ, đến nay, huyện xử lý được 7 vụ với hình thức phạt tiền, buộc trồng lại rừng trên diện tích gần 12.000m2. Các vụ còn lại đang được Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp ngành chức năng củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định. Riêng việc xử lý các hộ dân ở các xã Cửu An, Xuân An, Tú An (thị xã An Khê) đã lấn chiếm đất rừng trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh trên địa bàn thì huyện đã họp bàn và đề nghị thị xã An Khê hỗ trợ lực lượng để phối hợp xử lý. “Phía bạn bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí với cách giải quyết địa phương, song nhìn thẳng là việc xử lý tình hình này sẽ rất nan giải và phải thực hiện từng bước”, ông Đẩu cho hay.

Tại huyện Hoài Ân, nạn phá rừng đang diễn ra nóng bỏng. Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nói rõ: Hiện trạng này đang diễn ra rầm rộ ở xã Đăk Mang và Bok Tới, song việc ngăn chặn cũng rất vất vả.

Ông Khúc nêu lý do: “Dân bữa nay, dân phá rừng toàn vào đêm hôm. Các đối tượng vi phạm thuê người đồng bào vào chặt phá, có đêm phá tới 4,5 ha. Lúc ngành chức năng phát hiện thì họ “cao chạy xa bay” nên rất khó khăn trong xử lý”.

“Tui dân lâm nghiệp, để 1 cây rừng bị chặt tui xót lắm”!

“Rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị chiếm dụng”? Vậy thì giải pháp nào để ngăn chặn, xử lý? Các vấn đề này thu hút nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu.

Về phía huyện Vân Canh, ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, nói: “Quan điểm của huyện là xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, trong đó, chủ yếu là nhổ bỏ cây trồng trên diện tích lấn chiếm trái phép”. Tuy nhiên, ông Đẩu cho rằng, đây chỉ là biện pháp “hạ sách”, cách đối phó cuối cùng với vấn nạn này. Cái quan trọng lúc này là các ban, ngành, đoàn thể phải chung tay, xuống địa phương vận động nhân dân chấp hành quy định của pháp luật và tuân thủ các quy định về việc Bảo vệ phát triển rừng. Diện tích nào đã phá và trồng, theo tôi nên khoanh lại để giao cho xã quản lý; sau đó, xin ý kiến ngành chức năng xử lý tiếp. Đồng thời, lập các chốt chặn kiểm soát tình hình vận chuyển lâm sản, thời gian tới, huyện cùng Hạt Kiểm lâm rà soát, thành lập một chốt chặn tại làng Cà te, xã Canh Thuận.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, góp lời: “Đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ năm 2014 đến nay, chúng tôi chỉ đạo lực lượng chức năng của huyện phải nhổ bỏ hết. Diện tích vi phạm nào từ năm 2013 đổ về trước thì huyện giữ lại, giao cho đơn vị quản lý rừng tiếp nhận”. Tuy nhiên, để công tác ngăn chặn, xử lý nạn vi phạm lâm luật hiệu quả, huyện Hoài Ân đề nghị công an hỗ trợ lực lượng, nhất là khi thực hiện nhổ bỏ cây trồng.

Huyện An Lão là địa phương dẫn đầu với số vụ phá rừng cao nhất, để hạn chế hiện trạng này, UBND huyện quyết định  thành lập 2 tổ công tác giúp việc cho các địa phương để giải quyết nạn phá rừng. Đồng thời, 1 tổ công tác đảm nhận việc tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết cho người dân không tham gia phá rừng ở 10 xã, thị trấn cũng được thực hiện. “Các tổ công tác có nhiệm vụ lập kế hoạch, tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét tình trạng phá rừng cũng như việc mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở từng địa phương. Mỗi tổ công tác thực hiện nhiệm vụ này ít nhất một lần/tuần. Khi phát hiện các vụ vi phạm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng, các tổ công tác phải lập biên bản và tham mưu cho các đơn vị, ngành chức năng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định (người đứng) báo cáo  với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trồng rừng trái phép trong buổi họp chiều 24/8.
Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định (người đứng) báo cáo về tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trồng rừng trái phép trong buổi họp chiều 24/8.

Đề cập vấn đề rừng bị chặt phá, ông Nguyễn Hiếu Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, nói đầy chua xót: “Tui dân lâm nghiệp, để một cây rừng bị chặt tui xót lắm!”. Nên khoanh lại diện tích rừng lấn chiếm, giao cho địa phương quản lý, bán đấu giá phần cây. Đấu giá xong rồi thì giao đất cho dân. Nếu diện tích lớn, không manh mún giao cho Ban quản lý rừng để tổ chức giao khoán”.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng chỉ rõ: Một số Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương và ngành chức năng còn buông lỏng quản lý, chưa thường xuyên bám sát cơ sở để phát hiện và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Công tác tuyên truyền cho dân nhiều nơi thực hiện không đến nơi đến chốn. Có địa phương nghe thành lập ban bệ ngon lành, báo cáo thành tích suông sẻ, nhưng thực tế đi kiểm tra thì làm chẳng đến đâu và không hiệu quả.

Ông Dũng yêu cầu Sở NN&PTNT xây dựng cho UBND tỉnh chỉ thị về Bảo vệ, phát triển rừng; trong đó, xác định rõ trách nhiệm liên quan đến vụ việc xảy ra. Khi phá rừng diễn ra ai sẽ người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, phải được làm rõ. Các hội đoàn thể tham gia vào công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành các quy định về pháp luật Bảo vệ rừng. Các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn phải thành lập ngay tổ công tác phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần bảo vệ rừng. Ngoài ra, phải xử lý kiên quyết cán bộ, đảng viên vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng để làm gương. Chi cục Kiểm lâm làm việc ngay với huyện thành lập ngay các chốt chặn kiểm soát bảo vệ rừng. Giao cho lực lượng liên ngành tham gia, trong đó có công an.

“Đối với các trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý, kể cả cán bộ, đảng viên vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng. Huyện nào bao che cho hành vi vi phạm, cán bộ nhà nước nào đứng sau chỉ đạo, lấn chiếm phá rừng, cơ quan kiểm lâm phối hợp với huyện điều tra, xử lý cán bộ, đảng viên đó theo từng cấp để làm gương”, ông Dũng nêu rõ quan điểm.

Nguyễn Trọng Lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị xâm chiếm tại tỉnh Bình Định: Một số đơn vị buông lỏng quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO